THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 04:48

LGBT+ và nỗi lo bạo lực học đường

23/06/2022 | 05:10
Mặc dù là học sinh giỏi trong một lớp chuyên của trường, nhưng T. thường xuyên phải đi học sớm nhất và về muộn nhất trường để tránh “đụng chạm” với các bạn. Bản thân em từng cảm thấy vô cùng tồi tệ, không muốn đi học vì sợ bị bạn bè bạo hành khi mình là một LGBT+ (học sinh đồng tính, song tính, chuyển giới).
Những trẻ LGBT+ thường bị bắt nạt tại trường học.

Những trẻ LGBT+ thường bị bắt nạt tại trường học.

Kỳ thị, phân biệt đối xử với học sinh LGBT+

Tại Tọa đàm báo chí và Tổng kết lớp viết LGBTIQ+ do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức mới đây, T. không giấu nổi xúc động khi nhớ lại kí ức bị bạo hành thời học sinh của mình. Ngay từ lớp 1, T. đã ý thức mình là nữ, em thích mặc đồ con gái nhưng mẹ không cho. Ðến lớp, T. thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, lôi ra một góc đấm đá và chửi rủa em là đồ bê đê, biến thái… Mách cô, T. không những không được hỗ trợ mà còn bị đổ lỗi. “Em cảm giác mình không được tôn trọng. Cô giáo bảo em trai không ra trai, gái không ra gái rồi viết lên bảng lấy ví dụ linh tinh, em cảm thấy mình bị xúc phạm cực kì”, T. tâm sự.

Theo nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến về bạo lực học đường liên quan đến khuynh hướng tính dục, bản dạng và thể hiện giới (SOGIE) với 3.698 người gồm học sinh nhà trường, học sinh LGBT, các thầy cô giáo và phụ huynh tham gia cung cấp thông tin định lượng và 365 người tham gia cung cấp thông tin định tính cho thấy: học sinh LGBT+ có nguy cơ bị bạo lực tới 71%, cao hơn đáng kể so với các bạn cùng trang lứa. Một học sinh đồng tính nam ở miền Trung chia sẻ, em bị nhốt trong một căn phòng và bị đánh sau khi tiết lộ em đồng tính. Vì bạn bè coi những người như em làm cho trường học không trong sạch.

Không chỉ bị bạo lực từ bạn bè, học sinh LGBT+ còn phải chịu áp lực từ cha mẹ, thầy cô. Một học sinh chuyển giới từ nam sang nữ ở miền Nam chia sẻ: Giáo viên coi chuyện đó (đồng tính, chuyển giới…) là cái gì ghê tởm; Thầy giáo nói em là “biến thái” trước cả lớp…

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với học sinh LGBT+ trong các trường học đã để lại di chứng không nhỏ lên tâm hồn và thể chất. Theo nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCHIP), có tới 80% học sinh LGBT+ bị bạo lực ngay trong lớp học nhưng không được giải quyết. Ðây là nguyên nhân khiến 47,2% học sinh trở nên chán học, không muốn đến trường; 50% cho rằng môi trường học tập không an toàn cho LGBT+, 54% căng thẳng tinh thần, sa sút học tập và 34,9% có ý định tự tử.

Cách đây vài năm, một nữ sinh viên đại học đã để lại thư tuyệt mệnh kể về tình yêu với người bạn gái rất thân thiết của mình. Ngay khi lời tỏ tình được trao đi thì cô bạn của em đã đem chuyện này lan truyền cho cả trường cùng biết. Thời gian sau đó là địa ngục đối với em, khi mỗi ngày đến trường phải chống chọi với những lời châm chọc, nhục mạ, bỡn cợt xung quanh. Trong nỗi tuyệt vọng và chỉ có một mình, em đã bị một nhóm nam sinh xâm hại tình dục ngay sau khuôn viên trường với lời giải thích: "Ðể các anh giúp em trở thành đàn bà chính hiệu!".

Những dòng sau cùng của em trong bức thư đó "Tôi bẩn rồi. Và tôi không muốn tiếp tục có mặt trên cuộc đời này. Cầu chúc các bạn là người LGBT+ sẽ có cuộc sống may mắn hơn tôi"... bức thư để lại nhiều day dứt và ám ảnh.

Hội thảo quốc tế Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.

Hội thảo quốc tế Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.

Nâng cao hiểu biết của gia đình, giáo viên và học sinh về bản dạng giới

Liên hợp quốc và Việt Nam gần đây đã nhấn mạnh rằng, bắt nạt do hội chứng ghét sợ đồng tính và chuyển giới (homophobia và transphobia) trong nhà trường là vi phạm quyền được giáo dục và những quyền khác của trẻ em. Việt Nam đã cam kết tham gia vào các hành động mạnh mẽ khắp toàn cầu và ở châu Á - Thái Bình Dương chống nạn bắt nạt và bạo lực do chứng ghét sợ đồng tính và chuyển giới liên quan đến nhà trường.

Rất nhiều trường học tại Việt Nam không hề nhận ra có hiện tượng bạo hành liên quan đến khuynh hướng tính dục và bản dạng giới/ thể hiện giới trong trường học. Họ chỉ nghĩ là bạo hành hay bắt nạt trong trường chỉ là đánh bạn, đánh nhau, tát bạn, băng nhóm của các em. Họ không nghĩ các em LGBT+ bị bạo hành hay bắt nạt vì khuynh hướng tính dục, bản dạng giới hay thể hiện giới của các em.

Chị Kim Dung (Quản lý Dự án Thúc đẩy dịch vụ y tế cho người chuyển giới SCDI) cho biết, đã từng tập huấn cho các thầy, cô giáo và nhận thấy nhiều khi chỉ là sự vô tình chưa tiếp cận đến thông tin liên quan tới người đồng tính, song tính và chuyển giới một cách đầy đủ, đúng đắn nên giáo viên đã có những lời nói hay hành vi vô tình làm tổn thương học sinh hay phụ huynh, chứ không cố ý.

Nghiên cứu cho thấy, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới có mặt trong 3-5% dân số ở tất cả các quốc gia. Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức loại bỏ đồng tính, song tính và chuyển giới ra khỏi danh mục các bệnh, bởi sự hiện diện của cộng đồng này nên được coi là một phần tự nhiên của xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Việt Nam mới có nhiều thông tin chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa vào các khóa tập huấn cho các thầy, cô giáo nói riêng và các cán bộ ở các lĩnh vực khác nói chung.

Ðể giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường đối với học sinh LGBT+, theo chị Kim Dung, ngày 17/12/2019, Bộ GD&ÐT đã có quyết định số 4834/QÐ-BGDÐT về việc phê duyệt Bộ tài liệu hướng dẫn về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong chương trình giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông 2018. Năm 2022, Bộ GD&ÐT có kế hoạch thí điểm tại một số trường. Ðiều này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh về xu hướng tính dục và bản dạng giới.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường cần phải tính đến cả các biện pháp can thiệp có tính giáo dục (đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhân viên, rà soát lại các chương trình giảng dạy, sách giáo khoa…) và những hành động hỗ trợ đặc thù và thiết thực (như cho phép sự linh hoạt trong quy định mặc đồng phục và xây phòng vệ sinh không phân biệt giới tính) trong các nỗ lực tổng thể và trực tiếp nhằm tạo nên môi trường an toàn và thân thiện cho học sinh LGBT+. Ngoài nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức và lối sống cho các em, nhà trường cần đưa chương trình giáo dục giới tính LGBT+ lồng ghép vào các giờ giảng dạy về giới tính, có thể hạn chế mức độ sợ hãi về chứng đồng tính mà họ đang phải hứng chịu; Thành lập câu lạc bộ dành cho người LGBT+ và bạn bè ủng hộ để chia sẻ tâm tư tình cảm, tránh áp lực, những đau đớn, dẫn đến bế tắc gây nên hậu quả không mong muốn. Ban giám hiệu nhà trường cùng các cô giáo gần gũi với các học sinh LGBT+ để hỗ trợ các em một cách thiết thực, giúp cho các em có một chỗ dựa vững chắc với trạng thái tâm lý thoải mái và tin tưởng nhất.

Khi học sinh lĩnh hội được kiến thức liên quan tới người LGBT+ thì các em sẽ sống hòa đồng hơn, không còn kỳ thị và phân biệt đối xử. Một môi trường học tập lành mạnh không chỉ giúp ích cho học sinh LGBT+ phát triển tâm lý mà còn giúp cho các học sinh khác thấy thoải mái khi tiếp xúc với các bạn LGBT+.

Đông Viên
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Trong 2 ngày liên tiếp 2 trẻ nhỏ bị bỏ rơi ở tỉnh Bắc Giang

Trong 2 ngày liên tiếp 2 trẻ nhỏ bị bỏ rơi ở tỉnh Bắc Giang

1 năm trước

Ngày 19/6, Chính quyền xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết đơn vị này đã phát đi thông báo tìm kiếm thân nhân của 2 trẻ nhỏ bị bỏ rơi được người dân sinh sống trên...
Bé trai 10 tháng tuổi ở Nghệ An bị cắt tinh hoàn do nhập viện muộn

Bé trai 10 tháng tuổi ở Nghệ An bị cắt tinh hoàn do nhập viện muộn

1 năm trước

Sáng 20/6, thông tin từ khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đơn vị vừa mổ cấp cứu cắt tinh hoàn bị xoắn hoại tử cho bệnh nhi 10 tháng tuổi.
Viết về trẻ em: Tuy khó nhưng thú vị!

Viết về trẻ em: Tuy khó nhưng thú vị!

1 năm trước

Viết về trẻ em, tôn trọng sự thật thôi chưa đủ, bởi sự thật đôi khi có thể khiến trẻ bị tổn thương. Ngoài việc phải am hiểu tâm lý trẻ em, nắm vững các điều luật liên quan đến...