Huế sẽ có “Festival bốn mùa” quanh năm 2022

Đề án “Festival bốn mùa” với việc tổ chức các chuỗi hoạt động lễ hội trải dài trong năm nhằm tôn vinh quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Festival Huế đã trở thành một lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc, chất lượng, giàu tính nhân văn
Nhiệm vụ của đề án tập trung xây dựng và tổ chức những hoạt động lễ hội phù hợp cho từng mùa, có chất lượng, quy mô tương xứng với tiềm năng, đặc trưng văn hóa và bản sắc của vùng đất Cố đô. Qua đó, hình thành sản phẩm du lịch định kỳ cho từng mùa để người dân và du khách dễ dàng tiếp cận, tham gia trải nghiệm. Đồng thời, phát huy thương hiệu “Festival Huế” đã có sẵn, tích cực đa dạng hóa các loại hình tổ chức, tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch…
Tổ chức “Festival bốn mùa” bao gồm đầy đủ các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại hay thể thao; được dàn trải theo khung thời gian, phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho du khách và công chúng tham gia.

Từ năm 2022, đề án “Festival bốn mùa” sẽ được triển khai, khởi động với các sự kiện từ đầu năm 2022, cùng các chương trình lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật và du lịch hấp dẫn qua 4 mùa.
Lễ hội Mùa Xuân với chủ đề “Sắc xuân giao hòa” diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian đặc thù, mở đầu là chương trình Lễ Ban sóc diễn ra tại khu di sản Hoàng Cung Huế. Tiếp đó là các Lễ Thướng Tiêu, Lễ hội đền Huyền Trân, Lễ tế Xã Tắc, Festival thơ Huế và các hoạt động trong khuôn khổ ngày thơ Việt Nam. Điểm nhấn của mùa xuân chính là Lễ hội “Huế- Kinh đô Ẩm thực” kết hợp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế.
Lễ hội Mùa Hạ, với điểm nhấn là tháng cao điểm của Festival Huế “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế “Tinh hoa nghề Việt” (năm lẻ). Nhiều chương trình, sự kiện nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế sẽ được tổ chức trong dịp này, như: chương trình “Đêm hội khai màn”, Lễ hội Áo dài, Lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa”, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, Lễ Tế Giao, Lễ hội Điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén), chương trình Đại lễ Vesak, Festival Diều Huế, Ngày hội Sen Huế, chương trình nghệ thuật “Ai đã đặt tên cho dòng sông”…
Lễ hội Mùa Thu với chủ đề “Thu quyến rũ” (diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9), với các chương trình biểu diễn âm nhạc “Dấu chân kỷ niệm”, Ngày hội HipHop, Lễ hội Hương xưa làng cổ, Festival Khoa học, Lễ hội Truyền Lô, hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương, Lễ hội đèn lồng, Ngày hội Lân Huế…
Lễ hội Mùa Đông, với liên hoan Giọng ca vàng Bolero Huế, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Ca Huế, Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khỏe kiểu Huế, Festival Âm nhạc “Giai điệu Mùa Đông”, và kết thúc là chương trình countdown chào đón năm mới.
Trong khuôn khổ “Festival bốn mùa”, sẽ có nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm hấp dẫn; các hội thảo khoa học; các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế… Cùng nhiều hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian tại các địa phương trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Cuộc chiến bất tử” - Chuyến phiêu lưu đi ngược lại những chuyện cổ tích thông thường
18 giờ trước
Cùng người thân yêu chào đón mùa lễ hội với những tính năng mới trên Messenger
1 năm trước
Lễ hội tuyết Sa Pa sẽ diễn ra vào tháng 12/2021
1 năm trước
Giúp trẻ tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng các nước phương Tây thông qua lễ hội Halloween
1 năm trước