THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 12:10

Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

13/05/2023 | 09:12
Trước sự phát triển nhanh, mạnh của Internet và các thiết bị công nghệ thì việc bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng, tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cần có khung pháp lý và chính sách, chương trình phù hợp trong nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và duy trì tính tích cực của mạng lưới bảo vệ trẻ em ở các cấp.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo giao lưu cùng các học sinh Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) về chủ đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo giao lưu cùng các học sinh Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) về chủ đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Các em cần được "tiêm vaccine số” để tự bảo vệ trên môi trường mạng

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD), hiện có 96,9% trẻ em sử dụng mạng Internet; một số liệu khác chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet, hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm.

Việt Nam có hành lang pháp lý khá rộng để bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, theo bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, việc thực hiện triệt để chính sách, pháp luật, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có 4 thách thức và nguy cơ lớn. Thứ nhất, đó là sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, mạng Internet và mạng xã hội đã làm xuất hiện nhiều trò chơi, phim ảnh trên mạng có tính bạo lực, khiêu dâm, đặc biệt là những sản phẩm độc hại; cùng với đó là diễn biến phức tạp của tội phạm trên môi trường mạng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thứ hai, các hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trên môi trường mạng thực sự chưa được quan tâm đúng mức. Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em trên mạng, trên Internet và mạng xã hội chưa được quan tâm nhiều. Thứ tư, ở vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, các bậc phụ huynh mải lo toan về kinh tế và cũng chưa có nhận thức đầy đủ về không gian mạng để bảo vệ, phòng tránh xâm hại trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là cha mẹ và nhà trường. Với trẻ em, ông nhấn mạnh đến 2 chữ “C” là “Cẩn thận” và “Chia sẻ”: Cẩn thận là các cháu khi vào các nội dung truy cập cần xem nên vào hay không; Chia sẻ là khi các cháu gặp các sự cố thì phải chia sẻ với người thân của mình. Với cha mẹ và giáo viên, 2 chữ "C" là “Chú ý” và “Che chở”: Chú ý các cháu truy cập vào trang web nào, tương tác với ai trên môi trường mạng, kết bạn với ai; Che chở khi các cháu gặp sự cố, tránh tình trạng khi gặp sự cố, thay vì che chở lại làm những hành động gây tổn thương cho các cháu.

“Quan trọng nhất là làm sao trang bị cho trẻ em một hệ miễn dịch và thường xuyên "tiêm vaccine số” cho trẻ để trẻ có một hệ miễn dịch thật tốt, có thể tự bảo vệ được mình trên môi trường Internet” - ông Nguyễn Đức Tuân nhấn mạnh.

Trẻ em cần được trang bị những kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Trẻ em cần được trang bị những kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

4 nguyên tắc trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Chia sẻ về nội dung và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật pháp, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực về không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách để tăng cường việc bảo vệ trẻ em ở trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, hiện gặp một thách thức rất là lớn, đó là cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và công nghệ thông tin, công nghệ Internet, môi trường mạng nói riêng đang phát triển rất là nhanh, gây áp lực cho những người hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. “Ví dụ như ChatGPT chẳng hạn, một phần mềm trí tuệ nhân tạo làm chúng ta ngỡ ngàng. UNICEF cũng đã gióng lên cảnh báo nguy cơ về những vấn đề liên quan đến tác động của trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT đối với trẻ em, và việc bảo vệ trẻ em ở trên môi trường mạng. Do đó, quá trình không ngừng hoàn thiện pháp luật và chính sách để tạo cho trẻ em môi trường an toàn, không gian an toàn và khuyến khích sự sáng tạo, tương tác đẩy mạnh trên môi trường mạng là một yêu cầu rất bức thiết và lâu dài”, ông Đặng Hoa Nam nêu ví dụ.

Theo ông Nam, trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, chúng ta cần chú ý 4 quan điểm và cách tiếp cận sau:

Thứ nhất là các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng thì phải có những chế tài ngăn chặn, xử lý tương ứng với những hành vi ở trong đời thực; chú ý việc đánh giá hậu quả của nó tác động đến đối tượng trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần.

Thứ hai là tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng, phòng, chống xâm hại trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường ở trong đời thực như thế nào thì tương ứng như vậy ở trên môi trường mạng.

Thứ ba là phải tăng nặng, dùng những chế tài và xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Ví dụ, xâm hại trẻ em nhỏ tuổi hay lợi dụng các vị thế, uy tín đối với trẻ em để có những hành vi trục lợi hoặc xâm hại trẻ em ở trên không gian mạng và môi trường mạng. Gần đây có những nghệ sĩ, những người nổi tiếng, youtuber, blogger, facebooker có lượng tương tác và người theo dõi rất lớn trên môi trường mạng, nhưng những hành vi của họ nêu gương xấu, thậm chí là lợi dụng sự nổi tiếng đó để thu lợi bất chính, xâm hại những người hoạt động trên môi trường mạng nói chung và trẻ em nói riêng. Nhưng hiện thiếu căn cứ pháp lý để xử lý và đánh giá hậu quả.

Thứ tư, cần phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và thu lợi từ môi trường mạng. Điều này thể hiện trước hết trong việc họ phải chặn, lọc, gỡ những thông tin, hành vi mà nó gây hại cho trẻ trên môi trường mạng. Họ cũng phải là những người đưa ra giải pháp về mặt kỹ thuật để bảo vệ trẻ và trong những quy định pháp lý thì chúng ta phải nhấn mạnh việc phòng ngừa.

“Tôi luôn luôn nhấn mạnh là chúng ta phải phòng ngừa. Bởi vì cho dù lĩnh vực công nghệ thông tin, môi trường mạng có những diễn biến rất khó lường, nhưng về quy định pháp luật, chính sách chúng ta phải luôn có những quy định mở để nhấn mạnh trách nhiệm phòng ngừa. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, những người cung cấp dịch vụ thu lợi ở trên môi trường mạng, thu lợi kể cả về mặt vật chất lẫn uy tín cá nhân với sự nổi tiếng của mình thì cũng phải được quy định trong pháp luật”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Vân Khánh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Bộ Y tế đề nghị tăng sản xuất, tìm nguồn cung, nhập khẩu thuốc Vitamin A

Bộ Y tế đề nghị tăng sản xuất, tìm nguồn cung, nhập khẩu thuốc Vitamin A

11 tháng trước

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đề nghị các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc Vitamin A nói chung và...
Nam Định: Tăng cường công tác quản lý học sinh, nâng cao trách nhiệm giáo viên

Nam Định: Tăng cường công tác quản lý học sinh, nâng cao trách nhiệm giáo viên

11 tháng trước

Chiều 9/5, sau vụ việc một học sinh Trường THPT An Phúc, huyện Hải Hậu (Nam Định) bị bạn học cùng trường đâm tử vong, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ sở...
Đồng hành cùng con tuổi dậy thì – mẹ và TEEN trải nghiệm tour “Dzạy thì sao”?

Đồng hành cùng con tuổi dậy thì – mẹ và TEEN trải nghiệm tour “Dzạy thì sao”?

11 tháng trước

Vừa qua, Trung tâm Trẻ em và Phát triển đã phối hợp cùng đội ngũ chuyên gia của Viện Phát triển Sức khoẻ Cộng đồng Ánh sáng tổ chức tour TeenYeeu “Dzạy thì sao?” nhằm giúp quý phụ...