THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 07:52

Lặng thầm gieo chữ nơi vùng cao Sốp Cộp

17/12/2022 | 07:30
Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ nên dù phải công tác xa gia đình, cô giáo Lò Thị Thỏa - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở (PTDTBT TH-THCS) Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La vẫn cùng những thầy cô giáo cắm bản, bám lớp, bám trường, tận tình dạy chữ cho các em nhỏ.
Cô giáo Lò Thị Thỏa tận tình rèn chữ cho học sinh.

Cô giáo Lò Thị Thỏa tận tình rèn chữ cho học sinh.

Cô giáo như mẹ hiền

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, cô Lò Thị Thỏa đã đăng ký thi và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sơn La. Ra trường, cô tình nguyện về công tác tại Trường Tiểu học Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Năm 2019, cô giáo Thỏa được chuyển về Trường PTDTBT TH-THCS Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp giảng dạy. Những ngày mới về Trường nhận nhiệm vụ, cô Thỏa gặp không ít khó khăn bởi kinh nghiệm chưa nhiều, bên cạnh đó là cơ sở vật chất của trường còn rất thiếu thốn. Nhưng bằng lòng yêu trẻ, nhiệt huyết với nghề, cô Thỏa đã vượt lên tất cả để góp phần ươm mầm cho lớp măng non nơi vùng cao.

Cô giáo Lò Thị Thỏa chia sẻ, rất nhiều các em nhỏ vùng cao phải đi bộ xa mới đến được trường. Vì bố mẹ các em mải đi làm nương rẫy không có điều kiện đưa con đến học, nên có những em phải nghỉ học. Là giáo viên chủ nhiệm, cô đã cùng các đồng nghiệp đi vận động, thuyết phục bố mẹ các em cho con đến trường. Ðường xá đi lại rất khó khăn, đường đất quanh co, sỏi đá gồ ghề, nhiều con dốc cao, tan học buổi chiều là cô giáo Thỏa lại lặn lội đến nhà các trò, đợi gặp phụ huynh rồi động viên chở học sinh về đến điểm trường cũng phải đến 20h tối. Các em còn nhỏ phải đi học xa nhà, ở bán trú tại điểm trường, nên ngoài những buổi học chính khóa, cô Thỏa ở lại cùng học trò, hướng dẫn các em học thêm vào cuối buổi.

Tại điểm trường Hin Cáp nơi cô dạy đa số là học sinh người dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp và dạy học cũng gặp không ít khó khăn. Rất nhiều em chưa thông thạo tiếng phổ thông, nhiều lúc cô Thỏa phải nhờ các anh chị lớp trên phiên dịch, để động viên các em, hướng dẫn từ cách ăn ở, sinh hoạt, giặt giũ; cách ứng xử chào hỏi lễ phép ra sao. Ngoài giờ học, cô luôn động viên, dẫn dắt các học sinh tham gia các trò chơi để các em hòa đồng và từ đó dạy các em nói tiếng phổ thông để học tốt hơn. Không chỉ là cô giáo, cô còn như mẹ hiền, luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các học trò nên các em học sinh càng yêu quý cô giáo chủ nhiệm của mình.

Trong giờ ăn tại lớp.

Trong giờ ăn tại lớp.

Để mỗi giờ lên lớp thật sự thú vị với học sinh

Trường PTDTBT TH-THCS Nà Khoang, xã Mường Và ở địa bàn xã vùng III đặc biệt khó khăn huyện Sốp Cộp. Vì địa bàn rộng nên Trường có 9 điểm trường lẻ ở các bản, đồng nghĩa với việc luôn có 38 giáo viên cắm bản. Ðiểm trường Hin Cáp chỉ cách trung tâm xã gần 6km, nhưng để tới điểm trường có khi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Dù vất vả, nhưng cô giáo Thỏa luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một giáo viên nói chung, giáo viên bậc Tiểu học nói riêng. Trong công việc, cô không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cô Thỏa đã sưu tầm các video, các trò chơi khởi động để dẫn dắt trò vào bài giảng, tạo hứng thú cho các em khi vào tiết học. “Khi áp dụng các sáng kiến hay, tôi thấy học sinh đã không còn ngại đi học và sợ các tiết học nữa, ngược lại các em rất hứng thú học tập và chất lượng có sự chuyển biến rõ rệt” - cô Thỏa tâm sự. 

Em Lò Thị Mỹ Lệ, lớp 5A, Trường PTDTBT TH-THCS Nà Khoang kể, ở lớp con ai cũng yêu quý cô Thỏa, vì cô luôn dạy chúng con những bài học hay.

Cô giáo Lò Thị Duyên, giáo viên Trường PTDTBT TH-THCS Nà Khoang cho biết: cô Thỏa là một giáo viên năng động, tự tin và cũng là một người rất chu đáo trong cuộc sống hằng ngày. Cô Thỏa thường áp dụng những sáng kiến hay vào bài giảng. Ðối với học sinh, cô luôn tận tình, quan tâm chăm sóc các con rất chu đáo. Là đồng nghiệp, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều từ cô Thỏa.

Các em học sinh dân tộc thiểu số được rèn luyện sức khỏe.

Các em học sinh dân tộc thiểu số được rèn luyện sức khỏe.

Cô giáo Trần Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH-THCS Nà Khoang nhận định, cô giáo Lò Thị Thỏa là một trong những giáo viên có trách nhiệm, nhiệt tình với lớp, với công việc được giao. Cô cũng được nhà trường tin tưởng giao trọng trách tổ trưởng, phụ trách công tác chuyên môn của tổ khối. Nà Khoang là một điểm vùng sâu vùng xa nhưng cô rất nhiệt tình trong việc huy động học sinh ra lớp, cũng như đảm bảo chất lượng học sinh. Cô thường xuyên đi kiểm tra các điểm vùng cao, vận động học sinh xuống lớp. Nhà trường rất ghi nhận những việc làm và thành tích mà cô đã đạt được.

Dù công tác xa gia đình, nhưng cô giáo Lò Thị Thỏa đã cùng những cô giáo cắm bản ở vùng cao Sốp Cộp vẫn ngày đêm bám lớp, bám trường, tận tình dạy chữ cho các em nhỏ. Bởi cô biết, đằng sau những khó khăn ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em và món quà quý nhất đối với các cô giáo là học sinh của mình luôn chăm ngoan, học giỏi, vâng lời cha mẹ.

Thùy Dương – Cao Nguyên
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Bạo hành trẻ em là vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em

Bạo hành trẻ em là vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em

1 năm trước

Bạo hành trẻ em là vi phạm quyền con người, quyền trẻ em, tuy nhiên, điều này vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
50 thí sinh vào chung kết “Người mẫu nhí Việt Nam” và Giải thưởng “Ngôi sao nhí” năm 2022

50 thí sinh vào chung kết “Người mẫu nhí Việt Nam” và Giải thưởng “Ngôi sao nhí” năm 2022

1 năm trước

Cuộc thi "Người mẫu nhí Việt Nam - Model Kid Vietnam" và Giải thưởng "Ngôi sao nhí” năm 2022 dành cho các bạn nhỏ từ 3-15 tuổi, có năng khiếu, niềm đam mê nghệ thuật. Sự kiện nhằm mang...
Cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu thương con trẻ

Cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu thương con trẻ

1 năm trước

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo đó, tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là...
“Bố Sâu” Lê Xuân Đức chia sẻ cách chăm sóc, dạy bảo con không dùng đòn roi

“Bố Sâu” Lê Xuân Đức chia sẻ cách chăm sóc, dạy bảo con không dùng đòn roi

1 năm trước

Trong 5 tiêu chí ứng xử trong gia đình thì “cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu thương con cháu” là tiêu chí thứ 3. Theo đó, ông bà, cha mẹ cần quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi...