THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 07:23

Khen con trong trí tuệ

23/06/2022 | 18:30
Khen làm sao để cổ vũ mà không làm con kiêu ngạo? Khen thế nào để con tiến bộ mà không mang "bệnh thành tích"? áp dụng những nguyên tắc "khen con trong trí tuệ", công cụ kỷ luật "không nước mắt" có thể giúp con rèn luyện những thói quen tích cực, thậm chí loại bỏ hành vi chưa tốt.

Lời khen có thể giúp trẻ tự tin, khuyến khích sự nỗ lực, và mang đến niềm vui cho sức khỏe tinh thần của con. Tuy nhiên, lời khen cũng có thể tạo ra "phản ứng phụ". Nếu chưa biết cách tối ưu hóa lời khen, con có thể đánh giá bản thân cao hơn thực tế, hoặc lấy việc được khen làm động lực hành động thay vì sự tiến bộ và mục tiêu của bản thân.

Chúng ta có thể thấy điều này qua thí nghiệm “Mắt xanh - Mắt nâu” của cô giáo Jane Elliott vào năm 1968. Cô phân học sinh của mình thành hai nhóm dựa vào màu mắt. Cô dành hết lời khen cho các em mắt nâu, nhấn mạnh rằng các em thông minh, sạch sẽ hơn và luôn ưu tiên nhóm này. Sau một thời gian, những em mắt nâu tự cảm thấy mình “đẳng cấp” hơn trong khi những em mắt xanh cảm thấy thấp kém. Học sinh mắt nâu cũng giành chiếm sân chơi và có phần ngạo mạn. Thí nghiệm này còn cho thấy lời khen có thể củng cố tư duy cố định: tin rằng những phẩm chất và trí thông minh là bẩm sinh, cố định và không thể thay đổi được, giống như trí thông minh và sự sạch sẽ sinh ra cùng với màu mắt và không nỗ lực nào có thể thay đổi điều đó.

Để tối ưu hóa lời khen, chúng ta hãy áp dụng nguyên tắc "3T" nên làm và nguyên tắc "3L" nên tránh.

Lời khen có thể giúp trẻ tự tin, khuyến khích sự nỗ lực, và mang đến niềm vui cho sức khỏe tinh thần của con.

Lời khen có thể giúp trẻ tự tin, khuyến khích sự nỗ lực, và mang đến niềm vui cho sức khỏe tinh thần của con.

3T nên làm và cần phát huy

1. Khen từ TRÁI TIM: Lời khen từ trái tim là lời khen chân thành và không nói quá. Hãy chỉ dành lời khen cho con khi bạn thật sự tin vào điều đó. Ví dụ: Gọi con là thiên tài khi con biết đếm có thể mang tới niềm vui nhất thời cho con, nhưng về lâu dài lại khiến con đánh giá sai về bản thân. Thậm chí, xa hơn nữa, khi con hiểu rằng mình không phải là thiên tài thì những lời khen lại hoàn toàn mất tác dụng tốt khi không thể mang lại niềm vui hay động lực cho con nữa.

Lời khen chân thành từ trái tim còn thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể. Nếu chúng ta khen con nhưng mắt nhìn điện thoại, con sẽ thấy bạn không thật sự quan tâm. Nếu chúng ta mong câu chuyện con khoe kết thúc thật nhanh để khen cho xong rồi làm việc khác, con cũng sẽ cảm nhận được.

2. Tập trung vào TIẾN TRÌNH thay vì tập trung vào KẾT QUẢ: “Con thật giỏi vì đã kiên trì rất lâu để hoàn thành bảng xếp hình này!”;  “Con thật giỏi vì đã biết thử nhiều miếng ghép và xoay theo những cách khác nhau cho đến khi các mảnh ghép vừa khít!”… Khi chúng ta không chỉ khen kết quả mà còn khen cả nỗ lực của con là  đã rèn luyện cho con sự cố gắng và tính kiên trì. Khi chúng ta khen những gì con đã làm trong cả quá trình, chúng ta khuyến khích con tư duy, tìm tòi, khám phá ra những con đường đi đến đích. Đưa ra lời khen cho sự nỗ lực còn khuyến khích tư duy phát triển cho con: giúp con tin rằng phẩm chất, trí thông minh hoàn toàn có thể được nuôi dưỡng và tiến bộ bằng nỗ lực của bản thân.

3. Khen đúng THỜI ĐIỂM: Thời điểm phát huy tối ưu sức mạnh của lời khen là ngay sau khi trẻ thực hiện hành vi tích cực. Khái niệm không gian và thời gian của trẻ rất khác với người lớn. Nếu sự kiện đã trôi qua, có thể trẻ sẽ không liên kết được ý nghĩa và cảm xúc đến từ lời khen với sự kiện đã xảy ra vào một thời điểm và một không gian khác.

Một thời điểm đáng chú ý nữa là trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì chờ đến lúc con phá đồ rồi dạy dỗ, mắng mỏ, cha mẹ hãy đưa ra lời khen khi con chơi ngoan. Thay vì chờ đến lúc con tranh giành hay làm đau bạn rồi khiển trách, hãy đưa lời khen bất cứ khi nào con hòa thuận và chia sẻ. Thay vì chờ tới lúc con la hét khi trái ý sẽ giận giữ với con, hãy khen khi con biết thể hiện suy nghĩ và nhu cầu của bản thân một cách từ tốn và bình tĩnh. Ngợi khen con hàng ngày, từ những khoảnh khắc và giây phút tưởng chừng như rất đỗi bình thường có thể giúp con duy trì những hành vi tích cực.

Mẹ và con gái.

Mẹ và con gái.

3L nên tránh khi khen con

1. Tránh những lời khen có tính chất LỢI DỤNG: Cha mẹ hãy tránh những lời khen nhằm mục đích để con nghe lời và làm theo ý mình. Nếu bạn muốn con lấy hộ chiếc điều khiển tivi vì ngại đứng dậy khỏi chiếc sofa, đừng khen con ngoan, hãy cảm ơn vì con đã giúp đỡ. Nếu bạn muốn con ủng hộ ý tưởng của mình cho chuyến đi chơi thay vì sáng kiến của người bạn đời, đừng khen con biết lựa chọn đúng đắn, hãy thuyết phục con với những lý lẽ của một người trưởng thành.

Chúng ta cũng cần tránh những lời khen đính kèm tình cảm. Khi nói “Bố/Mẹ rất yêu con vì con đã rất ngoan khi biết cất đồ chơi!”, con sẽ hiểu rằng nếu con không cất đồ chơi thì bố/mẹ sẽ không yêu con nữa.

Nhu cầu bản năng của một đứa trẻ, của một con người là yêu thương. Khi con tiếp nhận thông điệp rằng tình yêu của bố mẹ sẽ chỉ được trao tặng nếu con nghe lời, nhu cầu bản năng đó sẽ khiến con hình thành nỗi sợ - sợ mất đi tình yêu của bố mẹ. Nếu con nghe lời vì nỗi sợ dẫn dắt, con sẽ không hiểu được những bài học, lời khuyên dạy của chúng ta có ý nghĩa như thế nào cho sự phát triển của con. Chúng ta có nhiều phương pháp khác để nuôi và dạy con thành người, hơn là dùng tình yêu như một vũ khí tấn công vào nỗi sợ của trẻ.

2. Tránh LẠM DỤNG lời khen: Nếu tần suất khen con quá nhiều, lời khen sẽ bị bình thường hóa và không còn phát huy được những ảnh hưởng tích cực. Dần dần, trẻ sẽ không còn tin vào những lời khen đó nữa. Mặt khác, khi chúng ta lạm dụng lời khen thì trẻ sẽ kỳ vọng được khen trong mọi việc. Khi “vắng bóng” lời khen, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng và thiếu động lực hành động.

Vậy làm sao để biết ta đã khen con vừa đủ? Hãy tập trung vào hành vi tích cực bạn muốn trẻ xây dựng và khen khi con thực hiện những điều đó. Cho đến khi bạn thấy rằng hành vi đó đã trở thành một phẩm chất của con, bạn có thể dừng lại và dành lời khen cho một hành vi tích cực mới.

3. Tránh những lời khen LẠC HƯỚNG: Những lời khen lạc hướng sẽ hóa thành một lời chê trong mắt con. Ví dụ: “Được đấy. Lúc nào con cũng như vậy có phải tốt không?” hay “Tốt. Nhưng tại sao lúc nào bố mẹ cũng phải nhắc đi nhắc lại con mới làm?” Những “chiếc đuôi tiêu cực” đó sẽ khiến con cảm thấy nỗ lực và thành quả trước đó bị đổ xuống sông xuống bể, vì con sẽ nhận thấy rằng dù cố gắng thay đổi thế nào, cha ẹm cũng sẽ chỉ nhớ về phiên bản quá khứ chưa tốt của con thôi.

Hoàng Huyền
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Đà Nẵng: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022

Đà Nẵng: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022

1 năm trước

TP. Đà Nẵng có hơn 299.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,5% dân số; trong đó, có 3.174 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (TECHCĐB) và 11.504 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Những năm qua, Thành phố...
Khen thưởng công nhân kịp thời cứu sống bé hơn 2 tuổi bị đuối nước

Khen thưởng công nhân kịp thời cứu sống bé hơn 2 tuổi bị đuối nước

1 năm trước

Ngày 20/6, Thông tin từ Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết, công ty vừa tổ chức khen thưởng anh Nguyễn Quốc Hiền là công nhân của công ty đã nhanh trí cứu sống bé trai bị đuối nước trong...
VMO khánh thành điểm trường cho trẻ em xã đặc biệt khó khăn tỉnh Hà Giang

VMO khánh thành điểm trường cho trẻ em xã đặc biệt khó khăn tỉnh Hà Giang

1 năm trước

Mong muốn giúp đỡ trẻ em vùng cao có những lớp học khang trang để đón năm học mới, Công ty CP Công nghệ VMO Holdings đã tài trợ chi phí xây dựng điểm trường mầm non cùng các trang thiết bị...