THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 10:32

Hóc dị vật ở trẻ em

24/10/2021 | 06:13
Hóc dị vật đường thở là một tai biến hết sức nguy hiểm ở trẻ em. Vì thế, trong các gia đình, việc phòng tránh không để tai nạn xảy ra là một việc mà các bậc cha mẹ cần hết sức quan tâm.

Những tai nạn bất ngờ

Anh PLS ở thị xã  Đông Hà đang ngồi  sửa ti vi, cậu bé 3 tuổi con anh ngồi cạnh nhặt luôn chiếc ốc vít cho vào ngậm. Thấy thế anh quát  con làm cháu bé giật mình hoảng sợ, đáng lẽ phải nhè ra thì cháu lại nuốt vào và bị tắc thở. Bé Bùi Thị Xuân Mai 17 tháng ở Kim Long (Tam Dương – Vĩnh Phúc) được người lớn cho ăn lạc. Vừa nuốt vào bé ho sặc sụa, mệt mỏi đòi đi ngủ. Trong khi ngủ, mẹ bé phát hiện con ngừng thở, tím tái toàn thân. Gia đình cho bé đi cấp cứu ngay, nhưng hậu quả là bé vẫn bị suy hô hấp nặng buộc phải thở máy. Trường hợp bé trai 3 tuổi ở quận Hà Đông (Hà Nội) vì bị hóc thạch, được đưa vào cấp cứu ở Viện Quân y 103. Mặc dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng cháu vẫn tử vong.

Trẻ bị hóc di vật nếu người nhà không biết cách xử trí, tình trạng có khi càng nặng thêm. Các bác sĩ Khoa Hồi sức và Khoa Tai mũi họng - Bệnh Viện Nhi đồng 1 – TP.HCM đã cứu sống cháu LTH (12 tháng tuổi) bị hóc dị vật nên quấy khóc bứt rứt, khó thở. Mẹ cháu cho biết, cháu đã cầm mẩu bút sáp ngậm vào miệng, cha mẹ cố cạy để lấy ra làm cháu dãy dụa hít dị vật vào đường thở. Dị vật được các bác sĩ lấy ra là mẩu sáp (03 x 03cm), nằm ở sau phần  thuỳ dưới phổi phải.

Cha mẹ cần quan tâm, không để trẻ chơi những đồ chơi nhỏ dễ bị hóc. Ảnh: Thu Lan

Cha mẹ cần quan tâm, không để trẻ chơi những đồ chơi nhỏ dễ bị hóc. Ảnh: Thu Lan

 Nguyên nhân khiến trẻ bị ngạt tắc đường thở

- Do người nhà sơ ý để các vật trẻ dễ nuốt trong tầm với của trẻ. Hoặc người lớn cho trẻ ăn trái cây chưa lấy hết hạt  ra.

- Trẻ hóc, nghẹn thức ăn do nghịch ngợm, đút vào mũi, miệng hạt na, hòn bi, đồng xu, cúc áo… Trẻ có thể ngậm đồng tiền chơi, đùa giỡn, la hét khiến dị vật trôi vào họng.

- Sặc sữa, sặc bột, sặc thức ăn hoặc dị vật… thường xảy ra khi trẻ vừa ăn, vừa khóc, chạy, cười đùa, hoặc do trẻ bị dị tật hở vòm miệng bẩm sinh.

- Do mũi và miệng trẻ bị bịt kín bởi túi nilon hoặc chăn, vải, xảy ra với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nằm sấp úp mặt trên đệm, gối quá mềm. Nguy cơ này còn ở trẻ lớn hơn, khi các cháu đùa nghịch lấy bao nilon, chăn, gối… trùm qua đầu. 

 Những biểu hiện cho thấy trẻ bị hóc, nghẹn, tắc đường thở

- Trẻ tím tái, ho sặc sụa, trào nước mắt nước mũi.

- Trẻ không phát âm được hoặc không khóc thành tiếng.

- Trẻ nhỏ phải lấy tay nắm lấy cổ của mình.

- Nếu bị lâu, môi và lưỡi của trẻ bắt đầu tím tái, mạch máu ở cổ và mặt nổi lên.

- Trẻ có thể bất tỉnh nếu vật gây tắc không lấy được ra.

Những điều cha mẹ cần làm để phòng tránh hóc dị vật cho trẻ

Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Luôn để mắt tới trẻ. Cho trẻ ngủ trên đệm cứng, nằm nghiêng hoặc ngửa. Để xa tầm tay trẻ các đồ vật có nguy cơ gây nghẹt thở như: kim băng, đồng xu, hạt trái cây và các vật nhỏ, mảnh vụn đồ chơi...  Khi cho trẻ ăn bột, ăn cơm chú ý không để trẻ ngả về phía sau, không cho trẻ vừa ăn vừa cười đùa dễ làm thức ăn lọt vào đường thở gây hóc, nghẹn. Tạo cho trẻ thói quen ăn chậm, nhai kĩ.

Người lớn chỉ cho trẻ chơi những đồ chơi có đường kính lớn hơn 5cm, nhỏ hơn thì đều không an toàn cho trẻ dưới 4 tuổi. Không cho trẻ mặc các loại áo, yếm có dây vòng qua cổ.

Cha mẹ cần quan tâm, không bao giờ cho trẻ chơi một đồ chơi dành cho lứa tuổi lớn hơn và các chơi các trò nguy hiểm như chui túi ni lông, trùm chăn qua đầu.

Đối với trẻ lớn trên 6 tuổi: Cần dạy trẻ ngồi ghế khi ăn, nhai thức ăn chậm và cẩn thận, không nói chuyện hoặc cười đùa khi miệng đầy thức ăn. Trong gia đình, cần dạy  anh, chị của trẻ có thói quen cất đồ chơi ngoài tầm với của em sau khi chúng chơi cùng nhau xong. Dạy các cháu cách sơ cứu đơn giản, nếu phải trông em nhỏ hơn.

Những cách sơ cứu khi thấy trẻ bị ngạt do hóc dị vật. Ảnh minh họa

Những cách sơ cứu khi thấy trẻ bị ngạt do hóc dị vật. Ảnh minh họa

Sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật và ngạt thở

Nguyên tắc sơ cứu chung khi trẻ em bị ngạt, tắc đường thở là nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi, miệng trẻ để làm thông đường thở. Tuỳ thuộc vào từng lứa tuổi của trẻ mà kĩ thuật sơ cứu hóc nghẹn tắc đường thở sẽ khác nhau.

Đối với trẻ sơ sinh:

- Để trẻ nằm sấp dọc cánh tay bạn, đầu trẻ thấp hơn ngực. Một tay đỡ đầu và vai của bé. Tay kia vỗ mạnh vào lưng bé, đến khi dị vật bắn ra ngoài. Chú ý không được vỗ quá mạnh làm tổn thương bé.

- Đối với trường hợp trẻ sặc bột, sữa người lớn cần nhanh chóng ngậm miệng vào mũi trẻ hút thật mạnh để làm thông đường thở của trẻ.

- Nếu làm như trên không hiệu quả, bé bị bất tỉnh, thì làm hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt ngay qua miệng - mũi, hoặc miệng - miệng để có gắng thổi dị vật hạn chế thấp nhất việc dị vật làm cản trở đường thở của trẻ.

 Nếu  trẻ nhỏ bị tắc đường thở, lập tức làm như sau:

- Ngồi hoặc quỳ xuống để trẻ nằm sấp trên đùi bạn, đầu trẻ thấp hơn vai (không để đầu chúc xuống quá, vì dị vật khi lọt ra dễ chui vào mũi). Vỗ nhanh 1- 5 cái lên vùng lưng, giữa hai bả vai của trẻ giúp vật lạ bắn ra ngoài.

- Tư thế nằm ngửa: Cho trẻ nằm dọc theo một cẳng tay người cứu (bàn tay này giữ đầu trẻ). Đặt hai ngón của bàn tay còn lại lên vùng ngực, giữa hai núm vú của trẻ. Dùng sức đẩy của cánh tay người cứu ấn nhanh và mạnh 4 cái liên tục. Nếu chưa có hiệu quả, có thể thực hiện tiếp tục 4-5 lần. Mọi thao tác phải thực hiện nhanh, dứt khoát, không quá mạnh.

- Nếu trẻ bất tỉnh, cần làm ngay hô hấp nhân tạo cho trẻ. Để trẻ nằm nơi thoáng đãng, nới bớt quần áo, mũ, khăn. Người cấp cứu quỳ cạnh trẻ, mở rộng miệng, một tay bịt mũi trẻ trong lúc dùng miệng hà hơi vào miệng trẻ (thực hiện 20 - 25 lần/phút) cho tới khi trẻ thở được và da hồng trở lại. 

Thu Lan
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe học đường

Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe học đường

2 năm trước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm...