Khắc họa hình tượng người phụ nữ Việt Nam bằng âm nhạc

Đề tài về người phụ nữ Việt Nam luôn được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dành nhiều ưu ái. Nếu trong tình khúc, những người phụ nữ Việt Nam xuất hiện dưới hình ảnh những thiếu nữ kiều diễm, mơ màng, thì ở những bài ca cách mạng, ngợi ca quê hương đất nước, lao động, sản xuất, họ lại là người phụ nữ Việt Nam sáng ngời tinh thần “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Chính nhạc sĩ có lần tâm sự rằng: “Đề tài phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng thường trực trong tôi. Xưa nay, người ta vẫn thường cho rằng phụ nữ là phái yếu, nhưng nhiều khi chính sự mềm mại, dịu dàng ấy lại là đòn bẩy lợi hại tạo nên sức mạnh khiến ta phải yêu mến, kính phục”.
Nguyễn Văn Tý rất giỏi trong việc khái quát hóa những hình tượng cụ thể trong ca khúc, ví như trong bài “Mẹ yêu con” (1956): “Nhớ những lúc mừng con lẫy rồi con ngồi/ Thoáng thấy đó hình như bóng dáng bao người/ Đang vươn lên đấu tranh ngày càng lớn, ngày càng tiến/ Bước càng nhanh. Mừng con biết đi rồi/ Đi trên con đường mới/ Mẹ ngắm con cười/ A á ru hời ơi hời ru...”.
Đặc biệt, “Bài ca phụ nữ Việt Nam” ông sáng tác năm 1970 - thời điểm cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go nhất - đã khái quát được hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua mọi thời đại: “Dòng dõi bà Trưng vốn xưa nay anh hùng/ Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng”, “Yêu biết mấy những đôi bàn tay khéo léo/ Đã thêu gấm hoa vào nền non nước Việt Nam...”.
Với giai điệu bình ổn, lời ca dung dị gần gũi, tiết tấu đảo phách và thanh âm thấm đẫm chất dân ca, bài hát như một lời kể chuyện tâm tình, đã làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xứng danh với tám chữ vàng Bác Hồ dành tặng vào dịp 8/3/1965 “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”: “Như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống/ Xứng danh đã trao tặng người Trung hậu - Đảm đang...”.
Ca khúc “Bài ca phụ nữ Việt Nam” như một cuốn phim tài liệu bằng âm nhạc ghi lại hình ảnh cần cù, dũng cảm, nhân hậu, thủy chung của chị em phụ nữ từ xưa đến nay trên mặt trận sản xuất và chiến đấu giữ nước: “Phụ nữ Việt Nam vốn hay lam hay làm/ Có Đảng chỉ đường đã bừng đôi mắt sáng/ Mơ ước đến biến ta thành chim cất cánh/ Quyết bay mãi trên đường dài Cách mạng vẻ vang”.
Ông còn viết một số ca khúc thiếu nhi như "Màu áo chú bộ đội", "Tôi là gà trống", "Gà mái mơ", "Út cưng"... Ông viết nhạc cho phim hoạt hình, múa rối và một số vở chèo: Đảo nổi, Sông Hồng (1967), Nguyễn Viết Xuân (1968).
Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm "Mẹ yêu con", "Vượt trùng dương", "Bài ca năm tấn", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre".
Năm 2019, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã rời cõi tạm, nhưng những tác phẩm âm nhạc của ông vẫn mãi trường tồn với thời gian.
“Cuộc chiến bất tử” - Chuyến phiêu lưu đi ngược lại những chuyện cổ tích thông thường
18 giờ trước
Khuyến khích mặc áo dài đến công sở trong Tuần lễ Áo dài năm 2022
1 năm trước
Hội Phụ nữ Công an TP. Cần Thơ tiếp tục chương trình “Mẹ đỡ đầu” trẻ em mồ côi cha mẹ do Covid-19
1 năm trước
Cuốn hút Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
1 năm trước