THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 08:27

Kỹ năng sơ cứu những tai nạn thương tích thường gặp

09/12/2020 | 20:26
Vết thương, vết cắt nhỏ
 
Đối với những vết thương hở, điều đầu tiên trẻ phải nhớ là làm sạch vết thương rồi dùng băng, gạc vô trùng nhẹ nhàng băng lại. Dạy trẻ tuyệt đối không tự ý bôi dầu, cao, không bôi cồn trực tiếp vào vết thương, bởi sẽ gây xót và bỏng. Đối với những vết thương hay vết cắt nhỏ, nếu không được sự chỉ định của bác sĩ thì trẻ không được rắc kháng sinh bột vào vết thương. Trong trường hợp vết cắt, vết đứt chảy nhiều máu, trẻ cần phải bình tĩnh, gạt bỏ sợ hãi, nhanh chóng tiến hành làm sạch và cầm máu vết thương theo các bước sau:
 
- Bước 1: Ấn chặt vào vết thương để cầm máu. Nếu vết thương sạch, cố gắng nâng vết thương lên cao để cầm máu.  
- Bước 2: Rửa sạch vết thương nhẹ nhàng bằng nước sạch. Loại bỏ các mảnh dị vật gây thương tích với điều kiện vết thương nhỏ. Với vết thương lớn, dị vật đâm sâu thì để nguyên, vì nếu rút chúng ra có thể khiến chảy máu nhiều hơn.
- Bước 3: Phủ lên vết thương miếng gạc sạch và băng lại. Quấn băng chắc chắn nhưng không quá chặt để máu được lưu thông.
- Bước 4: Báo cho người lớn hoặc tìm cách tới cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.


Dạy trẻ, dầu nóng, cao không phải là phương cách hữu hiệu trong hầu hết các trường hợp bị tai nạn thương tích. Ảnh minh họa KT
 
Bong gân
 
Trẻ em thường hiếu động, hay leo trèo, chạy nhảy, thích chơi thể thao và những va chạm mạnh có thể làm bong gân. Bong gân là loại tai nạn rất dễ xảy ra đối với trẻ em. Trong những trường hợp trẻ bị bong gân, nhiều khi người lớn có thói quen xoa bóp, bôi dầu và chườm nóng vết thương cho trẻ. Tuy nhiên, đây là một sai lầm mà cha mẹ cần chú ý và dạy trẻ không được làm như vậy. Cách sơ cứu đúng nhất trong trường hợp này là chườm mát và giữ chân, tay bị bong gân bất động đối với vết thương trong khoảng thời gian 6 tiếng. Nếu đã ngoài 6 tiếng, chỗ bong gân cần được ngâm nước muối ấm, băng cố định, hạn chế vận động và đi lại. Sau đó, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.  

Sai khớp
 
Cha mẹ cần dạy trẻ, cũng như bong gân, khi bị sai khớp thì tuyệt đối không được xoa bóp, nắn chỉnh, bởi nó chỉ khiến vết thương đau hơn và thậm chí tổn thương đến mạch máu và thần kinh. Đối với tai nạn thương tích này, điều quan trọng nhất trẻ cần lưu ý đó là cố định vết thương. Đặc biệt, nếu đó là chấn thương cột sống thì nạn nhân cần phải được đặt nằm ngửa trên ván cứng (tuyệt đối không được nằm trên võng, tấm đệm mềm). Sau đó, lập tức chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để nhận được sự chăm sóc và chữa trị đúng chuyên môn.
 
Bỏng 
 
Bỏng là tai nạn thương tích rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần một sơ xuất nhỏ, bất kỳ ai cũng có thể bị bỏng. Có nhiều tác nhân gây ra bỏng: bỏng do hơi nóng, do lửa, điện, hóa chất... Trẻ rất cần được trang bị những kỹ năng sơ cứu các vết thương do bỏng. Việc sơ cứu đúng cách sẽ giúp vết thương do bỏng không bị nhiễm trùng và giảm bớt hậu quả, nhất là khi cơ thể bị bỏng trên diện rộng.
 
Cách sơ cứu khi bị bỏng sẽ tùy thuộc vào loại bỏng mà người bị nạn gặp phải.
 
- Vết bỏng nước sôi, bỏng do hỏa hoạn và bỏng bô xe máy: Sơ cứu cho nạn nhân bằng cách cho vết bỏng vào nước mát và sạch, ngâm cho đến khi thấy đỡ rát trong khoảng 15-20 phút. Sau đó, thấm nhẹ vết bỏng bằng khăn sạch cho khô rồi dùng gạc sạch băng lại để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Vết bỏng do hóa chất: Cần để vết bỏng dưới vòi nước mát, chảy nhẹ trong vòng 15-20 phút. Sau đó, đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
- Vết bỏng dầu ăn: Thực hiện sơ cứu bằng cách cho vết thương vào vòi nước đang xả nhẹ hoặc chậu nước mát. Sau đó, dùng nước muối sinh lý vệ sinh vết thương cho nạn nhân và dùng gạc vô khuẩn băng lại.
 
Lưu ý: Vào mùa đông, khi sơ cứu vết thương do bỏng thì phần cơ thể không bị bỏng của nạn nhân cần phải được giữ ấm. Khi vết bỏng bị sưng phồng thì không được làm vỡ. Nhanh chóng cởi bỏ quần áo, đồng hồ, nhẫn… trước khi vết bỏng sưng to, sao cho lộ phần bị thương ra.  Không bôi bất cứ thứ gì khi chưa làm sạch vết thương. Đặc biệt, không được bôi nước mắm, kem đánh răng… lên vết bỏng như dân gian truyền miệng. Thuốc sử dụng bôi lên vết bỏng phải có chỉ định của bác sĩ.


Cho vết bỏng vào nước mát và sạch, ngâm cho đến khi thấy đỡ rát trong khoảng 15-20 phút. Ảnh minh họa KT

Điện giật
 
Điện giật cũng là một tai nạn rất thường gặp trong cuộc sống thường ngày. Cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc cần dạy trẻ các bước sơ cứu khi bị điện giật như sau:
 
- Tắt nguồn điện tiếp xúc với người bệnh. Hãy dùng các vật dụng không dẫn điện như bìa carton, nhựa, gỗ để ngắt nguồn điện.
- Kiểm tra dấu hiệu tuần hoàn thở, tiến hành hô hấp nhân tạo khi cần thiết.
- Đặt nạn nhân nằm với tư thế đầu thấp hơn thân mình một chút và kê cao chân để đề phòng sốc.
- Gọi cấp cứu ngay nếu thấy nạn nhân bị giật điện có triệu chứng loạn nhịp tim hoặc tim ngừng đập, suy hô hấp, tím tái hoặc ngừng thở, đau và co rút cơ, co giật, tê bì và ù tai, bất tỉnh...
BOX: Nguyên tắc chung khi sơ cứu những tai nạn thường gặp
- Dầu nóng, cao không phải là phương cách hữu hiệu trong hầu hết các trường hợp bị tai nạn thương tích.
- Sơ cứu xong thì báo cho người lớn hoặc càng nhanh càng tốt tới cơ sở y tế gần nhất.
- Không tự ý bôi thuốc, phải luôn theo chỉ định của bác sĩ.
 Việc sử dụng dung dịch sát khuẩn vết thương để hỗ trợ sơ cứu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần hướng dẫn trẻ sử dụng dung dịch sát trùng đúng cách. Đặc biệt, trong một số trường hợp nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp, tránh hậu quả đáng tiếc.
 

 

Hồng Trần/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...