THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 10:12

Lễ hội đền Hùng - Biểu tượng đại đoàn kết dân tộc

27/04/2018 | 16:39
                                                                                                 
Cổng chính đền Hùng trong ngày lễ hội.
 
Nơi khí thiêng sơn thủy tụ hội
 
Từ những ngày xuân đầu năm mới, đền Hùng đã nhộn nhịp người từ mọi miền đất nước, người xa xứ đến dâng viếng. Đất tổ trở thành điểm hẹn, nơi hội ngộ bồi hồi, xao xuyến. Đó là tình cảm, cốt cách con Lạc cháu Rồng bền vững qua thời gian. Mỗi người con đất Việt là những con chim Lạc vỗ cánh trăm ngả vẫn nhớ về với tổ tiên, giống nòi: “Hằng năm ăn đâu, làm đâu/Cũng biết cúi đầu trước ngày Giỗ Tổ” (thơ Nguyễn Khoa Điềm). 
 
Đền Hùng là tên gọi chung cho cả khu di tích đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đền là nơi thờ các vua Hùng Vương có công dựng và giữ nước. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đền Hùng được xây dựng dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng, đến thời Hậu Lê thì được xây dựng hoàn chỉnh như quy mô hiện tại. 
 
Quần thể di tích lịch sử đền Hùng gồm có 4 đền chính: đền Hạ và chùa, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng. Từ cổng di tích bước vào, sau khi vượt qua những bậc đá để lên thăm và thắp hương tại các đền thờ, điểm đến đầu tiên mà du khách ghé thăm là đền Hạ và kết thúc ở đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, nơi có lăng mộ vua Hùng Vương thứ 6.
 
Núi Hùng trông xa giống như đầu của một con rồng lớn hướng về Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ, phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà, tạo ra một vùng nước lớn mênh mông, từ đó có những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên trầu về Nghĩa Lĩnh. Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía Nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại. 
 
Sát núi Hùng còn có những quả đồi như cặp phượng thư (Tiên Kiên), hổ phục (Khang Phụ - Chu Hóa). Cảnh thế ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy tụ hội. Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh, ta có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp của sơn thủy hữu tình. Tương truyền, vua Hùng đã đi khắp mọi miền, về đây chọn làm đất đóng đô.
 
Cũng tương truyền rằng, nơi đây, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai - nguồn gốc của cộng đồng người Việt, nghĩa “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Khi các con khôn lớn, cha Lạc Long Quân mang theo 50 người con về vùng biển quai đê lấn biển, mở mang bờ cõi. Mẹ Âu Cơ mang theo 49 người con ngược lên vùng núi, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải, xây dựng cuộc sống. Người con trưởng ở lại làm Vua, cha truyền con nối 18 đời đều gọi là Hùng. 
 
Lễ hội đền Hùng là lễ hội có nhiều “tính” nhất trong rất nhiều lễ hội trên khắp cả nước. Đó cũng là lễ hội mà tận trong sâu thẳm mỗi con người Việt Nam đều ao ước được một lần về đây bày tỏ lòng thành kính với các Vua Hùng. Cũng như các lễ hội khác, yếu tố tâm linh bao giờ cũng là yếu tố căn bản để trở thành tín ngưỡng. Và chỉ có thể là tín ngưỡng của tâm linh nên lễ hội mới được sự quan tâm rộng rãi của mọi người. 
Lễ hội đền Hùng là một lễ hội mang đậm tính tâm linh. Truyền thuyết kể lại rằng, Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ và đẻ ra “một trăm quả trứng, sau đó nở ra một trăm người con”. Do vậy, cách nói “trăm họ” có lẽ có nguồn gốc từ truyền thuyết này. Một trong số một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã ở lại vùng núi Phong Châu lập nên kinh đô Phong Châu của nhà nước Văn Lang cổ xưa, trải qua 18 đời Vua Hùng, nhà nước Văn Lang được ghi nhận là nhà nước đầu tiên của nhà nước Việt Nam ngày nay. Truyền thuyết đã tạo thành lịch sử và trong tâm khảm của người dân nước Việt thì việc xây dựng quần thể đền Hùng chính là sự thể hiện thiêng liêng thành kính của việc thờ cúng tổ tiên. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không nặng về giá trị vật thể mà chứa đựng yếu tố tâm linh nên bám rễ trong quần chúng nhân dân.
 

Lễ dâng bánh trưng bánh dày. 
 
Giá trị nhân văn “uống nước nhớ nguồn” 
 
Đã là người Việt, ai ai cũng thuộc nằm lòng câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”. Từ lâu, Lễ hội đền Hùng không chỉ là ngày hội của cả dân tộc, mà đã vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới quốc gia. Người Việt Nam dù học tập, công tác hay định cư ở nước ngoài đều nhớ tới ngày giỗ Tổ. Nét tiêu biểu của Lễ hội đền Hùng là hễ đến ngày mồng mười tháng Ba thì nhất nhất mọi người Việt đều hướng về Quốc Tổ. Người thì cất công hành hương về nơi đất Tổ; người không có điều kiện thì ngước mắt trông về mà ngưỡng vọng tổ tiên. Ý nghĩa lớn lao ấy chỉ riêng có ở Việt Nam: Một đất nước, một dân tộc có chung một ngày “Quốc Giỗ”. Một đất nước có chung một tâm nguyện. Điều đó đã làm nên tính cố kết cộng đồng một cách tự nguyện và lâu bền. 
 
Tính văn hóa trong Lễ hội đền Hùng nói lên tầm thời đại của lễ hội đã xuyên qua thời gian, xuyên qua không gian để trường tồn. Nét văn hóa trong Lễ hội đền Hùng gắn liền với giá trị vật thể, đó là các di tích chính như: Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh mà theo truyền thuyết xưa là nơi các Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ thờ thần Lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh; Đền Trung - nơi các Vua Hùng dừng chân ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Tại đền Hạ còn có giếng Ngọc, nơi tương truyền công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái Vua Hùng thứ 18) thường tới soi gương vấn tóc. Nét văn hóa trong Lễ hội đền Hùng còn lưu truyền trong các giá trị văn hóa khác như: Các dòng đại tự tại các cổng đền như “Nam Việt triệu tổ”; cột đá thề lưu truyền lời thề nguyện bảo vệ non sông đất nước, tương truyền do Thục Phán dựng lên sau khi được Vua Hùng truyền ngôi, hoặc các câu đối khắc ghi trong đền...  cùng những câu hát dân gian truyền từ đời này qua đời khác. Trong thực hành các nghi thức, chẳng hạn như Lễ rước kiệu, sắc màu rực rỡ cờ hoa, trang phục của người tham gia nghi thức là trang phục truyền thống, tạo nên không khí “cổ xưa”. Đặc biệt, việc phát hiện được trống đồng Hy Cương ở ngay chân núi Nghĩa Lĩnh có niên đại trùng với trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa) là một minh chứng khẳng định tính lịch sử của huyền thoại các Vua Hùng có mối liên quan, và khẳng định những giá trị văn hóa hàng ngàn năm của vùng đất Tổ.
 
Nhắc tới Lễ hội đền Hùng không thể không nhắc tới tính giáo dục của lễ hội. Điều này được ghi nhận sâu sắc qua lời nói của Bác Hồ khi Người dừng chân ở đền Hùng và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 trước khi Đại đoàn tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội (năm 1954): “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
 
Xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Lễ hội đền Hùng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa quần chúng sâu rộng và độc đáo. Lễ hội đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành đạo lý, một thuộc tính nổi bật làm nên giá trị đạo đức - văn hóa của người Việt. 
 
                                                                                                                                                

 

Lam Hồng/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...