THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 02:21

Lâm Đồng: Chú trọng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo

29/10/2020 | 08:33

Công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để chỉ đạo điều hành quản lý triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện. Hàng năm, Sở Nông nghiệp & PTNT có văn bản gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng và cả năm về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương có tham gia thực hiện Tiểu dự án 3 – Dự án 1, Tiểu dự án 2 – Dự án 2 và Dự án 3.
 



Tập huấn chương trình giảm nghèo cho cán bộ thôn, xã ở huyện Di Linh


Các sở, ban, ngành và địa phương đã phối hợp đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân gắn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các tiêu chí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với giải quyết việc làm, đảm bảo cho người nghèo có việc làm ổn định.

Đối với cấp tỉnh, hàng năm, Ban giám sát HĐND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn. Cấp huyện thành lập đoàn giám sát để giám sát tình hình thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội nói chung và Chương trình giảm nghèo bền vững nói riêng; cơ quan Thanh tra huyện thanh tra theo kế hoạch của ngành; UBMTTQ cấp huyện chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội của huyện để thực hiện việc kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình, chính sách trên địa bàn huyện. Đối với cấp xã, thành lập Ban giám sát cộng đồng cấp xã và sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư đối với các chính sách, các Chương trình dự án đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc.

Nhìn chung, các công trình, dự án thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đều được chủ đầu tư, các cấp, các ngành tham gia giám sát từ khâu lựa chọn, triển khai, bàn giao dự án cho đơn vị quản lý, sử dụng. Bên cạnh đó luôn có sự giám sát của người dân, Ban giám sát xã, giám sát cộng đồng của các xã nơi có dự án để kiểm tra, giám sát quá trình thi công, đảm bảo các công trình, dự án thi công đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng theo quy định.
 



Hỗ trợ bò cho hộ nghèo


Tổng nguồn lực huy động thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 108.091 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 105.081 triệu đồng; Ngân sách địa phương 480 triệu đồng; Nguồn đối ứng của dân 2.530 triệu đồng. Thực hiện Chương trình 30a, năm 2016 tỉnh đã triển khai các nội dung hỗ trợ cho 2.527 hộ nghèo về giống cây trồng, vật nuôi; Vật tư nông nghiệp, làm chuồng trại. Năm 2017 hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là 16.695 triệu đồng và 210 triệu đồng vắc xin lở mồm long móng. Năm 2018 hỗ trợ giống và ghép các loại cây trồng là 457 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, hỗ trợ mô hình vật nuôi các loại là 587.5 triệu đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 399,5 triệu đồng và dân đối ứng 188 triệu đồng, hỗ trợ mô hình bưởi da xanh và mô hình dâu tằm 345,5 triệu đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 100%...  Năm 2019 hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón các loại cây trồng và vật nuôi cho 760 hộ, kinh phí hỗ trợ 7.392,84 triệu đồng; Hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón các loại, cây trồng và vật nuôi cho 44 hộ, kinh phí hỗ trợ 394,16 triệu đồng. Năm 2020 với kinh phí 7.650 triệu đồng, đang triển khai thực hiện.

Thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 2 (Chương trình 135), tổng nguồn lực huy động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu và thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 là 45.157 triệu đồng, gồm: Ngân sách Trung ương 43.260 triệu đồng; Ngân sách địa phương 75 triệu đồng; Dân đối ứng 1.822 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2019, tỉnh đã triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế gồm: Hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón các loại cây trồng và vật nuôi cho 828 hộ, kinh phí hỗ trợ 6.139 triệu đồng; Nhân rộng mô hình giảm nghèo: Hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón các loại, cây trồng và vật nuôi cho 277 hộ, kinh phí hỗ trợ 2.011,4 triệu đồng (bao gồm Dự án nhân rộng mô hình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng). Năm 2020, kinh phí 3.870 triệu đồng đang  triển khai thực hiện.

Dự án 3 Tổng nguồn vốn thực hiện hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 – 2020 là 11.047 triệu đồng, gồm các nội dung hỗ trợ: Giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, máy móc, thiết bị các loại; nhân rộng mô hình và vắc xin.
 



Hỗ trợ phân bón cho hộ nghèo


Theo đánh giá của tỉnh Lâm Đồng, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một chính sách của Đảng và Nhà nước mang tính xã hội hoá cao giúp cho người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2016 đến nay, công tác triển khai thực hiện chương trình luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp kịp thời của các ngành cùng sự đồng tình của người dân.

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất được sử dụng đúng mục đích hỗ trợ, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Các hợp phần dự án của chương trình đều được thực hiện từ cơ sở đảm bảo công khai và được sự đồng thuận của nhân dân. Việc lựa chọn danh mục hỗ trợ đảm bảo sự bàn bạc, thảo luận, thống nhất và đề xuất theo nhu cầu thực tế phù hợp với đặc thù của địa phương. Công tác giao kế hoạch hàng năm của tỉnh, huyện được thực hiện đúng tiến độ, việc triển khai của các xã đã đảm bảo tính thời vụ đáp ứng yêu cầu mùa vụ trong sản xuất.

Cũng thông qua thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, các hộ dân tham gia hưởng ứng tích cực và phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó có thể nhân rộng mô hình, dự án và tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm cho người dân trên địa bàn xã và vùng lân cận có điều kiện tiếp xúc với kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hoá, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để hướng tới thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên các chính sách vẫn đang tập trung giải quyết từng vấn đề cụ thể, nguồn vốn thực hiện dàn trải; các cơ chế để thực hiện chính sách chưa đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình triển khai cụ thể tại địa phương. Do vậy, tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ thống nhất các chính sách hỗ trợ hiện nay thành 01 chính sách chung về phát triển kinh tế, xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, trong đó cần tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng làm nền tảng để người dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ổn định an ninh trật tự xã hội.

Đồng thời cần có chính sách đặc thù, đồng bộ đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, có thu hồi, luân chuyển do cộng đồng tự quản lý và tổ chức thực hiện phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương nhằm phát huy nội lực của mỗi người dân, hộ gia đình, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Minh Nhật/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.