THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 04:50

Hóa giải mâu thuẫn trong cách nuôi dạy trẻ

15/10/2022 | 11:36
Sự khác biệt giữa hai thế hệ, sự khác biệt về không gian, thói quen vùng miền… khiến cho nhiều cặp vợ chồng trẻ rất khó để dung hòa với bố mẹ trong việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Nếu mâu thuẫn xảy ra, bạn phải làm gì để vừa nuôi dạy con tốt nhưng cũng không làm mất đi hòa khí trong gia đình?
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mẹ chồng - nàng dâu “chiến tranh lạnh” vì chuyện ăn uống của trẻ

Mấy ngày nay, chị Hương và mẹ chồng không nói với nhau câu nào, không khí trong gia đình vô cùng nặng nề. Chuyện là con bé nhà chị từng có tiền sử bị viêm ruột từ khi mới sinh nên chị rất kỹ tính trong việc ăn uống của con. Nhưng mỗi lần đón bé từ trường mầm non về, bà nội thường mua cho cháu khi thì bánh rán, lúc cái bánh bao, có hôm lại là gói bim bim, kẹo mút… Chị Hương không hài lòng, nhắc mẹ nhiều lần, nhưng bà toàn xua tay, nói chị cứ quan trọng hóa vấn đề, trẻ con đứa nào chả ăn mấy thứ đó và bà vẫn cho cháu ăn suốt có thấy nó kêu đau bụng hay làm sao đâu.

Cho đến một ngày, chiếc bánh bao “phản lại bà nội” khiến con bé nhà chị bị đi ngoài. Bao bực tức dồn nén bấy lâu chị xả cho bằng hết, và lời nói trong lúc tức giận thì chẳng hề dễ nghe. Chị nói rất gay gắt vì hình ảnh đứa con gái bé bỏng nằm chơ vơ giữa một đống kim truyền, dây dợ lằng nhằng tại Bệnh viện Nhi trung ương hồi nhỏ vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí chị. Lúc ấy bác sĩ nói, may quá con chị mới chỉ bị viêm ruột chưa hoại tử,  nhưng từ giờ gia đình chị phải đặc biệt lưu ý việc ăn uống của con. Vì sức khỏe của con, bấy lâu nay, vợ chồng chị vô cùng cẩn thận trong việc nấu nướng và ăn uống, vậy mà, bà nội cứ phớt lờ mọi sự nỗ lực của vợ chồng chị. Giận mẹ chồng, sợ bà lại cho cháu ăn linh tinh, chị Hương không nhờ bà đón cháu về giúp nữa.

Bà nội thì tự ái vì bị con dâu “đổ tội” làm cháu đau bụng. Bà giận con dâu, giận lây cả cháu nội, bà không thèm bắt lời với cả nhà chị Hương.

Chuyện mâu thuẫn trong cách giáo dục, chăm sóc và đặc biệt là trong vấn đề ăn uống của trẻ là chuyện xảy ra khá thường xuyên trong các gia đình hiện nay. Ðây không chỉ là vấn đề của các gia đình nhiều thế hệ, ngay cả khi gia đình bạn không sống cùng bố mẹ thì ông bà nội/ngoại vẫn có thể can thiệp vào cách bạn nuôi dạy và chăm sóc trẻ.

Không nên thỏa hiệp chỉ vì ngại đối đầu

Nhiều phụ huynh sợ làm mất lòng ông bà nên đã thỏa hiệp hoặc phớt lờ chính những quy tắc trong gia đình mà mình từng đề ra.

Bạn không thích cho con ăn quà vặt vì sợ trẻ sẽ bị sâu răng, béo phì, ảnh hưởng đến tiêu hóa nhưng sợ ông bà phật ý nên bạn không dám phản đối. Ðừng làm thế, vì sức khỏe của con, bạn hãy từ tốn giải thích cho ông bà hiểu tác hại của những loại thực phẩm này và đưa ra các thực phẩm thay thế tốt hơn cho sức khỏe trẻ. Ví dụ, thay thế bim bim bằng granola với các loại hạt ăn vặt bổ dưỡng, hoặc quy định mỗi tuần chỉ được ăn một gói bim bim thay vì ngày nào cũng ăn; thay thế nước ngọt đóng chai bằng nước ép hoa quả tự làm... Ðể thuyết phục, bạn có thể cho ông bà xem các bài tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng hay các clip trên mạng.

Ông bà nào cũng yêu cháu, nếu bạn ứng xử khéo léo thì có thể nhờ được ông bà nội ngoại hai bên hỗ trợ rất nhiều trong việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Ảnh minh họa.

Ông bà nào cũng yêu cháu, nếu bạn ứng xử khéo léo thì có thể nhờ được ông bà nội ngoại hai bên hỗ trợ rất nhiều trong việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Ảnh minh họa.

Hãy linh hoạt, đừng quá cứng nhắc

Có những vấn đề bạn cần giữ vững lập trường, quan điểm của mình, ví dụ chuyện ăn uống, học hành của trẻ. Tuy nhiên, cũng có vấn đề bạn cần linh hoạt, không nên quá cứng nhắc. Ví dụ, bạn quy định một ngày con chỉ được phép xem tivi 30 phút, nhưng khi ông bà lên chơi, ông bà để cho cháu xem tivi mấy tiếng đồng hồ. Nếu ông bà ở lại nhà bạn lâu dài và ngày nào cũng cho cháu xem tivi hàng tiếng đồng hồ thì đó là điều không nên, nhưng lâu lâu ông bà mới ra chơi 1-2 hôm, ông bà chiều cháu một chút thì bạn cũng không nên quá căng thẳng. Thay vì nhắc ông bà không được để cho cháu xem tivi nhiều như thế, bạn hãy nhắc con; “Ngày hôm nay con xem tivi nhiều rồi đấy”, hoặc: “Con nên đứng dậy đi lại một lúc để mắt được nghỉ ngơi”.

Tìm kiếm các giải pháp thay thế tốt hơn

Các ông bà thường chiều cháu, nhất là cháu nhỏ. Sự nuông chiều thái quá có thể làm hư trẻ, nhưng được chiều cháu lại là niềm hạnh phúc của nhiều ông bà. Bạn không nên “cướp” đi niềm vui nhỏ bé ấy của ông bà, thay vào đó hãy tìm kiếm các giải pháp thay thế tích cực hơn. Ví dụ, ông bà thích mua đồ chơi cho cháu, nhưng mua quá nhiều sẽ gây lãng phí và khiến trẻ không biết trân quý giá trị của đồng tiền. Bạn có thể gợi ý ông bà, thay vì mua các món đồ chơi đắt tiền, có thể mua quần áo, sách vở, hay đầu tư cho cháu tham gia một khóa học tiếng Anh hoặc một lớp năng khiếu chẳng hạn, hay đơn giản chỉ là cho cháu tiền nhét lợn tiết kiệm...

Những lưu ý khi tranh luận với ông bà

Nhiều ông bà cố tỏ ra mình quan trọng hơn bố mẹ của trẻ. Lại có ông bà dùng đồ chơi, đồ ăn vặt để lôi kéo trẻ đứng về phía mình. Thậm chí, một số ông bà còn luôn tìm cơ hội để nói xấu bạn trước mặt trẻ. Tuy nhiên, bạn cần nhớ, ông bà của trẻ cũng chính là bố mẹ của bạn. Ðừng nói những lời khó nghe như: “Ông bà không được làm như vậy”, “Ông bà chả biết gì”, “Con cấm ông bà không được chiều cháu như thế nữa”… Những lời nói này có thể khiến ông bà bị tổn thương sâu sắc và ảnh hưởng đến hòa khí giữa bạn và ông bà.

Ðể cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và ông bà, bạn nên trao đổi thẳng thắn với ông bà về các quy tắc nuôi dạy trẻ của mình và nên giữ thái độ từ tốn, nhẹ nhàng khi nói chuyện với ông bà.

Không nên tranh luận với ông bà trước mặt trẻ. Việc nuôi dạy con cái là nhiệm vụ của bố mẹ, ông bà chỉ hỗ trợ thêm vì vậy đừng quên bày tỏ sự biết ơn của bạn khi ông bà quan tâm đến cháu.

Nếu ông bà không đồng ý với quan điểm của bạn, hãy tình bĩnh và đừng quan trọng hóa cái tôi của mình. Việc lắng nghe, giải thích cặn kẽ và khoa học dần dần sẽ giúp ông bà hiểu hơn.

Nếu bạn và ông bà không tìm thấy tiếng nói chung trong việc nuôi dạy, giáo dục và chăm sóc trẻ, bạn có thể nhờ đến chuyên gia hay một người có uy tín đối với ông bà giúp đỡ.

Bình Yên
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Quảng Nam: Tặng giấy khen cho người dũng cảm cứu học sinh bị lũ cuốn

Quảng Nam: Tặng giấy khen cho người dũng cảm cứu học sinh bị lũ cuốn

1 năm trước

Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vừa truy tặng và trao tặng giấy khen cho người dũng cảm cứu học sinh bị nước lũ cuốn trôi.
Vì Ngày Mai - nơi tạo việc làm cho người yếu thế

Vì Ngày Mai - nơi tạo việc làm cho người yếu thế

1 năm trước

Tại Hội nghị tuyên dương người tốt việc tốt vì sự nghiệp trợ giúp trẻ em khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2018-2022 mới đây, Trung tâm Vì Ngày Mai và cá nhân chị...
Có nên cho trẻ uống kẽm và sắt cùng lúc?

Có nên cho trẻ uống kẽm và sắt cùng lúc?

1 năm trước

Ở nước ta, tỷ lệ trẻ em thiếu kẽm và sắt vẫn còn tương đối cao, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Theo chuyên gia y tế, nên bổ sung cùng lúc cả sắt và kẽm với tỷ lệ tương đương nhau để...