THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 09:51

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Đa dạng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật

02/10/2020 | 14:17

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại chương trình phát động Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công”.


Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam có chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước; Đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động xã hội thực hiện bình đẳng. Với mong muốn nâng cao nhận thức, kỹ năng, vị thế của PNKT; Hỗ trợ sinh kế, việc làm, giúp đỡ, tạo cơ hội cho PNKT bình đẳng, hòa nhập phát triển, khuyến khích sự tham gia của PNKT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp PNKT.

Thực hiện cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” cho PNKT, yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn được toàn xã hội tham gia hưởng ứng tích cực, khơi dậy truyền thống “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng, thu được kết quả cao, giúp cho nhiều PNKT nghèo, yếu thế có nhà ở ổn định. Từ năm 2008 -2016, cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” của các cấp Hội phụ nữ trong cả nước đã quyên góp được 1.000 tỷ đồng, hỗ trợ xây 35.695 mái ấm tình thương, sửa chữa 23.000 nhà ở cho phụ nữ khuyết tật, yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Từ năm 2017-2019 đã huy động được trên 374 tỷ đồng xây dựng 9.426 nhà và sửa chữa 2.986 nhà.

Cùng với đó, Hội đã thành lập các nhóm PNKT tự lực. Từ năm 2013-2020, Trung ương Hội đã chỉ đạo thành lập 33 mô hình nhóm PNKT tự lực với mục đích tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật. Trung ương Hội đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam thí điểm xây dựng 03 mô hình hỗ trợ sinh kế cho 80 PNKT tại các địa phương: Xã Yên Thành (tỉnh Nghệ An); xã Chà Nưa (tỉnh Điện Biên) và xã Thiệu Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), với tổng kinh phí 450 triệu đồng. Trong đó tập trung các hoạt động như: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức cho thành viên ban chủ nhiệm và PNKT; trao tặng bò giống và lợn nái sinh sản, gà, dê cho các chị có hoàn cảnh khó khăn.

Phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) xây dựng 04 mô hình PNKT tự lực tại địa bàn 4 huyện/thị xã tỉnh Bình Phước, với mục tiêu xây dựng mạng lưới hỗ trợ, bảo vệ và ngăn chặn bạo lực; đề xuất giải pháp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với PNKT ở Việt Nam. Qua đó đã tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 20 thành viên ban chủ nhiệm, 05 lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho 120 thành viên PNKT; xây dựng 10 công trình tiếp cận cho NKT, PNKT.

Để cùng cộng đồng cùng chung tay để thúc đẩy công bằng và quyền lợi cho người khuyết tật, giúp nhiều hơn nữa cho PNKT được thụ hưởng các quyền lợi thiết thực, tự lực vươn lên, hòa nhập và bình đẳng, Hội LHPN Việt Nam đã chính thức phát động Cuộc thi “Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công 2020”.
 



Cơ sở sản xuất chổi chít của chị Vũ Thị Quê, phụ nữ khuyết tật thôn Nhuận Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương


Nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật thông qua việc nâng cao nhận thức và trao quyền để phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật độc lập hơn, bảo vệ họ, thiết lập mạng lưới hỗ trợ để bảo vệ và ngăn chặn bạo lực tình dục…, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện dự án bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật. Trong 2 năm 2019-2020, đã tổ chức 06 hội thảo/tọa đàm/đề xuất chính sách về lồng ghép giới vào Luật NKT; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2020-2030. Đến nay, đang hoàn thiện khung đề xuất chính sách gửi các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, sửa đổi chính sách bảo vệ quyền cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực trên cơ sở giới và xâm hại tình dục. Xây dựng, ra mắt mạng lưới quốc gia hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật nhằm bảo vệ, đề cao tiếng nói của đối tượng. Đã có 53-63 tỉnh, thành lựa chọn, giới thiệu 53 PNKT tiêu biểu tham gia mạng lưới.

Theo đánh giá, bằng sự đổi mới, năng động, sáng tạo Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của PNKT nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó với các vấn đề xã hội tác động đến đời sống của phụ nữ…, giúp chị em cải thiện đời sống về vật chất, tinh thần, giảm bớt mặc cảm, tự lực vươn lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức của một số lãnh đạo, chính quyền và cộng đồng về NKT còn hạn chế; Cộng đồng có sự phân biệt, đối xử, kỳ thị với NKT, PNKT, trong nhiều trường hợp chưa nhận được sự hỗ trợ, cảm thông chia sẻ của cộng đồng; PNKT vẫn còn mặc cảm, thiếu tự tin, chưa dám hòa nhập cộng đồng do thiếu kiến thức, hạn chế năng lực; Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động truyền thông năng cao năng lực và sinh kế cho PNKT còn ít, trong khi nhu cầu của PNKT cao.

Trong thời gian tới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành Hội thực hiện các hoạt động hỗ trợ PNKT, lồng ghép vào các hoạt động của Hội. Tăng cường truyền thông nâng cao kiến thức, nhận thức cho PNKT và cộng đồng về quyền của NKT, các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NKT; các gương điển hình về nghị lực hòa nhập, tham gia học nghề, tự lực vươn lên làm giàu của PNKT. Tăng cường tính chủ động khai thác nguồn lực của địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đẩy mạnh dạy nghề, tư vấn hỗ trợ tạo việc làm cho PNKT. Khai thác nguồn lực, phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế xây dựng các mô hình tự lực nhằm nâng cao năng lực, sinh kế, cải thiện các công trình giao thông tiếp cận cho PNKT. Tôn vinh, biểu dương kịp thời các điển hình PNKT tự lực vươn lên. Hỗ trợ vốn, kết nối tiêu thụ sản phẩm do PNKT làm ra…

Lan Anh/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.