THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 10:42

Khi con lười biếng và ỷ lại

31/10/2022 | 08:09
Không ít phụ huynh than phiền về sự lười biếng và các chiêu trò ỷ lại, trì hoãn làm việc của con độ tuổi teen. Có nhiều lý do hình thành tâm lý ỷ lại của con trẻ như: gia đình bao bọc quá mức, cuộc sống đủ đầy và giáo dục không đúng cách.
luoi-an-1603448341-5241-1603448454

Chị tôi người nhỏ nhắn, ngày nào cũng mấy bận chở cậu con trai 15 tuổi to cao gấp đôi mẹ, đến trường cách nhà chưa đến 3km. Có lần trong cơn mưa tầm tã, tôi bắt gặp chị dắt xe bị chết máy vượt qua quãng đường ngập nước, trong khi cậu con trai vẫn bình thản ngồi yên trên xe. Xót quá, tôi góp ý thì chị bảo: “Phải đợi đến 18 tuổi cháu thi bằng lái xong thì mới tự đi xe được chứ!”. Chị nói không sai, nhưng nhà cách trường có 3km, sao chị không để con tự đạp xe đi học hay đón xe buýt?

Trong nhiều gia đình, đặc biệt ở thành thị đang diễn ra tình trạng nuông chiều con quá mức. Trẻ đã vào tiểu học vẫn còn được đút cơm, những cô cậu học sinh THPT, thậm chí sinh viên đại học vẫn còn được bố mẹ đưa đón đi học mỗi ngày. Nhiều cha mẹ luôn lo lắng, sợ con trầy xước, vấp ngã, thất bại, tổn thương… mà không biết rằng, chính những thứ đó là nhân tố giúp cho con trẻ lớn lên, trưởng thành, cứng cáp, mạnh mẽ.

6 nguyên nhân chính khiến con lười biếng

Ðược bao bọc thái quá, trẻ mất cơ hội bộc lộ hết tiềm năng của bản thân, tự chủ hành động, độc lập tư duy. Ðây không phải là yêu con, ngược lại sẽ khiến con ỷ lại, dựa dẫm. TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ÐH Sư phạm Hà Nội phân tích 6 nguyên nhân chính khiến con lười biếng:

Luôn làm hộ con: Trẻ mới làm việc đương nhiên sẽ vụng về, dễ đổ vỡ, chậm và mất thời gian hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ "làm luôn cho nhanh" của phụ huynh sẽ ngăn cản con khám phá thế giới xung quanh, hạn chế phát triển kĩ năng sống và tạo thói quen ỷ lại.

Luôn tìm cách giúp đỡ con: Học thêm, học trước, tạo các lợi thế học tập cho con là cách khiến con lười nhanh nhất. Ði học thêm triền miên sẽ khiến trẻ càng thiếu thời gian và ngại suy nghĩ, vì lớp học thêm luôn có thầy cô giải đáp trước khi con phải suy nghĩ.

Luôn quyết định hộ con: Càng quyết hộ con nhiều, con càng lười suy nghĩ, lười lựa chọn và chờ đợi bố mẹ giúp.

Luôn thoả thuận với con: Mẹ: “Con học đi”. Con: “Mẹ đợi con tí. Con chơi một lát nữa thôi.”. Mẹ: “15 phút thôi nhé”. Những thoả thuận kiểu này sẽ khiến con thấy trì hoãn được và quen dần với việc trì hoãn. Khi đó, con sẽ quen với việc bỏ lửng việc cần làm, công việc cứ thế chồng lên nhau. "Việc hôm nay chớ để ngày mai" là phương châm cha mẹ nên yêu cầu cả nhà thực hiện.

“Đầu bếp” nhí học nấu bữa ăn ngon.

“Đầu bếp” nhí học nấu bữa ăn ngon.

Cho con dễ dàng bỏ cuộc: Làm đến cùng cho dù kết quả ra sao sẽ giúp trẻ nghiêm khắc hơn với bản thân và có thói quen cân nhắc cẩn trọng trước khi đòi tham gia việc gì.

Không hướng dẫn con xây dựng kế hoạch làm việc, lập thời gian biểu và thực hiện nghiêm túc: Nhiều bố mẹ khi yêu cầu con làm gì đó chỉ nói: “Làm đi, sao con không làm?”, mà không hướng dẫn con sắp xếp các bước thực hiện. Không bố trí được thời gian, con sẽ không kịp làm, khi đó, việc chồng việc, con dần ngại và lười.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khiến trẻ ỷ lại xuất phát từ những hành vi quen thuộc của cha mẹ trong việc dạy dỗ con hằng ngày.

Hứa suông và thường xuyên thất hứa: Khi muốn con hoàn thành việc, cha mẹ hay đưa ra lời hứa “dỗ ngọt” con thực hiện, nhưng sau đó cha mẹ quên không thực hiện. Nhiều lần lặp lại, trẻ sẽ thấy lời nói của cha mẹ không còn uy tín để phải nể phục và nghe theo.

Thường xuyên đe dọa, áp đặt và ra lệnh: Những lời đe dọa thường phản tác dụng đối với trẻ đang ở độ tuổi nổi loạn, vì chúng thấy không được tôn trọng và bất an.

Luôn đi theo sát nhắc nhở, thúc giục: Thói quen theo sát, nhắc nhở, thúc giục con của cha mẹ giống như “đồng hồ báo thức” khiến trẻ dần hình thành thói quen chần chừ, trì hoãn, mất tính tự lập, tự giác, được nhắc thì làm, không nhắc thì không làm.

Giúp trẻ bớt lười biếng và ỷ lại

Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp các bậc phụ huynh điều chỉnh lại cách giáo dục và hướng con đến những phẩm chất tốt đẹp. Ðể giúp con bớt lười biếng và ỷ lại, thay vì thúc giục trẻ như một “máy nói”, cha mẹ nên sử dụng phương pháp “giấy ghi chú” để chia việc con cần làm thành những mục tiêu nhỏ con cần phải thực hiện mỗi ngày. Thay vì đưa ra lời hứa với con, hay áp đặt, ra lệnh cho con, cha mẹ hãy cùng con thương lượng để cả hai bên đạt được sự thỏa thuận, cũng là cách thể hiện con được cha mẹ đối xử bình đẳng và tôn trọng. Ðể con tự giác học tập, cha mẹ cần giáo dục con theo cách tích cực và lành mạnh, cho con nếm trải cảm giác hạnh phúc khi tự hoàn thành công việc mà không cần sự can thiệp của cha mẹ.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy (Hà Nội) thực tập pha chế cocktail.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy (Hà Nội) thực tập pha chế cocktail.

Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, rèn cho trẻ biết và làm thuần thục việc nhà có hai lợi ích: Dạy trẻ về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình; Tập cho trẻ sống chủ động, dễ thích nghi với môi trường sống. Muốn rèn con vào nề nếp, hiểu được trách nhiệm của bản thân và vui vẻ làm việc nhà thì phụ huynh cần phân công công việc trong gia đình cụ thể, rõ ràng. Thời gian đầu, cha mẹ cùng làm với con. Khi trẻ làm việc nhà quen rồi và có nề nếp thì trẻ làm một mình cũng không ngại nữa.

Thay vì làm việc giúp con, cha mẹ nên dẫn dắt con vào quá trình giải quyết vấn đề, phân tích tình huống đang diễn ra, để con tư duy câu trả lời. Nếu con vẫn gặp vướng mắc, phụ huynh hãy đưa ra một số gợi ý và đề nghị giúp đỡ. Nếu trẻ đã theo đuổi nhiệm vụ khó khăn trong thời gian dài, hãy cho con nghỉ ngơi hoặc chuyển hướng sang công việc nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Hãy truyền cảm hứng cho trẻ bằng cách kể chuyện bạn, người thân hoặc bạn bè của gia đình từng rơi vào tình huống khó khăn tương tự. Câu chuyện sẽ giúp trẻ nhận ra mỗi người đều có khó khăn riêng, quan trọng là phải tìm cách để giải quyết. Khen ngợi sự cố gắng của trẻ khi hoàn thành công việc, thậm chí có thể treo giải thưởng nếu trẻ làm xong sớm.

Thực tế, phần lớn tính cách của trẻ được hình thành từ những thói quen cha mẹ rèn luyện cho con và cả từ cách sống của cha mẹ. Hãy giúp trẻ bằng cách hướng dẫn cách làm, định hướng con điều gì nên làm và không nên làm. Từ đó, nuôi dưỡng tính tự giác và chăm chỉ ở trẻ, giúp trẻ bớt lười biếng trong học tập, làm việc và suy nghĩ.

Hồng Nga
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.