THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 12:36

Hiệu quả từ những phiên tòa giả định

22/06/2022 | 11:43
Kết quả nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy, trẻ em chịu hoặc chứng kiến bạo lực gia đình sẽ không thể phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần và nhân cách như những trẻ bình thường.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (người thứ hai từ trái qua) và các luật sư Chi hội Luật sư tại một phiên tòa giả định.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (người thứ hai từ trái qua) và các luật sư Chi hội Luật sư tại một phiên tòa giả định.

Mang phiên tòa giả định đến trường học, khu dân cư

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, chúng ta cần phải tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn các em nhỏ có ý thức tự phòng vệ ngay từ khi các em ngồi trên ghế nhà trường. Thế nên, ngoài việc tham gia nhiều vụ án bảo vệ quyền trẻ em thành công, Chi hội Luật sư còn thực hiện các phiên tòa giả định tại các trường THCS, THPT về bạo lực học đường, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống ma túy, phòng chống tai nạn giao thông… giúp học sinh hạn chế, phòng tránh tệ nạn xã hội trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Tại phiên tòa giả định, các em được tiếp cận giống như một mô hình phiên tòa thật thu nhỏ mang tính giáo dục và hiệu quả tích cực, với mục đích nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên trong việc tuân thủ pháp luật.

Em Nguyễn Thị Minh, học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ: “Việc tuyên truyền qua phiên tòa giả định rất lôi cuốn người tham dự. Những quy định pháp lý được đan cài trong tình tiết vụ án cũng như trong phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát rất dễ hiểu, dễ nhớ. Chúng em mong sẽ được tham dự nhiều hơn những hoạt động như thế này”.

"Chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình cũng là một phương pháp giảm tỉ lệ phạm tội bạo lực ở trẻ vị thành niên"

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng hội viên Chi hội tổ chức thường xuyên phiên tòa giả định tại các trường học ở quận, huyện tại TP.HCM, hay ở khu dân cư - nơi có nhiều trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành để tuyên truyền. “Qua hơn 7 năm tổ chức phiên tòa giả định, thấy rõ thành quả phòng ngừa rất tốt, các vụ việc bạo hành, xâm hại ở những nơi đó ít hơn. Ðơn cử như ở quận Bình Tân, TP.HCM trong 1 năm nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em giảm hẳn. Vai trò chính của chúng tôi là tuyên truyền dưới hình thức phiên tòa giả định giống như một phiên tòa thật, những bản án là có thật. Chúng tôi đã mã hóa hết nội dung, kịch bản do Chi hội soạn ra, với sự tham gia của 15 luật sư hết lòng vì trẻ em. Có thể nói, các luật sư như các nghệ sĩ, sáng đóng 1 kịch bản, chiều lại vụ khác, với nhiều đề tài khác nhau. Không chỉ trường học, chúng tôi còn đến khu chung cư, tổ dân phố, khu nhà trọ, có những lúc trời mưa gió, nhưng vẫn đông người dân tới xem. Phiên tòa giả định không hề có kinh phí, luật sư cũng như những người tham gia đều trên tinh thần tự nguyện” - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ.

Một phiên tòa giả định tại trường THPT ở TP.HCM.

Một phiên tòa giả định tại trường THPT ở TP.HCM.

Tuyên truyền để học sinh tránh vi phạm luật do thiếu hiểu biết

Bên cạnh việc tuyên truyền luật pháp, qua phiên tòa giả định các luật sư đưa ra những kỹ năng phòng tránh, cũng như biện pháp hữu hiệu để kịp thời hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ khi các em không may rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành. Tại phiên tòa, các em đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao bị cáo gây gổ đánh nhau, thế nào là án treo, trường hợp nào phải đi tù?... Bên cạnh đó, các em cũng đưa ra nhiều câu hỏi hay xung quanh Luật Trẻ em 2016 để hiểu rõ các quyền của trẻ em, như quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc sức khỏe, để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc. Sau khi tham dự phiên tòa giả định kéo dài 60 phút, các em rút ra được nhiều điều bổ ích, tránh trường hợp vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Không chỉ trẻ em mà phụ huynh cũng nhận xét phiên tòa giả định rất hay, giúp cho chính bố mẹ hiểu luật hơn, từ đó giảm được bạo hành gia đình.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, phiên tòa giả định có học sinh trong trường tham gia đóng vai, giúp các em hiểu pháp luật hơn. Chúng tôi đã mã hóa các phiên tòa cho các em dễ hiểu, kết hợp cùng báo chí tuyên truyền liên tục trong thời gian dài, đến nay tất cả các trường ở TP.HCM đều muốn đăng ký làm phiên tòa giả định. Nếu các trường thường xuyên mời thì Chi hội phối hợp với công an, Hội Luật gia, phòng tư pháp, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng làm. Mới đây, Chi hội đã ký với Quận 1, TP.HCM cho tác nghiệp phiên tòa giả định có công an. Khi làm phiên tòa giả định là bớt vụ việc vi phạm pháp luật, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần ký với nhau quy chế hỗ trợ để thực hiện thành công hơn nữa.

Từ những kinh nghiệm ở TP.HCM, Chi hội sẽ biên soạn lại thành một tài liệu hướng dẫn cụ thể để nhân rộng mô hình này ra các nơi, dự kiến sẽ tới cả vùng sâu vùng xa, để phổ biến kiến thức pháp luật được mềm hóa dưới hình thức sân khấu hóa tới học sinh, phụ huynh, các thầy cô giáo, cha mẹ, cộng đồng xã hội.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM được mệnh danh là “lá chắn thép” trong bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo hành, tên tuổi của bà còn gắn chặt với những phiên tòa giả định, với các lớp học tiền hôn nhân. Nữ luật sư từng được nhận giải thưởng KOVA năm 2019, giải thưởng Phụ nữ

Việt Nam năm 2020. Bà đã 66 tuổi nhưng vẫn nhiệt huyết cùng hội viên Chi hội Luật sư đến tận nhà các trẻ em bị bạo lực, xâm hại để tư vấn tâm lý, hỗ trợ về vật chất, hỗ trợ bảo vệ quyền cho các em trong suốt quá trình xét xử.

Hồng Nga
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Phó Chủ tịch nước dự Lễ Trao học bổng 'Học không bao giờ cùng' lần thứ 2 cho trẻ em các tỉnh phía Nam

Phó Chủ tịch nước dự Lễ Trao học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 2 cho trẻ em các tỉnh phía Nam

1 năm trước

Chiều 19/6, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dự Lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ 2 do Hội Khuyến...
Truyền thông về trẻ em: Cần đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu

Truyền thông về trẻ em: Cần đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu

1 năm trước

Truyền thông về trẻ em đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội cũng như cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ, chăm sóc và giáo dục...
An sinh xã hội – Công cụ thiết yếu để phòng ngừa lao động trẻ em

An sinh xã hội – Công cụ thiết yếu để phòng ngừa lao động trẻ em

1 năm trước

Với mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em (LĐTE) từ 5-17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030, trong bối cảnh cả nước phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch...