THỨ BA, NGÀY 23 THÁNG 04 NĂM 2024 07:48

Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ LĐ-TBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

18/09/2019 | 12:05

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết, với vai trò là đối tác ba bên trong lĩnh vực lao động tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ LĐ-TBXH và Tổng LĐLĐVN đã luôn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả, tập trung vào một số nội dung chính: (1) Công tác xây dựng pháp luật, (2) Thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp; (3) Thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; Chương trình Quốc gia về việc làm; (4) Đàm phán, ký kết, gia nhập và báo cáo việc thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế; (5) Xây dựng và thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…

TANT1803-copy.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Trong công tác xây dựng pháp luật, Tổng LĐLĐVN đã luôn tích cực, chủ động tham gia và phối hợp với Bộ LĐ-TBXH trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các đạo luật quan trọng, có liên quan trực tiếp đến người lao động và tổ chức công đoàn, như: Bộ luật Lao động (2012), Luật Công đoàn (2012), Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Luật Việc làm (2013), Luật An toàn, vệ sinh lao động (2015),... và các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật, các chính sách về tiền lương, về đổi mới doanh nghiệp nhà nước; các Đề án, dự án do Bộ chủ trì (như đề án cải cách chính sách BHXH)…

Bộ LĐ-TBXH đã và đang phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐLĐVN trong việc xây dựng, hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Riêng năm 2018, Tổng LĐLĐVN đã tham gia 93 văn bản pháp luật do Bộ LĐTBXH chủ trì soạn thảo. Trong đó có nhiều văn bản quan trọng liên quan đến quyền lợi của người lao động, đoàn viên công đoàn như Nghị định số 121/2018 ngày 13/9/2018 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2013/NĐ-CP về tiền lương; Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP về một số nội dung của Bộ luật Lao động; Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 về điều chỉnh lương hưu của lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021; Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 về lương tối thiểu vùng 2019… Nhiều ý kiến tham gia của Tổng LĐLĐVN đã được Bộ tiếp thu, chia sẻ, ghi nhận và thể hiện vào văn bản luật, bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động.
Với vai trò quan trọng trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, Bộ LĐTBXH và Tổng LĐLĐVN đã luôn chủ động, tích cực, trách nhiệm cao trong việc nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh để tiền lương tối thiểu vùng giai đoạn 2014-2020 tăng trên 60% đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Riêng năm 2020, với đề xuất tăng 5,5%, tiền lương tối thiểu đã đáp ứng mức tối thiểu của người lao động.
Trong công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp, từ năm 2015 đến năm 2018, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với Tổng LĐLĐVN triển khai thực hiện các hoạt động trong Chiến dịch thanh tra lao động hàng năm đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp được thanh tra.Bộ LĐ-TBXH và các cơ quan có liên quan đã tham gia Đoàn giám sát liên ngành do Tổng LĐLĐVN chủ trì trong việc thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp tại 21 tỉnh, thành phố theo Chương trình phối hợp số 937/CTPH-TLĐ-MTTW-BLĐTBXH-BHXH-TTCP ngày 07/7/2014 giữa Tổng LĐLĐVN- Ủy ban TW Mặt trận TQ VN- Bộ LĐTBXH- Bảo hiểm XHVN- Thanh tra CP. Kết thúc các đợt giám sát, Đoàn giám sát đã đưa ra trên 100 kiến nghị (mỗi năm) đối với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của các địa phương để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động: Bộ LĐ-TBXH và Tổng LĐLĐVN là thành viên chủ chốt của Hội đồng quốc gia về An toàn,vệ sinh lao động, trong thời gian qua đã và đang phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả các hoạt động về ATVSLĐ trên toàn quốc như: Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (năm 2017, năm 2018 và năm 2019), Đối thoại An toàn, vệ sinh lao động năm 2018 và năm 2019…Thông qua các hoạt động này, nội dung, các quy định về ATVSLĐ đã được tuyên truyền ngày càng sâu rộng; tăng cường xây dựng văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc; cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho người lao động.
Trong đàm phán, ký kết, gia nhập và báo cáo việc thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế, những năm qua, Bộ LĐ-TBXH và Tổng LĐLĐVN đã phối hợp hiệu quả trong việc nghiên cứu, trình phê chuẩn các công ước quốc tế gồm: Công ước số 186 về lao động hàng hải (năm 2013); Công ước số 187 về cơ chế tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động (năm 2014); Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật - CRPD (năm 2014).Đặc biệt, năm 2019, Tổng LĐLĐVN đã tích cực phối hợp với Bộ LĐTBXH hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn 3 Công ước: (1) Công ước số 98 của ILO về Áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; (2) Công ước số 159 của ILO về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người có khuyết tật; (3) Công ước số 88 của ILO về Tổ chức dịch vụ việc làm.
Xây dựng và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ: Hai cơ quan với vai trò là thành viên của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ lao động đã phối hợp, theo dõi, nắm bắt thông tin và chỉ đạo xử lý kịp thời các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, không để kéo dài, lan rộng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương có giải pháp kịp thời giải quyết tình trạng công nhân tự ý ngừng sản xuất tham gia diễu hành ở một số tỉnh phía Nam để sớm ổn định tình hình lao động tại các địa phương; đặc biệt là đợt cao điểm vào tháng 6/2018 khi Quốc hội họp để cho ý kiến đối với dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự thảo Luật An ninh mạng... Các cuộc đối thoại cấp trên doanh nghiệp, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động hàng năm do Tổng LĐLĐVN tổ chức đều có sự tham gia tích cực của Bộ LĐ-TBXH.
Qua 5 lần phối hợp tổ chức thành công giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động” giữa Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN, Phòng TMCN VN đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về chăm lo nguồn lực quý giá, năng động nhất của lực lượng sản xuất là con người mà trực tiếp là người lao động, qua đó động viên các doanh nghiệp chăm lo thiết thực hơn nữa cho người lao động, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế.
Bộ LĐ-TBXH đã kết hợp với Tổng LĐLĐVN triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, tăng cường tính tuân thủ pháp luật lao động, góp phần giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Bộ LĐ-TBXH và Tổng LĐLĐVN thống nhất ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2019-2023 nhằm đảm bảo sự chia sẻ, phản biện, thống nhất trong việc đề xuất, ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động và công đoàn, bao gồm 9 nội dung phối hợp: công tác xây dựng pháp luật; Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và đào tạo; Công tác quan hệ lao động và tiền lương; Công tác bảo hiểm xã hội; Công tác an toàn, vệ sinh lao động; Công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền của trẻ em; Công tác việc làm và đào tạo nghề nghiệp; Công tác thanh tra, kiểm tra; và Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng giai cấp công nhân và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2019-2023 giữa Tổng LĐLĐVN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bao gồm 05 nội dung chính: Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban chấp hành TW Đảng Khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Phối hợp tuyên truyền, thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; Tổ chức các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả tham gia các cơ chế hai bên, ba bên; Thiết lập kênh thông tin, tham vấn, đối thoại thường xuyên.
TANT1789-copy.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị 
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao sự chủ động, tích cực của ba cơ quan trong việc xây dựng và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp. Điều này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn đang được xem xét sửa đổi, quan hệ lao động tiếp tục có nhiều chuyển biến, phát triển và hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, vì lợi ích người lao động và doanh nghiệp.
TANT1894-copy.jpg
Bộ LĐ-TBXH và Tổng LĐLĐVN ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2019-2023 
TANT1913-copy.jpg
Tổng LĐLĐVN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng giai cấp công nhân và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2019-2023 
“Các chương trình phối hợp công tác được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, các giải pháp đưa ra cụ thể, thiết thực, khả thi, phù hợp với tình hình mỗi cơ quan và bối cảnh quan hệ lao động Việt Nam hiện nay cũng như đón trước sự chuyển biến của quan hệ lao động trong thời gian tới. Các giải pháp trong hai chương trình công tác được các bên triển khai đồng bộ, quyết liệt trên thực tế sẽ giúp quan hệ lao động ngày càng hài hoà, ổn định, tiến bộ, góp phần to lớn thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, ổn định chính trị, xã hội, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo điều kiện chăm lo nhiều hơn, tốt hơn cho người lao động”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhận định.
Để những cam kết trong các chương trình thực sự đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị lãnh đạo ba cơ quan quan tâm một số nội dung:
Một là, tuyên truyền, phổ biến nội dung chương trình trong toàn hệ thống cơ quan nhằm thống nhất nhận thức và cùng chung hành động phối hợp chương trình ở tất cả các cấp
Hai là, cụ thể hoá các nội dung trong Chương trình thành các hoạt động cụ thể của từng cơ quan; phân công, giao nhiệm vụ chi tiết cho từng đơn vị, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện; Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và có đánh giá kết quả hàng năm để kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai.
Ba là, việc phối hợp phải trên tinh thần hợp tác, cùng chung trách nhiệm, hướng tới lợi ích chung của đất nước, của người lao động và doanh nghiệp, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc bảo vệ lợi ích ngành, không quan tâm lợi ích chung và nguyện vọng số đông.
Bốn là, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, chính sách liên quan đến việc làm và quản lý lao động nói riêng; trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình quan hệ lao động và việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tình hình tranh chấp lao động, đình công; cung cấp về các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong tất cả các lĩnh vực; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng tham gia tố tụng lao động, dân sự và giải quyết tranh chấp lao động, đình công cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác pháp luật.
TANT1829-copy.jpg
Tổng LĐLĐVN trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho các đồng chí thuộc Bộ LĐ-TBXH
TANT1861-copy.jpg
Bộ LĐ-TBXH trao tặng Kỷ niệm chương ‘Vì sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội” cho các đồng chí thuộc Tổng LĐLĐVN
Nhân dịp này, Bộ LĐ-TBXH đã trao tặng Kỷ niệm chương ‘Vì sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội” cho 10 đồng chí thuộc Tổng LĐLĐVN; Tổng LĐLĐVN đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho 12 đồng chí thuộc Bộ LĐ-TBXH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp” cho 07 đồng chí thuộc Tổng LĐLĐVN.

Theo molisa.gov.vn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.