THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 11:39

Học online hiệu quả: Không nên đặt quá nhiều áp lực cho trẻ

07/11/2021 | 06:32
Với mong muốn chia sẻ thông tin, hỗ trợ cho phụ huynh, giáo viên đồng hành cùng trẻ học trực tuyến hiệu quả, trong khuôn khổ Chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD đã thực hiện buổi Toạ đàm trực tuyến: “Học online: Dễ hay khó”?
Các diễn giả tham dự Tọa đàm.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm.

Phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy nhiều áp lực

Gần 2 năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của hầu hết mọi người đều ít nhiều bị xáo trộn, gây ra nhiều tổn thất và hệ lụy cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong lịch sử, chưa bao giờ lại có những thời kỳ mà trẻ em ở nhiều tỉnh/thành phố lại không được tới trường trong một thời gian dài như vậy. Mỗi buổi sáng thức dậy, thay vì háo hức tới trường để gặp thầy cô và các bạn, say sưa với những giờ học trên lớp và thoải mái chơi đùa với các bạn trong giờ ra chơi, thì các con lại phải ngồi vào bàn học, bật máy tính hay điện thoại thông minh lên, bắt đầu tiết học bằng việc điểm danh qua màn hình. Từ lúc chỉ là một giải pháp tạm thời mùa dịch, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ, lúng túng với các thao tác trong ứng dụng học tập trực tuyến, vất vả chuyển từ các bài học từ hình thức giảng trực tiếp trên lớp sang việc giảng online, dần dần, việc dạy và học trực tuyến đã trở thành hoạt động quen thuộc hàng ngày của giáo viên và học sinh.

Theo một khảo sát gần đây từ Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch Covid-19. Có tới 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. 57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp. Thực tế cũng cho thấy, việc thiếu thiết bị, đường truyền yếu, phần mềm chưa phù hợp… là 3 trong số nhiều nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng học trực tuyến.

Em Nguyễn Phương Thảo (học sinh Trường THCS Thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự, thời gian đầu học online, em gặp một số bất tiện như đường truyền không ổn định, việc giảng dạy, tiếp thu cũng bị hạn chế, không tương tác được nhiều với các bạn, khó tập trung và ảnh hưởng đến sức khỏe như mỏi mắt khi phải làm nhìn máy tính trong một thời gian dài.

Khi đồng hành cùng con trong việc học online, Nhà báo Trần Quang Minh - một người bố có 3 cậu con trai đều đang học online mỗi ngày cũng thấy lo lắng rất nhiều: lo con không nắm được bài, lo rằng cô sẽ không thể hướng dẫn, sát sao với từng bạn nhỏ trong lớp. Đặc biệt, với những bé học lớp 1, điều này lại càng khó khăn. Với cậu con trai học lớp 3, anh Quang Minh nhận thấy con gặp rất nhiều vấn đề trong việc tiếp thu và hiểu bài. Anh rất chia sẻ với cái khó của giáo viên để kiểm soát tận 30-40 học sinh trong 1 lớp, và thấy các con cũng rất “khổ" khi phải ngồi mấy tiếng đồng hồ trước máy tính.

Giáo viên cũng gặp nhiều thách thức khi chuyển tự dạy trực tiếp sang trực tuyến, cô Nguyễn Thị Chỉnh (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết: "Bên cạnh những trải nghiệm mới, chúng tôi cũng gặp những khó khăn, ví dụ như đường truyền mạng, sự tập trung của các con, đặc biệt là các bạn từ lớp 1 đến lớp 3 chưa quen với các thiết bị công nghệ, các cô không tương tác, tiếp xúc được nhiều với các con, hoặc có nhiều sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc kết nối với phụ huynh cũng rất khó khăn trong khi lúc này rất cần thầy cô và phụ huynh phải phối hợp để hỗ trợ các con. Tôi và các đồng nghiệp đã tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để thích ứng với tình hình mới.”

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nhận định, trong quá trình học online, cả phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy áp lực rất nhiều. Bố mẹ lo rằng con không theo được chương trình, giáo viên lo rằng mình phải truyền đạt hết tất cả các kiến thức quan trọng của bài. Học sinh không chỉ căng thẳng về tâm lý mà còn về cả mặt sinh lý. Việc các con ngồi học mấy tiếng đồng hồ trước màn hình có thể gây ra ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với các con. Và lúc này, chính bố mẹ và giáo viên nên có những biện pháp để giải phóng những căng thẳng cho các con. Cách tương tác giữa giáo viên và học có thể giúp để khắc phục vấn đề này. Thực tế, giáo viên không cần đặt áp lực phải nói hết tất cả kiến thức trong lớp học mà có thể hướng dẫn các con tìm kiếm trên Internet.

Đồng hành và truyền năng lượng tích cực cho con

Nhà báo Trần Quang Minh nhấn mạnh vai trò đồng hành của cha mẹ trong việc học online, anh cho biết: “Trách nhiệm của phụ huynh đó là đồng hành cùng con. Trước tiên là việc cung cấp cho các con các thiết bị đầy đủ để các con học được thuận tiện nhất. Thứ hai là thường xuyên hỏi han con có hiểu bài không, nếu chưa hiểu thì mình có thể liên hệ với cô giáo hay có thể hỗ trợ các con trong việc tự học. Tôi cũng không quá đặt áp lực rằng con phải đạt được thành tích hay điểm nổi trội. Việc đồng hành và truyền năng lượng tích cực cho con trong quá trình học là một việc cực kỳ quan trọng mà phụ huynh cần phải chú tâm.”

Ngoài ra, Nhà báo Quang Minh cũng đề xuất nên có các hình thức học thú vị hơn như qua video, bài hát, hình ảnh nhiều màu sắc... Việc này sẽ giúp các con có hứng thú nhiều hơn. Việc đầu tư cho bài giảng, về hình ảnh, âm thanh cần được cải tiến để trước tiên, khi các con thích thì các con có hứng thú và học hiệu quả hơn.”

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng, bố mẹ, giáo viên nên giảm áp lực lên trẻ. Việc rèn nề nếp cho con quan trọng hơn việc bắt ép. Chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng mức độ tập trung và hiểu bài ở mỗi trẻ, mỗi thời điểm sẽ khác nhau. Cha mẹ đừng nên kiểm soát con, việc này sẽ khiến con có xu hướng nói dối bố mẹ. Giáo viên cũng nên giảm áp lực lên học sinh bằng cách tạo cho con nhiều cơ hội học tập ở nhiều khía cạnh, phương pháp khác, nên phụ thuộc vào tâm lý và sức khỏe của con trẻ để trẻ có thể tiếp nhận cách tốt nhất. Đôi khi áp lực từ cha mẹ, giáo viên chuyển sang con cái, học sinh cao hơn từ anh chị em, bạn bè, nên có thể thử áp dụng phương pháp để anh chị em hoặc bạn bè học cùng nhau, hướng dẫn nhau.

Cô Nguyễn Thị Chỉnh chia sẻ, trong bối cảnh học online, giáo viên cần phải chọn công cụ phù hợp với các con để các con tập trung, cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Bên cạnh đó, việc khen ngợi học sinh cũng là cách để các con có thêm động lực trong việc học, cũng như động lực để các con chủ động kết nối với giáo viên.

Vân Nhi
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Việt Nam nằm trong số các nước dẫn đầu khu vực châu Á về đảm bảo sự tham gia của trẻ em gái vào đời sống chính trị và chính sách

Việt Nam nằm trong số các nước dẫn đầu khu vực châu Á về đảm bảo sự tham gia của trẻ em gái vào đời sống chính trị và chính sách

2 năm trước

Báo cáo nghiên cứu các cơ hội của trẻ em gái và phụ nữ tại 19 nước châu Á và 14 nước Thái Bình Dương do Plan International thực hiện cho thấy: Việt Nam dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực Luật...
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em với mô hình Hội đồng trẻ em

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em với mô hình Hội đồng trẻ em

2 năm trước

Đảm bảo quyền tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm trẻ em gái và phụ nữ trẻ, là một ưu tiên hoạt động của Plan International tại Việt Nam. Một trong những hoạt động tiêu...