THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 03:14

Hòa hợp với con ở tuổi vị thành niên

28/08/2019 | 14:20
 
Những thay đổi tâm sinh lý của trẻ vị thành niên
 
Trẻ vị thành niên (chưa thành niên) là những trẻ chưa đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật, còn trên thực tế, lứa tuổi thường được mọi người coi là vị thành niên là trẻ từ 10 đến dưới 18 tuổi. Đây cũng chính là giai đoạn trẻ dậy thì, với nhiều thay đổi về tâm sinh lý, dẫn đến thay đổi về ngoại hình, tính cách, suy nghĩ và cả các thói quen, hành động.

Để hiểu trẻ vị thành niên thực không mấy dễ dàng, nhưng đó không phải “nhiệm vụ bất khả thi”.
 
Bước sang tuổi dậy thì, trẻ bỗng lớn phổng phao, cơ thể nảy nở, nữ có ngực, có kinh nguyệt; nam giới có râu, vỡ giọng… Cùng với đó là những thay đổi về tâm lý, trẻ vị thành niên bắt đầu có xu hướng muốn được tự do. Trẻ không thích phụ thuộc vào cha mẹ như trước đây, thậm chí, nếu cha mẹ cứ cố gắng kiểm soát sẽ khiến trẻ nảy sinh sự chống đối. Trẻ thích giao du với bạn bè nhiều hơn và chuyển từ tâm sự với cha mẹ sang tâm sự với bạn bè, vì bạn bè cùng trang lứa có vẻ sẽ hiểu và đồng cảm với trẻ hơn.
 
Ở tuổi vị thành niên, trẻ chưa phải người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con nữa, trẻ thích thể hiện mình “đã lớn” bằng những hành động ra vẻ người lớn. Một số trẻ yêu đương sớm, thậm chí, quan hệ tình dục sớm. Giai đoạn này, trẻ rất nhạy cảm, thích mộng mơ, hay bộc lộ các cảm xúc nhất thời, dễ yêu, nhưng cũng dễ chán chường, dễ mất niềm tin nếu gặp phải một biến cố hay khó khăn nào đó.
 
Về tri thức, giai đoạn vị thành niên, một số em sức học có thể bật lên do ý thức tự giác tốt, nhưng một số thì học hành sa sút do mải mê yêu đương, ham vui những trò chơi mới. Trẻ thích theo đuổi các lý tưởng nhưng cũng dễ bị rơi vào khủng hoảng tâm lý nếu như không được cha mẹ định hướng đúng đắn.
 

 Trẻ vị thành niên muốn thể hiện cái tôi và muốn được độc lập, không bị cha mẹ kiểm soát. Ảnh minh họa
 
Cha mẹ phải làm gì để hòa hợp với con vị thành niên?
 
Một số bậc phụ huynh than phiền, từ khi con lên 10, nó không thèm tâm sự gì với cha mẹ. Hỏi chuyện gì, con cũng chỉ trả lời qua quýt cho xong. Con chốt cửa phòng vì không muốn cha mẹ bỗng nhiên xuất hiện trước cửa. Con không thích bố mẹ đưa đi học mà nằng nặc đòi tự đến trường. Con không thèm mặc quần áo bố mẹ mua và gu thời trang có khi quay ngoắt 180 độ. Bỗng dưng con hay buồn vu vơ, thậm chí cười, khóc lúc một mình, thì ra con đã biết yêu rồi. 
 
Bạn không thể bắt trẻ tâm sự với mình nếu trẻ không muốn, nhưng không ai cấm bạn tâm sự với con. Hãy cứ trò chuyện với con hàng ngày, tạo sự tin cậy để con tự nguyện trải lòng ra với bạn.
 
Trẻ đã lớn, bạn cũng không thể bao bọc con mãi, hãy cho con tự đạp xe đến trường nhưng cần trang bị các kiến thức an toàn giao thông cho con. Hãy cho con được tự ý chọn trang phục miễn là những trang phục đó phù hợp với lứa tuổi của con. 
 
Bạn cũng không thể cấm trẻ yêu đương vì càng cấm trẻ sẽ càng yêu đương quyết liệt hơn, nhưng bạn hoàn toàn có thể giúp con có một tình yêu trong sáng và lành mạnh. Điều cha mẹ cần làm là hướng trẻ tới các hoạt động học tập, vui chơi nhiều hơn. Hãy cung cấp cho con các tài liệu về giáo dục giới tính, hoặc cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống (ở đó có lồng ghép các buổi học về giới tính). Nói với trẻ về hậu quả của việc yêu đương sớm mà xao nhãng học hành. Hoặc ngược lại, hãy nói với trẻ về một tương lai tươi sáng nếu trẻ tập trung dồn hết sức cho việc học trong giai đoạn này. Để làm được điều này, bạn có thể cùng phối hợp với thầy cô, bạn bè, người mà trẻ tin tưởng.
 
Nhưng nếu một ngày, bất ngờ bạn phát hiện ra con mình đã quan hệ tình dục, phải làm sao đây? Gào thét, quát mắng con? Cấm con tiếp tục gặp gỡ người yêu để đề phòng hậu quả? Thậm chí, ngay lập tức chuyển trường, chuyển lớp cho con?... Tất cả các biện pháp đó đều khó đạt được kết quả như bạn mong muốn. Vì như đã nói ở trên, ở độ tuổi này, càng cấm đoán, trẻ càng cố tình làm để khẳng định bản thân. Nếu không thể ngăn chặn chuyện này ngay từ đầu, hãy khắc phục nó bằng cách cung cấp cho con các kiến thức về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng ngừa có thai, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Quan hệ tình dục sớm không chỉ ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ mà còn để lại nhiều hậu họa khôn lường, hãy tế nhị nhưng cũng cần quyết liệt khi nhắc nhở con điều này. Khéo léo hướng dẫn con cách từ chối những cám dỗ tình dục, cách bảo vệ bản thân mình, cách thoát hiểm nếu bị tấn công tình dục…

 Hãy hướng con tuổi vị thành niên tới các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Ảnh minh họa
 
Ở tuổi vị thành niên, một số trẻ có thể sa đà vào yêu đương khiến cha mẹ lo lắng, nhưng một số trẻ thì lại chẳng màng yêu đương, tuy nhiên lại có xu hướng nổi loạn, điều này cũng đáng ngại vô cùng.
 
Có trẻ mới lớn thích gây gổ, sinh sự, đánh lộn ở trường học, thậm chí, một số bỏ học, gia nhập các băng nhóm xấu. Số khác thì đắm chìm trong game bạo lực, trong thế giới ảo, lơ là học hành. Ngược lại, có trẻ bị stress, trầm cảm, thu mình, thụ động, không muốn giao tiếp với bất cứ ai. Để ứng phó với những biến đổi này, cha mẹ hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng khuyên nhủ và điều quan trọng là cần động viên, khuyến khích trẻ đúng lúc. Nhiều khi bản thân trẻ cũng không muốn nổi loạn, không muốn làm những điều sai trái nhưng trẻ còn nhỏ chưa đủ bản lĩnh để điều khiển suy nghĩ và hành động, chính vì thế cha mẹ cần thường xuyên ở bên trẻ để uốn nắn kịp thời. Nếu bản thân bạn không thể tác động tích cực được đến con, trẻ vẫn nổi loạn, ngông cuồng hoặc trầm cảm, u uất kéo dài, hãy nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên viên tư vấn học đường hoặc các chuyên gia tâm lý học. 
 
 

Phương Anh/GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.