THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 09:17

Lễ cầu mưa của người Jrai

09/01/2022 | 15:01
Vào những tháng tiết trời nắng hạn, người Jrai ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai thường tổ chức Lễ cầu mưa để cầu xin các vị thần linh cho mưa xuống. Nghi lễ này thể hiện sự tin tưởng mãnh liệt vào trời đất và mong muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào.
Phụ nữ Jrai với điệu xoang trong lễ hội cầu mưa.

Phụ nữ Jrai với điệu xoang trong lễ hội cầu mưa.

Những tháng đầu năm là giai đoạn thời tiết khô hạn, nắng nóng khắc nghiệt nhất tại các địa phương tỉnh Gia Lai. Do trùng với giai đoạn vụ mùa, nhu cầu dùng nước là rất lớn, mỗi giọt nước đều vô cùng quý giá với con người và vạn vật nơi đây. Trước đây, để giải quyết vấn đề này, cứ vào khoảng tháng 4 dương lịch, đồng bào dân tộc Jrai lại tiến hành lễ cầu mưa, cầu mong thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ðây là một trong những nghi lễ nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa tinh thần của dân tộc Jrai, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lễ vật trong lễ cầu mưa gồm 1 ghè rượu, sáp ong se thành từng cây nến, một tô gạo; thịt được cắt ra thành từng miếng bày sẵn.

Lễ vật trong lễ cầu mưa gồm 1 ghè rượu, sáp ong se thành từng cây nến, một tô gạo; thịt được cắt ra thành từng miếng bày sẵn.

Nghi lễ cầu mưa của người Jrai

Trong đời sống tâm linh của người Jrai, khi con người sinh ra thì vạn vật cũng xuất hiện. Lúc này, có một vị thần ban cho những hạt nước đến mang lại sự sống cho vạn vật đó là “Thần mưa” - vị thần mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc cho con người. Trong truyền thuyết của người Jrai cũng nhắc đến các vị Pơtao Apui (Vua Lửa) đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi vào mùa trồng tỉa hoặc đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán, mất mùa. Người Jrai tin rằng, những lời khấn cầu mưa chỉ thực sự linh nghiệm khi đó là ý nguyện chung của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng.

Trước khi diễn ra lễ chính, người dân cử hành 3 nghi lễ nhỏ bao gồm: Cúng xua đuổi tà ma, dịch gia cầm quanh làng; cúng bến nước tại sông A Yun; cúng làng.

Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân trong làng sẽ tụ hội tại nhà của thầy cúng và nơi tiến hành nghi lễ cầu mưa. Ðể chuẩn bị cho lễ hội cầu mưa, dân làng phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như một ghè rượu, nến, gạo, muối và thịt được bày trang trọng trên một phên tre.

Sau khi lễ vật và các thủ tục cần thiết đã hoàn tất và được bày trước nhà rông, thầy cúng với bộ đồng phục truyền thống, tay cầm gươm bước vào khu vực hành lễ và tiến hành nghi thức vẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe, cầu phúc. Sau đó, thầy cúng ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy gạo vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Ðá... cùng về dự lễ.

Tiếp sau đó, thầy cúng lấy thịt ném 3 lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt, thầy cầm cây gươm thần chỉ hướng từ Ðông sang Tây và luôn miệng cầu khấn: “Cầu mong Giàng cho mưa thuận, gió hòa, bà con trong làng đoàn kết cùng bảo nhau làm ăn. Con cháu trong làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Mọi người ai cũng được hưởng phúc của Giàng để sau này cùng sinh được con trai, con gái khỏe mạnh”.

Sau khi cầu sức khỏe cho mọi người trong làng, thầy thắp nến, cầm thanh gươm thần khấn lễ cầu mưa cùng với động tác vãi gạo, vảy rượu ra các cánh đồng lúa xung quanh và “Cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa màng, cầu cho con heo, con bò khỏe mạnh, cho lửa cháy trên bếp, cho con người không đau ốm”.

Khi lễ cầu mưa diễn ra, trong làng không ai bảo ai, mỗi nhà đều tự nguyện mang một ghè rượu ra để góp vào việc làng. Tại lễ cầu mưa ở nhà rông, thầy cúng dựng 4 cây tre cao hơn 1m cùng một đài đỡ được đan bằng tre, bên trên để một tàu lá chuối, trên đó thắp một cây nến, một miếng thịt vai, một đĩa gạo lẫn muối và 1 chén rượu. Khi nào nến tắt cũng là lúc xong lễ.

Sau lễ cầu mưa, ghè rượu được mở nắp, thanh niên là những người đầu tiên mở bình, nhấc cần khai tiệc rượu. Họ uống rượu trong niềm hân hoan và tất cả các bình họ đều tham gia uống, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức vị. Bên ngoài, tiếng cồng chiêng, tiếng trống được cất lên. Những phụ nữ sẽ bước vào với điệu xoang nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Sau lượt thanh niên trai trẻ là đến các cụ phụ lão. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành kính và sự thanh khiết.

Thầy cúng và cộng sự dâng lễ vật và khấn Giàng mong những điều tốt đẹp nhất đến với dân làng. Ảnh: Hoài Nam

Thầy cúng và cộng sự dâng lễ vật và khấn Giàng mong những điều tốt đẹp nhất đến với dân làng. Ảnh: Hoài Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ cầu mưa

Ngoài những giá trị về mặt tâm linh trong việc đẩy lùi hạn hán, giúp vụ mùa bội thu, lễ hội cầu mưa còn giúp người dân Jrai tăng sự đoàn kết, nhất trí khi đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của 54 dân tộc Việt Nam. Với những giá trị đặc sắc đó, lễ cầu mưa của người Jrai đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Ðây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai tại Gia Lai nói riêng và đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam nói chung.

Ngày nay, lễ hội cầu mưa không còn được phổ biến như trước, người Jrai đã thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động cho việc sản xuất. Cùng với công trình thủy lợi Ayun Hạ cung cấp nước tưới, người dân canh tác 2 vụ mà không phải lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Trong bối cảnh sự giao thoa giữa các nền văn hóa ngày càng mạnh mẽ, việc lưu giữ, phục dựng và phát huy những phong tục, tập quán, nét văn hoá độc đáo của người Jrai tại các xã, huyện tại tỉnh Gia Lai là hết sức cần thiết.

Xuân Quang
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Giúp trẻ tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng các nước phương Tây thông qua lễ hội Halloween

Giúp trẻ tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng các nước phương Tây thông qua lễ hội Halloween

2 năm trước

Lễ hội Halloween hay còn được gọi là lễ hội hóa trang được tổ chức vào đêm 31/10 hằng năm. Đây là một lễ hội truyền thống của nhiều nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Cho đến nay, Lễ hội...
Hội nghị thường niên “Liên minh Không rác Việt Nam 2021 & Lễ hội Trường học Không rác”

Hội nghị thường niên “Liên minh Không rác Việt Nam 2021 & Lễ hội Trường học Không rác”

2 năm trước

Chuỗi sự kiện “Hội nghị Thường niên Liên minh Không rác Việt Nam 2021 & Lễ hội Trường học Không rác” được tổ chức trong 2 ngày 18 và 19/12/2021 với sự tham gia đông đảo của các tổ...