THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 09:40

Hội thảo Trị liệu đối với một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua hoạt động vẽ tranh

19/12/2020 | 17:42

Sự phối hợp hài hòa giữa các cơ quan

Sự phối hợp giữa Cục Bảo trợ xã hội, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An và một số trường đại học diễn ra hài hòa, chặt chẽ; mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan. TECHCĐB là một trong những đối tượng quan tâm của Cục Bảo trợ xã hội để đảm bảo an sinh xã hội. Còn đối với Tạp chí Gia đình và Trẻ em, TECHCĐB luôn là những nhân vật trung tâm được Tạp chí quan tâm phản ánh và tìm ra giải pháp giúp đỡ để các em hòa nhập với xã hội, phát triển bình thường. Với Trung tâm Thụy An, TECHCĐB là “khách hàng” chính, là lý do để Trung tâm hình thành và hoạt động. Các trường đại học hiện nay đang đào tạo rộng rãi chuyên ngành Nghề công tác xã hội nên họ rất quan tâm tới TECHCĐB.



Nhà báo Nguyễn Thúy Hằng – Phó Tổng biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em đọc báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.


Hội thảo khoa học lần này có chủ đề “Trị liệu đối với một số nhóm TECHCĐB thông qua hoạt động vẽ tranh”. Tham gia hội thảo khoa học này có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, toàn thể lãnh đạo và cán bộ, phóng viên Tạp chí Gia đình và Trẻ em; đặc biệt có sự tham gia của những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, giúp đỡ TECHCĐB. Ở đây có cả các nhà lý luận và những nhà thực hành.

Tại hội thảo này, có 4 tham luận chính, đó là:

1. Khái quát thực trạng, mô hình chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của TS. Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; 2. Trị liệu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua trị liệu bằng tranh vẽ, lí luận và kinh nghiệm hoạt động thực tế của Ths. Nguyễn Thị Phương Thanh – Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương; 3. Trị liệu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua hoạt động vẽ tranh tại Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An của Ths. Hồ Hải Hậu – Trung tâm Thụy An; 4.Các giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các phương pháp trị liệu” của TS. Hồ Bất Khuất – Tạp chí Gia đình và Trẻ em.

Bốn chủ đề như vậy đã đưa ra cái nhìn tổng thể về TECHCĐB ở nước ta và những nỗ lực của chúng ta trong việc theo dõi, quản lý, trợ giúp để các em hòa nhập với cộng đồng. Trong một khoảng thời gian khá eo hẹp, các nhà lý luận không đọc bản tham luận viết sẵn đã được in ra, mà chỉ trình bày ngắn gọn, khúc chiết các nội dung cơ bản, sau đó trả lời các câu hỏi. Cách làm này khá mới mẻ, nó giúp hội thảo có không khí sôi nổi và gắn kết những ý tưởng khoa học lại với nhau, nhằm lý giải việc thông qua hội họa, trẻ biểu đạt ý nghĩ, tư duy một cách hiệu quả và lý thú nhất.



Các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, nhà báo tham gia trình bày tham luận tại Hội thảo. Từ trái qua: Ths. Hồ Hải Hậu – Trung tâm Phục hồi chức năng  người khuyết tật Thụy An; TS. Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; Ths. Nguyễn Thị Phương Thanh – Bộ môn Công tác xã hội, Khoa Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương; TS. Hồ Bất Khuất - Tạp chí Gia đình và Trẻ em.


Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, hào hứng và đạt được kết quả tốt

Trước cử tọa với các thành phần quan trọng như đại diện Cục Trẻ em, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Làng SOS Việt Nam, một số cơ sở chăm sóc và trị liệu trẻ tự kỷ, các phóng viên báo chí và những người quan tâm đến trị liệu bằng vẽ tranh, các nhà khoa học khẳng định: Vẽ tranh giúp trẻ nâng cao khả năng quan sát, trí tưởng tượng và sáng tạo, biểu đạt cảm xúc, tình cảm và năng khiếu thẩm mỹ. Thông qua những nét vẽ, trẻ thể hiện những thông điệp và cảm xúc chân thật của mình, niềm vui, hạnh phúc, ước mơ, và đôi khi cả nỗi sợ hãi… qua tranh vẽ.

Các nhà khoa học lý giải cụ thể: Các bức vẽ của trẻ cũng chính là cách thức giao tiếp với mọi người để trẻ nói về thế giới xung quanh và những mối quan hệ mà trẻ cảm nhận được, đồng thời, qua những bức vẽ đó, chúng ta hiểu được phần nào về tính  cách cũng như sở thích và nhu cầu của trẻ. Thông qua hoạt động vẽ tranh tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn, khéo léo, bền bỉ, kiên trì và hoạt bát hơn, giúp trẻ tươi vui, hòa đồng và cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ giúp phát triển trí tuệ và cảm xúc.


Ths. Hồ Hải Hậu báo cáo về mô hình trị liệu đối với nhóm trẻ có HCĐB thông qua hoạt động vẽ tranh ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Ba Vì, Hà Nội.

Trung tâm Thụy An đã chứng minh tính hiệu quả của việc trị liệu cho trẻ khuyết tật thông qua hoạt động vẽ tranh. Trên có sở đó, đại diện của Trung tâm Thụy An đã đưa ra những khuyến nghị: Mở các lớp tập huấn chuyên sâu về sử dụng phương pháp vẽ tranh trong trị liệu cho trẻ khuyết tật; Tăng cường việc sử dụng liệu pháp vẽ tranh trong trị liệu, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật; Tăng cường các cuộc thi vẽ tranh, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em; Phổ biến các giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các phương pháp trị liệu.



Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu ý kiến tại hội thảo.

 

Ông Vũ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông phát biểu tại hội thảo.

Bà Lê Minh Giang - Giám đốc Làng SOS Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

 


Đại diện Trung tâm chăm sóc, dạy trẻ tự kỷ Phúc Tuệ (Hà Nội) chia sẻ về vai trò của trị tiệu đối với trẻ tự kỷ thông qua hoạt động vẽ tranh.


Truyền thông tham gia vào tất cả các hoạt động xã hội, vì vậy, báo chí – truyền thông đóng vai trò quan trọng trong phổ biến kiến thức về trị liệu thông qua vẽ tranh và các phương pháp trị liệu khác. Chuyên gia truyền thông khẳng định: Bản thân cuộc hội thảo hôm nay cũng chính là một dạng truyền thông và cũng là một sự kiện báo chí. Những gì các chuyên gia, các đại biểu bàn luận hôm nay ở đây sẽ được các nhà báo thông tin rộng rãi đến công chúng.

Hơn thế nữa, tại hội thảo này, các giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về các phương pháp trị liệu đối với TECHCĐB cũng đã được nêu ra rất rõ ràng, cụ thể. Điều này giúp ích cho các nhà báo viết chắc tay hơn, hiệu quả hơn về TECHCĐB nói riêng và trẻ em nói chung.

Hội thảo khoa học đã khép lại sau khi Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tổng kết với những kết luận có cơ sở khoa học. Đây sẽ là những gợi ý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét và đưa ra những chính sách mới.

Bài Hải My. Ảnh: Thùy Hương/GĐ&TE

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...