THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 05:34

Hỗ trợ trẻ vị thành niên nhiễm HIV

18/12/2022 | 07:14
Báo cáo của UNAIDS chỉ rõ, trên thế giới 20% trẻ có HIV không được chẩn đoán tình trạng nhiễm, trong đó 40% trẻ từ 10-14 tuổi. Tại Việt Nam, theo TS.BS. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS (Cục Phòng, chống HIV/AIDS), năm 2021, có gần 4.000 trẻ em đang được điều trị ARV, trong đó 52% trẻ trong độ tuổi 10-16.
Nhân viên công tác xã hội tham vấn cá nhân cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV về kỹ năng sống.

Nhân viên công tác xã hội tham vấn cá nhân cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV về kỹ năng sống.

Cảnh báo gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam MSM

Ngoài nguyên nhân chính là trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ vị thành nhiên (VTN) nhiễm HIV là quan hệ tình dục sớm và không an toàn. Theo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 (số liệu được Bộ Y tế công bố tháng 4/2022), tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% năm 2013 tăng lên 3,51% vào năm 2019.

BS. Nguyễn Kim Bình, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đưa ra cảnh báo, trong 10 năm qua, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng gần 6 lần. Ðiều đáng báo động chính là sự tăng nhanh các ca MSM nhiễm HIV VTN. Số ca nhiễm HIV mới trong nhóm MSM trẻ tuổi (15-19 tuổi) liên quan tới các vấn đề như: bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng tránh thai, sức khỏe tâm thần, sử dụng chất trong quan hệ tình dục (chemsex), vấn đề tài chính, bộc lộ tình trạng nhiễm, kỳ thị và tự kỳ thị, tuân thủ điều trị và các vấn đề tiếp cận dịch vụ trong xét nghiệm, điều trị PrEP/ARV (yêu cầu người giám hộ khi sử dụng dịch vụ).

Về kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS của VTN, thanh niên, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 1 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Ðây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Ðứng trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, năm 2021, Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có những văn bản gửi Bộ Giáo dục-Ðào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tăng cường phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp. Theo đó, đối với thanh thiếu niên là học sinh, sinh viên, cần tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ.

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ.

Trẻ vị thành niên nhiễm HIV cần nhiều hỗ trợ

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ VTN là người từ 10-19 tuổi. So với điều trị HIV cho người lớn, việc điều trị HIV cho trẻ VTN gặp khó khăn hơn. Kết quả của một số nghiên cứu, báo cáo tại Việt Nam cho thấy, có một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị không tốt ở nhóm trẻ VTN như hạn chế kiến thức về HIV, kỳ thị và phân biệt đối xử, các vấn đề liên quan đến trường học như: lịch học trùng với lịch khám, vấn đề tài chính, nhận thức về tình trạng nhiễm HIV của bản thân, các vấn đề liên quan đến uống thuốc (quên thuốc, ngại uống thuốc...) trẻ chưa được chuẩn bị tốt cho việc bộc lộ tình trạng nhiễm HIV, chưa nhận thức được tầm quan trọng của tuân thủ điều trị, tâm lý không tốt khi chuyển sang cơ sở điều trị người lớn.

Tại Hội thảo về Chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS ở trẻ VTN và hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến tỉnh, BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ, việc sàng lọc tâm lý cho trẻ vẫn là vấn đề khó khăn trong việc điều trị HIV cho thanh thiếu niên. BS. Trương Hữu Khanh cũng nêu những khó khăn của việc tuân thủ điều trị ARV của trẻ như: lo đi làm, sợ tác dụng phụ, gia đình có người cha/mẹ/người chăm sóc chính mất, không muốn người khác nhìn thấy...

Ðể bảo đảm công tác điều trị cho người nhiễm HIV, cuối năm 2021, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 5968/QÐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Chương 6 của quyết định này quy định rõ về dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ trẻ VTN. Theo đó, công tác dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ điều trị HIV cho trẻ gồm nhiều hoạt động như: tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chuyển tiếp trẻ vị thành niên sang giai đoạn trưởng thành và sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lớn, hỗ trợ tuân thủ và duy trì điều trị ARV cho trẻ VTN nhiễm HIV.

Ðể công tác điều trị cho trẻ VTN nhiễm HIV hiệu quả, TS. Ðỗ Thị Nhàn khẳng định, việc xây dựng mô hình chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ VTN cần được thiết kế thân thiện, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh cụ thể của trẻ nhằm tăng cường tiếp cận điều trị HIV. Các dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ không chỉ có điều trị ARV mà còn có chăm sóc sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản và an toàn tình dục; chuyển tiếp trẻ sang cơ sở điều trị người lớn. Ðặc biệt, cần có sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ trẻ VTN nhiễm HIV/AIDS.

Vi Hương
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Trẻ nói dối có thể cho thấy trí não phát triển lành mạnh

Trẻ nói dối có thể cho thấy trí não phát triển lành mạnh

1 năm trước

Nhiều trẻ em bịa ra những điều dối trá mà không mang lại lợi ích gì. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu tốt, cho thấy trí não trẻ phát triển lành mạnh.
TP.HCM: Tăng 50% trẻ mắc viêm màng não cuối năm

TP.HCM: Tăng 50% trẻ mắc viêm màng não cuối năm

1 năm trước

Số bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não tại TP.HCM tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đa số trẻ mắc bệnh là trẻ nhỏ, nhũ nhi nên bệnh dễ diễn tiến không thuận lợi, gặp nhiều biến chứng...
Cách dùng quạt sưởi khi tắm cho trẻ

Cách dùng quạt sưởi khi tắm cho trẻ

1 năm trước

Nên bật quạt sưởi trước khi trẻ vào phòng tắm, không được bật tắt đột ngột, đặt trên bề mặt phẳng, lựa chọn thiết bị có nguồn gốc rõ ràng.