THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 07:28

Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập dựa vào cộng đồng

28/10/2019 | 11:08


 Tiểu phẩm về phòng chống mua bán người thu hút sự quan tâm của người dân. Ảnh: Lê Lan

 

Sùng Thị S., sinh năm 2001, thôn Tà Là Cáo, Sính Phình, Tủa Chùa bị bán ngày 31/3/2017. S. và C. chơi thân với nhau, qua zalo, C. quen biết một bạn mặc quần áo công an đẹp trai. Anh này gọi điện liên tục trong vòng 4 ngày, giới thiệu là công an, có nhà cao tầng. Nếu C. đi cùng thì sẽ sung sướng, được ăn ngon mặc đẹp.


C. tin tưởng và rủ cả S. đi cùng. Ngày 31/3/2017, người đàn ông này gọi điện cho gia đình của C. là C. đến Lào Cai họ sẽ cưới làm vợ và sẽ gửi tiền về cho gia đình. 14h cùng ngày, C. và S. bắt xe khách đi Điện Biên. Xe đến Nà Tấu, một người khác gọi điện bảo xuống xe tại đây và sẽ có xe khác đến đợi. S. và C. xuống xe, đã có taxi chờ sẵn và quay về Huổi Lóng rẽ vào đường đi Mường Lay.


Đến Huổi Lóng, người lái xe đưa hai chai nước cho S. và C. uống. Chưa hết chai nước, cả hai đã thấy buồn ngủ, tỉnh dậy thấy mình đã ở Lào Cai. Có người đưa đến bờ sông, bảo “lên thuyền qua sông, người yêu của hai đứa đang ở bên kia chờ đợi”. Lúc đó, có một người đàn ông khoảng 40 tuổi đang chờ bảo lên xe và đi vào một cái nhà - nơi cũng có 2 người phụ nữ ở đó. 3 ngày sau, lại có thêm 4 người nữa bị lừa, tổng là 8 người toàn trẻ em ở các tỉnh khác nhau. 7 người đàn ông canh gác ngôi nhà đối xử với họ rất tàn ác.


Đến ngày thứ 4, C. giả vờ bị ốm, bảo mấy người đó đánh cảm cho. Sau đó, C. đòi đi vệ sinh nên trốn thoát, những người ở lại bị đánh đập rất tàn nhẫn.


Hơn một tuần sau, mấy người đàn ông bán S. vào làm dâu cho một gia đình người Trung Quốc. Họ không cho S. đi đâu, dọa nếu đi ra chợ hoặc trốn họ sẽ giết và bán đi một nơi khác thật xa. S. ở gia đình đó được 4 tháng. Một hôm, được chồng cho đi chợ cùng, S. nói với chồng là đi xem giầy bên kia, rồi trốn đi tìm công an Trung Quốc. Công an Trung Quốc đã liên lạc với công an Việt Nam và liên hệ người nhà đón S. trở về.


Từ ngày trở về. 8/10/2017, S. không giao tiếp, không ra khỏi nhà. Bố của S. uống rượu nhiều và thường xuyên đánh đập S. và mẹ. Cộng tác viên của thôn sau khi được tập huấn của Dự án Phòng chống mua bán người Tủa Chùa đã thực hiện truyền thông tại thôn, báo cáo trường hợp với nhân viên dự án (bao gồm cả trường hợp của Sùng Thị C.); thăm, vận động S. và gia đình tham gia vào mô hình tái hòa nhập và phục hồi dựa vào cộng đồng thông qua nhóm S4T (tiết kiệm chuyển hóa) tại thôn.


S. cùng 3 thành viên khác được nhận hỗ trợ vật liệu và hướng dẫn làm chuồng bò, nhận bò giống và các hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò. S. đã tham gia sinh hoạt và đóng tiết kiệm đều đặn hàng tháng, vẫn còn ngồi chung với mẹ ở các cuộc họp nhưng đã phản ứng khi được hỏi. Khi tham gia, gia đình được dự họp với sự có mặt của chủ tịch xã, đại diện Ban Phát triển thôn, bố của S. được yêu cầu hứa về việc không được uống rượu say và đánh đập vợ con. Hiện tại, các cam kết được bố S. thực hiện đúng.


Công an huyện Tủa Chùa tuyên truyền cho người dân về phòng chống tội phạm mua bán người. Ảnh: Lê Hùng

Chị Chang Thị Cha - Cố vấn nhóm tiết kiệm đồng thời là thành viên Ban Phát triển thôn, Ban Quản lý dự án xã đã hỗ trợ và hướng dẫn nhóm S4T cho biết: “S. khi mới về không nói, không giao tiếp với ai, như người mất hồn. Đến nhà nói chuyện mãi giờ mới chịu gặp người khác và tham gia sinh hoạt nhóm. Bố S. thì uống rượu say đánh đập vợ con dã man, tôi phải gọi cả chủ tịch xã, trưởng thôn và công an thôn đến giải thích cho hiểu về việc uống rượu và bạo hành là vi phạm pháp luật. Bố S. đã phải hứa trước mọi người nên bây giờ không còn uống rượu nhiều và đánh đập vợ con như trước”.


Theo đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam, Dự án trên đã làm việc ở 3 thôn để thành lập 4 Nhóm tiết kiệm do cộng đồng làm chủ - mô hình Tái hòa nhập và phục hồi dựa vào cộng đồng cho 4 nhóm ở 3 thôn (3 xã trong đó có 2 xã dự án) với 67 thành viên, 5 nạn nhân và hơn 50% phụ nữ từng di cư bất hợp pháp trở về.


Các thành viên (bao gồm cả nạn nhân) được trao đổi, xây dựng, thống nhất về quy chế, bầu chọn hộ theo tiêu chí từ khó khăn nhất để nhận hỗ trợ bò cái sinh sản, phát triển kinh tế hộ với hình thức xoay vòng và đối ứng 5%/hộ nhận bò. Dự án đã hỗ trợ 12 con bò cái và vật liệu, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng bò cho 24 hộ được lựa chọn. Dự án đang tiến hành các hoạt động về hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh, tập huấn kiến thức chăn nuôi và kinh tế hộ gia đình, lồng ghép quản lý ca, các kiến thức về phòng chống mua bán người và các kỹ năng chăm sóc trẻ, kỹ năng sống khác.


Hiện tại, các nhóm sinh hoạt đều đặn hàng tháng theo chủ đề. Mỗi tháng, ngoài đóng tiết kiệm, các nhóm được hướng dẫn kỹ năng chăn nuôi và chăm sóc bò, vật nuôi theo mùa; kiến thức phòng chống mua bán người và hướng dẫn quản lý tài chính, lên kế hoạch di cư và phòng chống mua bán người.


Ngoài ra, thông qua nhóm, các thay đổi trong sinh hoạt, kinh tế, chăm sóc con cái… và các biến động khác của nạn nhân được báo cáo kịp thời.


Dự án cũng hỗ trợ một nạn nhân ở huyện Điện Biên Đông từ Lào Cai về địa phương làm hồ sơ để đi học nghề theo chương trình tái hòa nhập thông qua Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Điện Biên.


Sau một thời gian hoạt động, mô hình hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập dựa vào cộng đồng thông qua nhóm tiết kiệm và sở thích chăn nuôi đang được địa phương ủng hộ và mong muốn nhân rộng, các thành viên tham gia rất tích cực và phía nạn nhân cũng đã có những thay đổi tiến bộ. Thông qua phát triển kinh tế, cộng đồng biết cách tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, giảm kỳ thị và tăng sự tham gia của nạn nhân trong các công việc chung, cải thiện kỹ năng giao tiếp, phát triển kinh tế để tránh tái bị bán.

Trí Đức/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...