THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 04:29

Hỗ trợ trẻ em tộc người Đan Lai và trẻ em dân tộc thiểu số thực hiện đầy đủ quyền trẻ em

04/10/2020 | 11:36

Các em là học sinh nhiều hoàn cảnh đặt biệt khó khăn (hộ gia đình nghèo, bố mẹ ly hôn, không có công việc ổn định,…) và cũng là học sinh tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn trẻ em dân tộc thiểu số miền núi của 9 tỉnh đã có nhiều cố gắng để vượt qua khó khăn, phấn đấu rèn luyện trong học tập và nhiều thành tích trong những năm học qua.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Chương trình.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một trong các quốc gia trên thế giới có sự cam kết mạnh mẽ về quyền trẻ em thông qua việc phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc (năm 1990) và các văn bản quốc tế khác liên quan đến quyền và bảo vệ trẻ em.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, các mục tiêu vì trẻ em đã đạt được những kết quả nhất định. Trẻ em ngày càng được bảo vệ tốt hơn, chăm sóc và giáo dục tốt hơn, được ưu tiên và khẳng định trong đường lối, chính sách và trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành theo hướng tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em.

Mặc dù Việt Nam đã thoát ra khỏi danh sách các nước nghèo, nhưng vẫn còn rất nhiều vùng trong cả nước đang đối mặt với nghèo đói. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ và trẻ em là nhóm người nghèo và ít được hưởng lợi nhất từ sự phát triển kinh tế của Quốc gia. Nghèo đói vẫn khiến một số trẻ em phải bỏ học, sống lang thang để kiếm sống, một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên chưa được hưởng quyền và chưa hòa nhập với xã hội, như chăm sóc y tế có chất lượng, giáo dục trung học, nước sạch... Tình trạng này bắt nguồn từ sự chênh lệch về kinh tế, bất bình đẳng giới và sự khác biệt đáng kể giữa vùng nông thôn và thành thị, cũng như giữa các vùng địa lý. Như vậy có nghĩa rằng, trẻ em Việt Nam rất cần thêm sự bảo trợ không chỉ gia đình, xã hội mà cần cả nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức để có nhiều hơn các hoạt động bảo đảm quyền của trẻ em.

Ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, hiện sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, với tổng kinh phí hơn 93 tỷ đồng. Theo Đề án này, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục đào tạo tại các khu vực người Đan Lai sinh sống, giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với các dân tộc khác trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025 với mục tiêu Vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ LĐTBXH giao cho Cục trẻ em triển khai thực hiện Đề án, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Năm 2019, Quỹ đã vận động được trên 130 tỷ đồng để hỗ trợ các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
 

Chương trình là một trong các hoạt động hỗ trợ trẻ em tộc người Đan Lai được thực hiện đầy đủ Quyền và Luật Trẻ em.

Nhằm góp phần bảo tồn và phát triển trẻ em tộc người Đan Lai và tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ em tộc người Đan Lai giao lưu với trẻ em các dân tộc khác, Bộ LĐTBXH giao cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức chương trình “Gặp mặt đại biểu trẻ em tộc người Đan Lai và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi lần thứ nhất (năm 2020)” để biểu dương các điển hình trẻ em nghèo hiếu học, học giỏi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt biết vượt khó vươn lên.

Chương trình là một trong các hoạt động hỗ trợ trẻ em tộc người Đan Lai, giúp cho trẻ em Đan Lai được thực hiện đầy đủ Quyền và Luật Trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được báo cáo với lãnh đạo các cấp, các ngành về thành tích học tập và rèn luyện của các em trong thời gian qua. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Thông qua đó góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp, các bậc cha mẹ, của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã biểu dương, ghi nhận sự cố gắng của 96 cháu tham dự chương trình. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng các cháu đã vươn lên để học tập và rèn luyện tốt. Các cháu đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhiều cháu đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh…

Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành liên quan và địa phương tích cực triển khai các kế hoạch chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; các chương trình mục tiêu của Chính phủ về trẻ em đến năm 2020, củng cố hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp để thực sự Quỹ Bảo trợ trẻ em là cầu nối những tấm lòng hảo tâm với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.

 

Các em giao lưu với nhà tài trợ.

Theo thống kê, hiện nay, nước ta còn gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 2,1 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Theo số liệu điều tra năm 2019, Việt Nam hiện có 54 dân tộc, dân tộc Kinh chiếm 86,2% và 53 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm 13,8% dân số cả nước. Tộc người Đan Lai có dân số khoảng hơn 3.000 người, sống chủ yếu ở vùng núi, có độ cao 1.200 mét so với mặt nước biển tại các bản Cò Phạt, Khe Khặng, Khe Púng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. 

Châu Anh/ GĐTE - Ảnh: K. Ngân

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.