THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 02:52

Hướng tới xác định, nhận diện hộ nghèo chính xác và toàn diện hơn

08/12/2020 | 14:55
Một số giải pháp chính trong giảm nghèo 5 năm tới
 
Chia sẻ về một số giải pháp trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cho biết: Thứ nhất, Nhà nước sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông, điện lưới để kết nối với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển.
 
Thứ hai là ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ điều kiện sinh kế tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị.
 
Thứ ba là nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với vai trò "bà đỡ" cho người nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc; có chính sách khuyến khích doanh nhân hỗ trợ người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực…
 
Thứ tư là thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính gắn với kết quả đầu ra (Trung ương phân bổ vốn theo tiêu chí, giải ngân theo kết quả đầu ra, theo tiến độ đối ứng của ngân sách địa phương); đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương không giao chi tiết, cho phép địa phương chủ động xây dựng đề án bố trí vốn thực hiện trên địa bàn; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình giảm nghèo...


Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức chia sẻ về chương trình, mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
 
Giảm bớt chính sách "cho không"
 
Tới đây, trong chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, một số chính sách "cho không" hộ nghèo sẽ phải giảm bớt để tạo đột phá trong giảm nghèo bền vững. 
 
"Chính sách hỗ trợ người nghèo đã khá đầy đủ, toàn diện, từ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch, thông tin, dạy nghề, việc làm... Hộ nghèo được vay đến 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra còn có những chính sách, cơ chế, mô hình, nguồn lực để hỗ trợ những người nghèo có khả năng lao động, hướng đến các mô hình sinh kế, mô hình sản xuất như chăn nuôi và trồng trọt" - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức chia sẻ.
 
Cũng theo ông Tô Đức, trên thực tế, chính từ sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước dẫn đến một bộ phận người nghèo, thậm chí cả chính quyền địa phương có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách, không muốn vươn lên thoát nghèo, nhất là hỗ trợ không có điều kiện, nghiễm nhiên coi đó là khoản miễn phí. Từ hạn chế này, tới đây, trong thiết kế chính sách sẽ phải tính toán việc hỗ trợ làm sao để người nghèo chủ động thoát nghèo, nỗ lực vươn lên.
 
Toàn bộ cơ chế chính sách đi theo hướng hỗ trợ có điều kiện
 
Báo cáo đánh giá tác động của Bộ LĐTBXH cho biết, với chuẩn nghèo mới (tháng 1/2021) thì cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người). Trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 10,83% và 5,77% là hộ cận nghèo, bao gồm cả 2% hộ nghèo "kinh niên" là đối tượng bảo trợ xã hội (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em...) - đây là nhóm khó có khả năng thoát nghèo.
 
Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức cho biết: Điểm đột phá mới trong giai đoạn 2021–2025 là tập trung đầu tư con người, đặc biệt là người nghèo. Đây là mục tiêu, chiến lược. Chúng ta phải phân loại người nghèo, làm rõ nguyên nhân nghèo. Bên cạnh đó là xác định nhóm hộ nghèo có khả năng lao động. Thậm chí phân loại trong nhóm này thành các nhóm nghèo do lười lao động, nghèo do vướng tệ nạn xã hội, nghèo do thiếu sự hỗ trợ (thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn...). Việc phân loại này sẽ đưa ra được các biện pháp tác động phù hợp. Giảm nghèo gắn với đối tượng cụ thể, đặc điểm hộ gia đình cụ thể thì mới áp dụng các biện pháp thoát nghèo bền vững.
 
Sắp tới việc chuẩn hóa sẽ có trong văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình rà soát hộ nghèo, xác định bộ công cụ và kế hoạch rà soát. Trong đó, trọng tâm chính sách là hỗ trợ có điều kiện. Nghĩa là tất cả các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo không được nhận chính sách "cho không" mà phải có tham gia đóng góp. 


Chính sách hỗ trợ người nghèo đã khá đầy đủ, toàn diện, từ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch, thông tin, dạy nghề, việc làm.

 Ví dụ bảo hiểm y tế, đối với hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% còn người dân đóng 30%. Tất cả hỗ trợ sẽ theo kiểu "Nhà nước cùng nhân dân", tức Nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 60 - 70%, còn lại là người dân đóng góp, huy động cộng đồng chứ ngân sách không hỗ trợ bao cấp. Toàn bộ cơ chế chính sách đi theo hướng hỗ trợ có điều kiện.

Bên cạnh đó, mục tiêu chương trình quốc gia đi vào hỗ trợ người nghèo có sinh kế, có việc làm, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... Có thu nhập mới nâng cao được chất lượng cuộc sống. Đồng thời, phải hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (đường giao thông, điện nước, nhà ở, giáo dục, y tế...). Việc đầu tư dịch vụ công phải có lộ trình. Những vùng đã được đầu tư tương đối thì chuyển sang ưu tiên các vùng người dân không tiếp cận dịch vụ cơ bản. Công tác giảm nghèo phải làm cuốn chiếu, thực sự đem đến sự thay đổi, thay da đổi thịt chứ không cào bằng, bình quân. Tức là sẽ tính đến hệ số khó khăn để tính suất đầu tư. 
 
Ông Tô Đức ví dụ, vùng nhiều đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, tỉ lệ nghèo cao thì suất đầu tư cao hơn. Trong số đó, nơi nào làm tốt (đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉ lệ người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm bền vững...) thì sẽ có chính sách, cơ chế ưu tiên để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm hơn. Nơi nào không làm, ỷ lại, trông chờ sẽ giảm nguồn lực hỗ trợ, kiện toàn lại bộ máy cán bộ. Phải có chế tài, có phương pháp, phân định rõ ràng nơi nào làm tốt, hiệu quả sẽ ưu tiên để thoát hẳn nghèo. Cụ thể, sẽ phân chia tầng nấc. Hộ nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ 135 thì khi thoát khỏi 135 sẽ sang chương trình hỗ trợ 30a. Khi thoát khỏi 30a thì chuyển tiếp sang Chương trình nông thôn mới.
 

Hiếu Minh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.