THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 12:54

Lá chắn bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

29/09/2021 | 14:01
Đại dịch Covid-19 khiến cho trẻ phải học online, giãn cách xã hội làm cho trẻ không có cơ hội tiếp xúc với bạn bè… dẫn đến trẻ sử dụng điện thoại, máy tính quá mức. Trên mạng, trẻ có thể truy cập các nội dung giáo dục, giải trí và kết nối rộng rãi. Song, trẻ cũng có nguy cơ tiếp xúc với các hành vi lừa đảo, lợi dụng, bắt nạt, bạo lực, khiêu dâm… Chính vì vậy, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trở thành vấn đề cấp thiết, cần những giải pháp đồng bộ từ các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội.

Bắt nạt trực tuyến xảy ra song song với bắt nạt trực diện

Khi CN 4.0 phát triển, tình trạng bạo lực trên mạng xảy ra với trẻ em ngày càng tăng. Còn nhớ sự việc đau lòng xảy ra mấy năm trước của em B.Đ.Q.H, học sinh lớp 8 một trường THCS tại Yên Bái. Sau khi đi học về bị một nhóm thanh niên chặn lại ở cổng trường, đánh liên tiếp bằng gậy cao su, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trước sự chứng kiến của nhiều bạn trong trường. H. bị chẩn đoán chấn động não và tổn thương nặng nề về tâm lý. Sau khi về nhà, em cảm thấy quá xấu hổ vì nhiều người nhìn thấy mình quỳ gối. Khi thấy clip mình bị đánh được phát tán lên mạng, em đã uất ức treo cổ tự tử.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), bắt nạt trên mạng là hình thức bắt nạt bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, game... khiến đối tượng mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, bắt nạt trực tuyến xảy ra song song với bắt nạt trực diện. Nhiều tình huống có thể dẫn đến xô xát hoặc nạn nhân tự kết liễu mạng sống của mình. Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh, thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe doạ trên mạng.

Các chuyên gia bàn giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh: T. Vân

Các chuyên gia bàn giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh: T. Vân

Thêm những lá chắn bảo vệ

Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu phấn đấu 100% các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.

Thời gian qua, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề nóng nhận được sự quan tâm của các cấp ngành từ trung ương đến địa phương. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành góp phần dựng nên các “lá chắn” để bảo vệ trẻ em khi tham gia vào Internet, cụ thể: Luật Trẻ em, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng đều có các quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em trên mạng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Chương trình hướng đến mục tiêu tổng quát bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em và ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, Chương trình cũng xác định mục tiêu song song là hình thành và phổ cập Hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.

Chương trình có tính liên ngành cao. Bên cạnh cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông, chương trình cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan như Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Công an.

Dạy trẻ cách kiểm soát nội dung trên mạng xã hội

Bố mẹ cần xây dựng ý thức sử dụng và tự bảo vệ bản thân an toàn trên môi trường mạng cho trẻ, chia sẻ với con về những nguy cơ xấu có thể gặp phải khi tìm kiếm thông tin trên mạng. Chính cha mẹ cũng nên biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình trên môi trường trực tuyến như sử dụng mật khẩu mạnh, bảo mật hai lớp cho tài khoản… và hướng dẫn cho con.

Việc quy định thời gian sử dụng máy tính hoặc điện thoại của con là rất cần thiết. Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu những gì con chia sẻ, like, comment trên mạng xã hội chính là con người thứ hai của con. Vì vậy, khi đang giận dữ, thất vọng hoặc bị kích động thì con không nên chia sẻ lên mạng, thay vào đó hãy chia sẻ với gia đình, bạn bè hoặc người xung quanh để được giúp đỡ.

Empty

Với Facebook, cha mẹ có thể chỉ dẫn cho con cách kiểm soát những tin xuất hiện trên Bảng tin bằng cách click vào dấu ba chấm phía trên bên phải của bài đăng. Con có thể ẩn nó đi nếu không muốn thấy tin đó hoặc con có thể bỏ theo dõi hoặc tạm ẩn một ai đó mà con không muốn nhìn thấy bài đăng từ họ. Khi thấy bài đăng có nội dung bắt nạt/lạm dụng, con có thể phản hồi hoặc báo cáo bài đăng đó.

Sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội và chủ động của chính trẻ em chắc chắn sẽ thiết lập những lớp “lá chắn” vững vàng giúp trẻ được bảo vệ, tham gia vào không gian mạng một cách an toàn, lành mạnh.

Hồng Nga
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

2 năm trước

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ trước “cám dỗ” của thiết bị công nghệ.
Những dấu hiệu tổn thương tinh thần cần chú ý ở trẻ em, thanh thiếu niên trong đại dịch

Những dấu hiệu tổn thương tinh thần cần chú ý ở trẻ em, thanh thiếu niên trong đại dịch

2 năm trước

Sau gần 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, những dấu hiệu của tổn thương tinh thần ở trẻ em và thanh thiếu niên cần được chú ý, phát hiện.