THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 05:32

Hưng Yên: Quan tâm chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật

30/09/2020 | 14:16

NKT nói chung được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm, trong đó, NKT nặng, đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ BHYT... Với sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, cộng đồng và bằng nghị lực của bản thân, nhiều NKT không chỉ nuôi sống bản thân mà còn đóng góp cho sự phát triển xã hội.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 21.100 NKT, trong đó NKT nặng, NKT đặc biệt nặng hưởng trợ cấp hàng tháng là 17.438 người, với số tiền gần 99,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các địa phương, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã tích cực huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cải thiện đời sống của nhóm người yếu thế này. Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai đa dạng, phong phú như: Hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, tặng xe lăn, tặng xe đạp, cấp học bổng, dạy nghề, trợ giúp tìm việc làm, hỗ trợ công cụ, tư liệu sản xuất… Được hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề phù hợp, không ít NKT có việc làm ổn định, tự lo cho cuộc sống bản thân, gia đình và đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội…
 



Các đại biểu tặng quà học sinh Trường phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu


Chị Trần Thị Ngọc ở xã Tống Phan (Phù Cừ) từ nhỏ đã bị teo cơ chân, sau một lần bị sốt cao. Chị Ngọc từng chán nản nghĩ mình suốt đời sẽ phải sống phụ thuộc, song nhờ sự động viên, giúp đỡ của người thân, chị đã quyết tâm tập đi xe đạp, rồi tự mình đạp xe đi học nghề may. 20 năm gắn bó với chiếc máy khâu, tận tình phục vụ khách hàng, chị Ngọc không chỉ trở thành thợ may uy tín mà còn có được một gia đình đầm ấm. Còn với chị Bùi Thị May ở phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên) dù bị tật nguyền nhưng chị vẫn kiên trì học hỏi, sáng tạo. Sau hơn 10 năm làm nghề may, chị không chỉ may những bộ quần áo công sở đẹp, mà còn rất khéo tay với những mẫu áo dài truyền thống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong tình hình dịch Covid-19 này, chị May còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội LHPN phường bằng việc may hàng trăm chiếc khẩu trang tặng cán bộ và nhân dân.

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở trợ giúp xã hội công lập đang nuôi dưỡng hơn 660 đối tượng là NKT bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho NKT Khoái Châu cho biết: Học sinh của trường chủ yếu là trẻ bị câm, điếc bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ. Bằng tất cả tâm huyết, tình yêu thương, đội ngũ giáo viên nhà trường kiên trì đồng hành, giúp các em điều trị phục hồi chức năng, học nghề và rèn nghị lực sống. Nếu ở cùng gia đình, có thể các em sẽ phát triển tự nhiên và vĩnh viễn là người sống phụ thuộc. Nhưng khi đến sống, học tập tại trường, các em được học văn hóa, học chữ, học kỹ năng sắp xếp cuộc sống và nhiều em đã trở thành thợ giỏi, có em học đến cao đẳng, đại học…
 



Các đại biểu tặng quà học sinh Trường phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ


Dù đã được các cấp, ngành giúp đỡ, động viên, nhưng trên thực tế vẫn còn những NKT gặp khó khăn bởi khoản trợ giúp xã hội hàng tháng mới chỉ bảo đảm mức sống tối thiểu. Trong khi đó, NKT thường xuyên đau yếu, không có việc làm và thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống; một số NKT mặc cảm, khó khăn để hòa nhập cộng đồng… Đây là vấn đề cần được Đảng, Nhà nước quan tâm tháo gỡ.

Nhằm tạo cơ hội bình đẳng, đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, động viên để NKT phát huy năng lực, vươn lên hoà nhập, đóng góp cho xã hội, ngày 1/11/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Chỉ thị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp NKT; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức của NKT; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của NKT.
 



Trao xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh


Chỉ thị nhấn mạnh đến việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho NKT; hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực của NKT và các tổ chức của NKT để làm tốt vai trò đại diện, tập hợp, đoàn kết NKT, là cầu nối giữa NKT với Đảng, Nhà nước; bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới một xã hội không rào cản đối với NKT. Ban Bí thư cũng yêu cầu nâng dần mức trợ cấp xã hội phù hợp với các mức sống trong xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước; có chính sách tăng số lượng NKT tham gia mạng lưới an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để NKT tiếp cận các chính sách giáo dục, học nghề, việc làm, văn hoá, giải trí...

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, NKT sẽ cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn, quên đi nỗi đau tật nguyền để hòa nhập với cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển xã hội.

Minh Phương/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.