THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 10:34

Khi học sinh sáng tác nhạc kịch...

29/08/2017 | 11:34
 
Các em hát tại quán cà phê để giới thiệu dự án nhạc kịch của mình.
 
Ước mơ đưa vở diễn lên sân khấu lớn
 
Vở nhạc kịch “Viên đạn cho Valentine” vừa được công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, kéo dài gần 2 tiếng với số diễn viễn lên tới gần 30 người. Ngạc nhiên là vở diễn hoàn toàn do các em học sinh cấp 3 và một số sinh viên Đại học - chưa từng đứng trên sân khấu - tổ chức viết kịch bản, viết nhạc, thiết kế sân khấu, biên đạo múa… nhưng lại có thể nhập tâm và thể hiện vai diễn một cách xuất sắc. Nhóm có tên FRAGMENTS – những mảnh ghép. Qua vở nhạc kịch, FRAGMENTS mong muốn truyền tải được không khí sống động của sân khấu nhạc kịch đến với văn hóa Việt Nam, khuyến khích mọi người cùng tham gia thưởng thức cũng như xây dựng loại hình nghệ thuật này, để nói lên những suy nghĩ trong lòng mỗi người.
 
 “Viên đạn cho Valentine” có lẽ gây ngạc nhiên nhất ở cách tổ chức sản xuất. Các em có những nhóm làm việc được phân công cụ thể, ghi nhận rõ ràng như âm nhạc, trang điểm, luyện thanh, thiết kế sân khấu, quản lý vũ công, hậu cần, tài chính, đồ họa… Khó nhất là việc kiếm đủ tiền để dàn dựng, nhưng các em cũng đã vượt qua một cách ngoạn mục. Các em đã làm các show diễn nhỏ ở các quán cà- phê ca nhạc để quảng cáo vở diễn đồng thời tìm nhà tài trợ. Cuối cùng, các em cũng đủ kinh phí đủ để thực hiện ước mơ của mình là đưa vở diễn lên sân khấu lớn. 
 
Suốt thời lượng gần 2 tiếng, các diễn viên trẻ không chuyên đã đem đến một không gian nhạc kịch với chất lượng khá cao và chạm đến những cung bậc cảm xúc của khán giả, từ hài hước đến cảm động, từ lãng mạn đến đau thương. Không chỉ hấp dẫn bởi nội dung, “Viên đạn cho Valentine” còn thu hút khán giả bởi những màn vũ đạo tuyệt vời, những màn độc thoại nội tâm sâu sắc, tạo ra điểm nhấn cho vở nhạc kịch. Trang phục vở diễn đơn giản, gần với đương đại, màu sắc chủ đạo được thiết kế với hai tông màu cơ bản là xám và đen. Sự đơn sắc này lại phù hợp với phông nền và tạo hiệu ứng khá nhất quán. 
 
 
Cảnh trong vở nhạc kịch “Viên đạn cho Valentine” do Nhóm FRAGMENTS – là các em học sinh cấp 3 và đại học ở Hà Nội biểu diễn.
 
Nói lên được nhiều điều tiêu cực như: bạo lực gia đình, sai lệch nhân cách
 
Bạn Lê Minh Hà, đồng sáng lập nhóm FRAGMENTS và là người chấp bút viết kịch bản cho vở diễn cho biết: “Viên đạn cho Valentine” có bối cảnh những năm 1930, cô bé 17 tuổi Hayley Brown bị nhốt vào trại cải tạo cho thanh thiếu niên. Sau nhiều lần trốn thoát không thành, cô đã thu hút được sự chú ý của Eli Weston, một chàng trai 18 tuổi, cùng với đám bạn của anh. Từ đó, chuỗi rắc rối liên tiếp ập đến. Bị lôi cuốn bởi cách hành xử kì lạ của cô gái này, Eli còn sửng sốt hơn khi cô đề nghị giúp anh bỏ trốn. Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao Hayley lại phải tới đây? Đây là một đề tài khó khi nhóm bắt tay vào thực hiện. Đó chính là đối mặt với nhiều điều tiêu cực như: bạo lực gia đình, vấn đề tâm lý và hướng xây dựng nhân cách sai lệch. “Chúng em có một nhóm viết. Em là người viết chính, cốt truyện, dàn cảnh. Một số người khác làm cùng em để đắp vào. Chúng em đã cố gắng hết mình nên những thứ đã đạt được là những thứ tốt đẹp nhất" – Minh Hà chia sẻ.  
 
Còn bạn Nguyễn Lê Hoài Thương – một trong hai nhà đồng sáng lập FRAGMENTS – là người viết và biên tập âm nhạc cho vở diễn tâm sự: "Quá trình triển khai vở diễn gặp khá nhiều khó khăn với nhiều đêm không ngủ, nhưng được sự ủng hộ của mọi người, nhất là gia đình của các thành viên trong nhóm, cuối cùng thì cả nhóm đã đi đến được sân khấu lớn. Điều đặc biệt là 11 ca khúc trong vở diễn đều do các thành viên trong nhóm dàn dựng. Trong đó, có những bản nhạc được sử dụng từ những vở nhạc kịch nổi tiếng, quen thuộc nhưng được viết lại lời cho phù hợp với nội dung vở kịch; và có 3 bài hát do em tự sáng tác. Qua vở nhạc kịch này, FRAGMENTS muốn phác họa lên hậu quả khôn lường của việc xây dựng nhân cách sai lệch…”.
 
 
Hai em Lê Minh Hòa và Hoài Thương.
 
Hoài Thương còn nhấn mạnh: “Gia đình là nơi xây dựng nhân cách của một đứa trẻ. Chúng em đã cố gắng đưa lên sân khấu những khung cảnh rất quen thuộc trong gia đình lồng ghép trong những câu thoại, bài hát và vũ đạo.
 
Hình ảnh một người mẹ đến thăm Hayley trong giấc mơ, làm cô nhớ lại những gì mẹ đã làm cho mình. Hayley nói: "Mẹ đã làm tất cả vì con, dù đôi khi con thấy đó không phải sự lựa chọn tốt nhất nhưng mẹ sẽ không bao giờ cố tình làm đau con". Đúng là như vậy, người mẹ luôn hết mình vì con nhưng mẹ Hayley đã bị đẩy tới đỉnh điểm khi bà không cảm nhận được tình cảm gia đình từ đứa con hay người chồng. Câu hát của nhân vật mẹ cho thấy bà mong đợi sự quan tâm, một chút tự do và được mơ ước.
 
Người bố cũng là một nhân vật cô đơn. Ông luôn ngập trong men say của rượu để rồi về nhà to tiếng với vợ, thắc mắc tại sao điểm số của con gái không cao lên. Ông rõ ràng muốn thể hiện sự quan tâm tới Hayley nhưng bằng phương thức nào? Qua màn độc thoại nội tâm, Hayley đã cho khán giả thấy những lo âu, trách cứ trong lòng một đứa con khi nhìn thấy vết bầm trên tay mẹ, vết thương lòng khi nghe bố mắng. Bài hát "Daddy Lesson" của Beyonce phối lại nhạc đã được dùng để miêu tả nhân vật bố. Người bố yêu con hết mực nhưng chỉ dạy được con là hãy mạnh mẽ, phải làm tổn thương người khác để bảo vệ mình. Nhân cách của Hayley đã được xây dựng lệch hướng như vậy…
 
Dẫu thế nào, thì chúng em vẫn tin rằng, ngay cả khi đối mặt với nhiều điều tiêu cực như vậy, dù là ai cũng vẫn sẽ có hai lựa chọn - một lối thoát dễ dàng hay một lối đi khó khăn hơn rồi sẽ đem lại kết quả tốt đẹp?”.
 
Hai tiếng đồng hồ người xem vẫn thấy đâu đó trong vở diễn vẫn còn những hạt sạn chuyên môn, nhưng vẫn phải thấy rằng vở diễn là một điều đáng tự hào của các em. Nó cho thấy các em đã quan tâm và tìm hướng giải quyết các vấn đề xã hội theo cách nhìn của các em. Và hãy dũng cảm tiến lên - tương lai đang ở phía trước.

Anh Chi/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...