THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 11:29

Kìa, Hoa Ban!

27/02/2017 | 10:28
 
Ảnh: KT
 
Thay vì tháng 3, tháng 4 Hà Nội mới rực rỡ hoa ban trên phố Bắc Sơn như mọi năm; lúc này, không cứ ở phố Bắc Sơn, rải rác trên khắp thành phố, hoa ban đã khoe sắc rực rỡ. Hai sắc hoa dịu dàng đặc trưng, tím ngan ngát và trắng tinh khôi – cái màu nguyên sơ của núi rừng đến từ Tây Bắc hiện hữu giữa lòng đô hội, không bao giờ có thể gây ra một thắc mắc hay chút nghi ngờ. Nhan sắc ấy, vẻ đẹp ấy chỉ có thể làm xao xuyến bâng khuâng những tâm hồn nhạy cảm và khát khao cái đẹp, thầm cảm ơn món quà vô giá của mẹ thiên nhiên.
 
Ở Tây Bắc, hoa ban là niềm kiêu hãnh của người dân tộc Thái. Có truyền thuyết kể rằng, Ban là một cô gái xinh đẹp nhưng không may bị bệnh đậu mùa biến chứng làm cho xấu xí. Không có ai hỏi cô làm vợ, buồn bã, cô một mình tìm lên hang Thắm Lé (ở huyện Văn Chấn ngày nay) để lánh đời. Cô đơn, đói khổ, Ban đã kiệt sức nằm lại nơi đó. Từ nơi cô thác vào đá núi, mọc lên một cây có hoa trắng như búp tay người con gái. 
 
Đây là một giả thuyết về sự hóa thân của nhan sắc và phẩm hạnh nàng Ban vào một loài hoa đẹp. Ai thì cũng hiểu rằng cỏ cây hoa lá là con cháu của mẹ thiên nhiên, trời đất sinh ra vạn vật. Nhưng con người vì lòng yêu quý mà có thái độ nâng niu vạn vật, nên luôn nghĩ rằng “vạn vật hữu linh”. Vậy nên, người yêu hoa ban lại tin vào một câu chuyện khác, cũng bi thương nhưng đẹp, lãng mạn như tình yêu cổ tích của nàng Ban và chàng Khum nói về sự ra đời của hoa ban. 
 
Rằng nàng Ban xinh đẹp, nết na, tâm hồn trong trắng thuần khiết như nước suối, lại có lòng vị tha, luôn gần gũi và giúp đỡ dân bản. Chàng trai trẻ nào đã gặp đều đem lòng tương tư nàng, còn nàng đã chọn chàng Khum, một người giỏi việc, lại hiền lành, chịu khó, hiếu thảo. Ngặt nỗi cha của nàng Ban không muốn gả con gái vì chê chàng Khum nhà nghèo. Cha nàng ham gả nàng cho con trai của gia đình Tạo Mường giàu có.
 
Một đêm nọ, nàng Ban trốn cha tìm đến chàng Khum nhằm cùng nhau nghĩ cách chạy trốn. Không may chàng Khum đang đi làm ăn xa, nàng buồn bã lấy khăn piêu ra buộc vào chân cầu thang nhà chàng rồi đi vào rừng tìm chàng. Nhưng đường rừng xa xôi, hiểm trở, còn nàng thì tìm kiếm trong vô vọng nên cuối cùng đã kiệt sức nằm gục giữa rừng. Sau này, nơi nàng nằm xuống mọc lên một cây lớn, hoa trắng tinh khiết, người dân trong vùng đặt tên là hoa ban.
 
 
Cứ vào độ xuân về thì hoa nở rực rỡ, sắc đẹp của hoa thu hút hết thảy sự chú ý, ngưỡng vọng của nhân gian. Loài hoa nhanh chóng lan ra khắp vùng. Có hai sắc trắng ngần và phơn phớt tím. Hàng năm, vào ngày 5/2 Âm lịch, người Thái tổ chức Lễ hội hoa ban, là dịp để trai gái gặp gỡ và hẹn ước. Có câu thơ ai đó đã viết rất hay: “Mắt thấu lòng núi, môi nở hoa ban/ Tay nắm chặt tay, điệu xòe không tuổi”.
 
Ở Hà Nội, ngoài Bắc Sơn là con phố duy nhất chỉ trồng hoa ban, thì trên các cung đường ven hồ Tây, đặc biệt là những khu đô thị mới như Mỹ Đình, Trung Hòa – Nhân Chính…, hoa ban rực rỡ mỗi mùa xuân. Có lẽ, ở đây, hơn cả niềm yêu thích về loài hoa xinh đẹp, đặc trưng cho mùa xuân, còn là lòng kiêu hãnh sâu thẳm về biểu tượng của núi rừng đã được hình tượng hóa trong những câu chuyện tình huyền thoại.
 
Hoa ban mang cái tươi thắm của núi rừng, sự kiêu hãnh của núi non. Một vẻ đẹp nguyên sơ như ẩn chứa cái tình đằm thắm của con người Tây Bắc gửi vào hồn hoa, để mỗi mùa xuân mới, khi con người mở lòng đón đợi những niềm vui mới, tình duyên mới, thì nàng ban lại ngời lên sắc trắng quyến rũ, và mùi hương ngan ngát dịu dàng lan tỏa... 
 
Có một điều người ở xuôi thấy kỳ lạ là người Thái lâu nay lấy hoa ban trộn với gạo nếp để đồ xôi. Thật thú vị khi tưởng tượng bông hoa xinh đẹp kia lại có thể hóa thân trong món ngon hấp dẫn như xôi nếp nương của người dân tộc Thái. Xôi chín ăn bùi hơn, hương thơm ngào ngạt hơn, nghĩ đã thấy thèm. Người Thái vốn hiếu khách, cũng thường dành gạo nếp trong nhà, chờ khi khách đến vào mùa hoa ban nở thì thổi xôi đãi khách. Bởi thế, hoa ban trở thành thứ sản vật của vùng cao Tây Bắc. Có tình ca Thái hát rằng:
 
Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ
Ta yêu nhau khi ban nở trên cành
Ban sẽ héo, mong ban trở lại cành
Ban sẽ rụng, mong ban rụng về gốc.
 
Không biết những ai người Hà Nội đã dự Lễ hội hoa ban, được xuôi thuyền trên sông Nậm Na cùng những vòng xâu hoa ban tươi thắm, hay cùng gái trai người Thái hái hoa ban cài lên tóc, và kể với người Thái về mùa hoa ban ở Hà Nội... 

Trang Thanh/Tạp chí GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...