Hợp tác - Kỹ năng quan trọng để trẻ thành công trong cuộc sống


Ảnh minh họa.
Hợp tác có những ích lợi gì?
Hợp tác và phát triển là một cụm từ người lớn khá quen thuộc, tuy nhiên trẻ em thì chưa quen với điều này, nhất là các bé độ tuổi mầm non. Mặc dù vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể giải thích cho trẻ hiểu những ích lợi tuyệt vời khi trẻ biết hợp tác cùng người khác.
Khi hợp tác cùng người khác, trẻ sẽ học được cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác. Biết lắng nghe và tôn trọng người khác, trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập với mọi người và được bạn bè quý mến. Mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh với các bạn cùng lớp sẽ giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn, có cái nhìn và suy nghĩ tích cực về cuộc sống.
Mặt khác, hợp tác trong khi chơi hay làm việc, trẻ biết thỏa thuận với nhau để phân vai và hành động, biết chia sẻ và nhường nhịn... Trẻ cũng sẽ học được cách trợ giúp các thành viên trong đội của mình và có trách nhiệm với công việc được giao. Mỗi một cá nhân hoàn thành tốt phần việc của mình sẽ góp phần làm nên sự thành công cho cả đội.
Khi hợp tác cùng bạn bè hay người khác, trẻ sẽ biết hạ bớt cái tôi cá nhân và tính ích kỷ, biết hỗ trợ và giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, hợp tác cũng cho phép trẻ được bày tỏ và đóng góp ý kiến của mình, điều này giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.
Quan sát trẻ chơi cùng các bạn, cha mẹ sẽ nhận thấy được các tính cách nổi bật của trẻ (có tính cách tốt và có tính cách chưa tốt), từ đó có hướng xử trí kịp thời.

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dạy trẻ biết chia sẻ khi chơi cùng các bạn, bởi chia sẻ là yếu tố quan trọng để việc hợp tác thực sự hiệu quả.
Luyện cho con kỹ năng hợp tác
Biết lắng nghe người khác
Ðể trẻ có kỹ năng hợp tác, trước hết cha mẹ phải dạy trẻ biết cách lắng nghe. Ví dụ, muốn con hợp tác cùng chuẩn bị bữa tối, bạn cần đưa ra các chỉ dẫn. Và để thực hiện được các chỉ dẫn ấy, trẻ cần học cách lắng nghe. Tuy nhiên, cha mẹ không nên bắt trẻ lắng nghe một cách thụ động, hãy khuyến khích trẻ đóng góp ý kiến và bày tỏ các cảm xúc của mình. Ví dụ, nếu trẻ không thích nhặt rau sống thì có thể đề xuất sắp bát đĩa giúp mẹ hay trang trí món salad cho thật bắt mắt…
Biết chia sẻ với mọi người
Chia sẻ là yếu tố quan trọng để việc hợp tác thực sự hiệu quả. Trẻ không thể chơi với các bạn một cách vui vẻ nếu như không biết chia sẻ. Có thể con rất thích món đồ chơi này và muốn mình là người được chơi đầu tiên và duy nhất, nhưng khi con ích kỷ giữ riêng cho mình, các bạn khác sẽ không vui và không còn muốn chơi cùng con nữa. Do đó, thay vì ôm khư khư món đồ chơi mình yêu thích, con có thể chơi cùng các bạn, hoặc phân nhau chơi lần lượt. Trong lúc bạn chơi món đồ chơi mà mình yêu thích thì con có thể lựa một món đồ chơi khác, và biết đâu con phát hiện ra món đồ chơi mới có khi còn hấp dẫn hơn món đồ chơi con vẫn hằng chơi.
Nếu trẻ không tiếp thu điều bạn dạy, hãy kiên nhẫn, trẻ càng nhỏ tính ích kỷ và sở hữu càng cao, có thể bạn sẽ phải mất một thời gian khá dài để thuyết phục. Hãy nói với con rằng, chia sẻ với người khác, bao gồm cả việc chia sẻ đồ chơi là một hành động đẹp và việc chia sẻ này chỉ là tạm thời chứ không phải con bị mất đi món đồ chơi yêu thích. Từ đó, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm và sẵn sàng chia sẻ một cách tự nguyện.
Tham gia các trò chơi đồng đội
Cách tốt nhất để rèn kỹ năng hợp tác đó chính là khuyến khích trẻ tích cực tham gia các trò chơi đồng đội. Ví dụ, đá bóng là một trò chơi đòi hỏi tính đồng đội rất cao. Một cầu thủ giỏi không thể làm nên thành công cho một trận đấu nếu không có sự hỗ trợ và phối hợp của cả đội. Khi trẻ biết hợp tác cùng các bạn trong một trò chơi và giành chiến thắng, trẻ sẽ tự hiểu được ý nghĩa của việc biết hợp tác và đoàn kết.
Hợp tác là một trong những kỹ năng xã hội quan trọng mà mọi trẻ em cần được giáo dục càng sớm càng tốt.
Làm việc theo nhóm
Không chỉ trong vui chơi, hợp tác có vai trò vô cùng quan trọng trong học tập cũng như làm việc. Bạn có thể cho trẻ học nhóm để trẻ giúp đỡ nhau trong học tập và phát huy trí tuệ tập thể. Ví dụ, con học yếu môn Toán thì có thể nhờ bạn giảng lại bài trên lớp và chia sẻ bí kíp giúp giải Toán nhanh. Ngược lại, con lại khá môn tiếng Anh nên có thể chia sẻ với bạn cách nhớ từ mới nhanh và bí quyết cải thiện kỹ năng nghe - nói tiếng Anh của mình… Qua những lần học nhóm, làm việc nhóm đó, trẻ sẽ tự rút ra được các bài học cho mình để lần sau việc hợp tác hiệu quả hơn.
Làm cha mẹ vì sự phát triển toàn diện trẻ thơ
3 tuần trước
Đại học Quốc gia Hà Nội tăng hơn 10% chỉ tiêu, thêm 4 ngành học mới
8 tháng trước
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 mở màn ngày 3/6
8 tháng trước
Danh sách 10 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động ở Hà Nội
8 tháng trước