THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 04:36

Làng trẻ em SOS Đà Lạt (Lâm Đồng): Mái ấm thứ hai của trẻ mồ côi Lâm Đồng

23/10/2019 | 15:29

Làng trẻ em SOS Đà Lạt có 14 ngôi nhà, mỗi nhà mang tên một loài hoa: Phong Lan, Thủy Tiên, Đỗ Quyên, Pensée... Những ngôi nhà đặc biệt này sẽ nhận nuôi trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị bỏ rơi hoặc không biết bố mẹ mình là ai, bố mẹ tái hôn không có ai nuôi dưỡng. Khi được nhận vào làng, các em sẽ được nuôi ăn học đến hết bậc trung học phổ thông, sau đó chuyển sang chế độ bán tự lập, làng vẫn lo cho các em vào đại học, cao đẳng hoặc cho đi học nghề, cho đến khi các em có công ăn việc làm ổn định và có thể tự lập hoàn toàn.


Trong mỗi ngôi nhà đó chỉ có một bà mẹ “đơn thân” một mình chăm sóc cả một đàn con theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Dù không sinh ra, nhưng các mẹ lại có công dưỡng dục những em bé bị bỏ rơi hay mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mỗi mẹ một cách chăm con, nhưng tất thảy đều có chung sự cần mẫn, tận tâm, hy sinh hạnh phúc riêng tư của bản thân để lo lắng cho những đứa con không phải là ruột thịt của mình.

Bữa cơm chiều ấm cúng tại làng trẻ SOS Đà Lạt. Ảnh CTV.


Bà Nguyễn Thị Đào, bà Mẹ nhà số 7- Hoa Hướng Dương là một trong những người mẹ đó. Năm 1989, khi bà 31 tuổi và đang là Hiệu trưởng của một trường mẫu giáo, bà đã quyết định vào Làng Trẻ em SOS Đà Lạt để làm mẹ nuôi dưỡng những trẻ em không nơi nương tựa. “Trong số các con của tôi, có một trường hợp mà tôi phải dành nhiều thời gian, công sức và tình yêu thương hơn. Cháu đến với tôi khi vừa tròn một tuổi. Sau một thời gian nuôi dưỡng, tôi mới phát hiện cháu bị rối loạn hệ vận động bẩm sinh. Tôi trăn trở, lo lắng chuyển cháu vào Trung tâm trẻ khuyết tật. Tôi nghĩ rằng, khi một đứa trẻ đã đến với gia đình SOS thì dù bình thường hay khiếm khuyết, cháu đều cần được yêu thương và bảo vệ”.


Nuôi một đứa trẻ đã khó, nhưng mỗi bà Mẹ tại Làng Trẻ em SOS phải nuôi đến chục đứa trẻ. Đó lại đều là những đứa trẻ bị tổn thương về tinh thần, thiếu đi sự thương yêu của gia đình nên tính cách rất đặc biệt, cũng có thể là những đứa trẻ mắc những bệnh bẩm sinh, bị khuyết tật. Thật khó có thể đong đếm được hết những vất vả khi chăm sóc cho những đứa trẻ này. Nhưng tuyệt nhiên, không thấy một bà Mẹ nào kêu ca về những khó khăn, khổ nhọc mà mình đã phải trải qua. Nói về những tháng ngày tại Làng Trẻ em SOS, các Mẹ chỉ nói đến những đứa con, những niềm hạnh phúc khi chúng trưởng thành, thoát ly, có công việc và gia đình viên mãn.


Ông Trần Bảo Long, Giám đốc Làng cho biết, từ mái ấm này, với sự bảo bọc của mẹ, của làng, các em đã lần lượt lớn lên, trưởng thành, đến lúc ra đi tìm một chỗ đứng cho mình trong cuộc đời. Rất nhiều em nhờ siêng năng học hành đã thành công, trở thành người có địa vị trong xã hội nhưng cũng có những em ước mơ giản dị hơn với việc học nghề, tinh thông một nghề để tự lập mưu sinh. Và khi đến lúc các em muốn xây mái ấm cho mình, nếu không có người thân thì làng sẽ đứng ra dựng vợ, gả chồng cho các em. “Chỉ mong các em có công ăn việc làm ổn định, có thể tự lập và có một gia đình hạnh phúc” - ông Long hy vọng.



 

Châu Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.