THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 05:31

Hỏi đáp về sức khỏe sinh sản, tình dục

22/02/2019 | 15:25
 
Hỏi: Em và bạn gái đã lỡ quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn, chúng em chưa muốn có thai. Tụi em quan hệ cách đây một tuần rồi. Liệu bạn gái em uống thuốc tránh thai khẩn cấp có còn kịp không? (Hà Văn Toán, Kim Bôi, Hòa Bình)?
 
Trả lời: Thuốc tránh thai khẩn cấp dùng để “cứu cánh” sau những trường hợp QHTD không an toàn (không sử dụng biện pháp tránh thai nào, sử dụng biện pháp tránh thai tự nhiên, hoặc các sự cố như rách, bục, thủng bao cao su…). Về nguyên tắc, khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, càng gần thời điểm quan hệ tình dục thì hiệu quả càng cao, và ngược lại. Hiện, thuốc tránh thai khẩn cấp có tác dụng lâu nhất tính từ sau khi có QHTD tối đa là 120 giờ (5 ngày, ví dụ như Mifestad 10) hoặc tối đa là 72 giờ (3 ngày) đối với đa số các loại tránh thai khẩn cấp khác, ví dụ như Postinor-2, Ecee 2… Như vậy, tại thời điểm này các bạn đã có QHTD được một (hoặc hơn một tuần) rồi, vì vậy, việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp không còn có tác dụng nữa. 


 BS.CK1. Trần Thị Minh. Ảnh: T.Vân
 
Hỏi: Em đi khám thì biết mình có thai gần 4 tuần. Em có nhờ bác sĩ cho em uống thuốc bỏ thai, nhưng bác sĩ nói là thai phải ít nhất trên 5 tuần và hẹn em tuần sau quay lại khám thì mới dùng thuốc được. Bác sĩ bảo vậy có đúng không? (Thu M. Khu CN Bắc Thăng Long, Hà Nội)
 
Phương pháp tránh thai bằng thuốc chỉ thực hiện đối với thai chưa quá 7 tuần tuổi (theo cách tính của bác sĩ, tuổi thai được tính từ ngày có kinh đầu tiên của chu kỳ kinh cuối chứ không phải tính từ ngày có QHTD). Bạn chú ý điểm này vì nếu bạn trì hoãn đến khám lại quá lâu sẽ không thể dùng biện pháp phá thai bằng thuốc nữa. Tuy nhiên, cần có thời gian để tổ chức thai di chuyển vào buồng tử cung thì mới có thể tiến hành phá thai bằng thuốc (tức là dừng sự phát triển của thai trong buồng tử cung và đẩy tổ chức thai ra khỏi cơ thể hoặc hút thai). Nếu áp dụng biện pháp phá thai quá sớm khi thai chưa di chuyển hẳn vào trong buồng tử cung thì thai sẽ vẫn tiếp tục phát triển và cần phá thai lại. 
 
Như vậy, việc phá thai không nên thực hiện quá sớm hoặc quá muộn. Bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, vì bác sĩ là người khám trực tiếp và đọc kết quả siêu âm của bạn. Bác sĩ là người có thể quyết định bỏ thai vào thời điểm nào thì tốt nhất cho bạn. 
 
Hỏi: Em vừa hút thai và muốn biết những điều cần lưu ý sau khi hút thai? (Đoàn Thanh Thúy, Võ Nhai, Thái Nguyên)
 
Trả lời: Sau khi phá thai, bạn cần lưu ý: Phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc dùng thuốc để tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản, tránh dính tắc tử cung…; Phải tái khám sau khi phá thai 2 tuần theo lịch hẹn của bác sĩ, dù bạn không có dấu hiệu bất thường nào. Nếu có các dấu hiệu bất thường như sốt, ra máu ồ ạt, sản dịch nhiều, hôi…, bạn cần đi tái khám ngay mà không cần phải đợi đến thời điểm bác sĩ hẹn tái khám. 
 
Sau khi hút thai, bạn cũng cần kiêng QHTD ít nhất là sau khi bạn thấy hiện tượng ra máu/dịch ngừng hoàn toàn được 2 ngày để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn khi cổ tử cung còn đang mở. 
 
Bạn cũng lưu ý là khả năng có thai sẽ quay trở lại ngay, nên bạn cần biện pháp tránh thai hiệu quả như bao cao su, thuốc uống tránh thai hàng ngày ngay khi có QHTD trở lại. 
 
Hỏi: Em muốn hỏi về cách phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh truyền qua đường tình dục? (Lô Thị Thập, Nghệ An)
 
Trước hết, bạn cần lắng nghe cơ thể của mình, để ý dấu hiện không bình thường tại vùng kín; Vệ sinh sinh dục đúng cách, đặc biệt trong ngày kinh nguyệt; Đi khám sớm khi có dấu hiệu không bình thường; Chú ý không tự ý đặt thuốc âm đạo. 
 
Đi khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng một lần, làm xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. 
 
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng sạch sẽ. 
 
Sử dụng bao cao su đúng cách khi QHTD với người không rõ lai lịch và tình trạng sức khỏe. Kiêng QHTD hoặc sử dụng BCS khi QHTD nếu một trong hai người đang điều trị nhiễm khuẩn đường sinh sản hoặc bệnh lây truyền qua đường tính dục. 
 
Nên nhớ, càng có ít bạn tình càng tốt. 


Ảnh minh họa. 

Hỏi: Chúng tôi dự định có con trong giai đoạn này. Tôi muốn hỏi thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt dễ mang thai nhất? (Hùng Mạnh - Hà Đông, Hà Nội)
 
Thời điểm bạn gái dễ có khả năng mang thai cao nhất trong chu kỳ kinh nguyệt chính là khoảng thời gian xung quanh thời điểm trứng rụng. Ở bạn gái, trứng thường rụng trước khi có kinh 14 ngày. Khi tính ngày rụng trứng, có thể tính theo công thức: Chu kì kinh – 14. Do đó nếu bạn có chu kỳ kinh là 30 ngày, thì dự kiến có trứng rụng của bạn được tính như sau: 30-14=16. Ngày rụng trứng có thể rơi vào ngày thứ 16 trong chu kỳ kinh nguyệt (một chu kỳ kinh được tính từ ngày đầu tiên có kinh của đợt hành kinh này đến ngày đầu tiên có kinh của đợt hành kinh tiếp theo). 
 
Theo đó, xung quanh thời điểm rụng trứng (trước và sau ngày dự kiến có trứng rụng 3-5 ngày), các bạn có thể QHTD cách ngày (QHTD một ngày, nghỉ một ngày). Điều này vừa giúp bạn nam có thể giữ được số lượng và chất lượng tinh trùng tốt, vừa giúp tăng cơ hội tinh trùng gặp trứng và thụ thai. 
 

 

Vân Nhi (thực hiện)/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.