THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 08:06

Lớp trẻ tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc Pà Thẻn

10/03/2022 | 07:01
Đồng bào Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang từ bao đời nay vẫn duy trì nghi lễ nhảy lửa như một nét văn hóa thiêng liêng huyền bí. Lễ hội nhảy lửa không chỉ là ngày vui của bản làng với ý nghĩa gắn kết cộng đồng, mà còn là nơi dạy cho lớp trẻ biết bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống.
Vẻ đẹp huyền bí của Lễ nhảy lửa.

Vẻ đẹp huyền bí của Lễ nhảy lửa.

Sự huyền bí trong nghi lễ nhảy lửa

Lễ hội nhảy lửa (còn gọi là Lễ cầu lửa) là một nghi lễ mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Pà Thẻn. Người Pà Thẻn quan niệm, trong đời sống của mình luôn có các vị thần che chở, nhờ đó người dân sẽ có được sức mạnh để đương đầu với mọi khó khăn, xua đuổi những rủi ro và mang đến nhiều may mắn. Họ cho rằng, ngọn lửa tượng trưng cho sự sống, sự ấm no, hạnh phúc và không thể thiếu trong đời sống của con người. Với ý nghĩa đó, Lễ nhảy lửa là một cách để bà con dân bản tạ ơn thần lửa, mời thần về chung niềm vui qua một năm khỏe mạnh, ấm no, mùa màng tươi tốt. Ðặc biệt, với các chàng trai - là những người được thần linh chọn - việc tham dự lễ nhảy lửa còn thể hiện sức mạnh và ý chí của người Pà Thẻn trong việc chinh phục mọi khó khăn thử thách thông qua sự kết nối với thần linh và sự trợ giúp từ thiên nhiên huyền bí.

Vào khoảng 5 giờ chiều, bà con đã chuẩn bị lễ vật để cúng thần linh, gồm: bát hương, chiếc đàn gõ, chiếc vòng lắc, thủ lợn và 5 chén rượu cùng với gạo, tiền và chút tiền âm. Khi trời tối, thầy mo làm lễ khấn gọi các thần, các chàng trai được chọn sẽ ngồi đợi được làm phép "nhập ma". Nghi lễ nhảy lửa chỉ dành cho nam giới - những người có thể đại diện cho sức mạnh, ý chí và bản lĩnh của người Pà Thẻn. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, các đạo cụ rung lên tạo ra những chuỗi âm thanh kỳ lạ, khi thì ngân lên như tiếng gọi tha thiết, khi thì dồn dập như tiếng ngựa phi... Trong niềm tin của bà con, thời khắc này thầy mo đang xuất hồn vượt qua núi thẳm, rừng sâu để thỉnh thần lửa về. Các thần và ma của người Pà Thẻn sẽ tiếp sức mạnh, sự khéo léo và lòng dũng cảm cho các chàng trai được thần lựa chọn.

Lúc này, đống củi lớn dựng ở giữa sân đang rừng rực cháy. Ngọn lửa bốc lên cao ngút giống như một vị thần lửa khổng lồ đang nhảy múa. Gương mặt thầy mo cũng theo nhịp của cây đàn gõ và chiếc vòng lắc mà rung lên bần bật. Các chàng trai ngồi bên thầy bắt đầu có dấu hiệu nhập đồng. Ðôi chân họ rung lên, toàn thân lắc mạnh, đầu gật lắc liên hồi. Và rồi, những người đã được “nhập hồn” như được tiếp nhận một sức mạnh siêu nhiên, họ bật người nhảy chồm lên như một con mãnh hổ. Ánh mắt rực sáng hướng về phía đống lửa.

Em Phù Minh Trí (Trường Mầm non điểm trường thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang) thành viên nhỏ nhất trong đội nhảy lửa.

Em Phù Minh Trí (Trường Mầm non điểm trường thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang) thành viên nhỏ nhất trong đội nhảy lửa.

Các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia Lễ hội nhảy lửa. Ðôi chân họ đi trên lửa, nhảy trên lửa, đôi tay họ giống như những rễ cây rừng khỏe khoắn xới tung đống lửa, sục vào đống lửa và tung lên tạo ra những chùm hoa lửa như sao băng tung đầy mặt đất. Màn trời tối đen bỗng hiển lộ gương mặt họ, ánh mắt họ rực sáng cùng than lửa. Ðó là những khoảnh khắc kỳ lạ mang vẻ đẹp và sức mạnh, là sự kết nối bí ẩn luôn hiện hữu giữa thần linh và con người – nơi khởi tạo cũng là nơi tiếp nối sự sống.

Có một điều kỳ lạ đầy kinh ngạc là ngay khi kết thúc Lễ hội nhảy lửa, được chạm tận tay, nhìn tận mắt, ai cũng thấy đôi chân và cánh tay trần của các chàng trai không hề bị bỏng.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2013. Hằng năm, từ ngày 16/10 Âm lịch tới hết 15/1 Âm lịch năm sau, các thầy cúng trong bản sẽ mở hội Lễ nhảy lửa để chiêu mộ và truyền nghề cho các học trò. Các nghệ nhân nhảy lửa là "những người được chọn ở bất kể độ tuổi nào, nhưng nhảy lửa sung nhất là ở độ tuổi từ 7 đến trên dưới 30 tuổi). Các cháu thiếu nhi từ nhỏ đã nhảy lửa chính là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Pà Thẻn một cách tự nhiên và bền chặt nhất.

Trẻ em được truyền dạy nghề từ nhỏ

Bên cạnh việc bảo tồn Lễ hội nhảy lửa, đồng bào Pà Thẻn còn giữ được nghề truyền thống. Công việc thêu, dệt, đan lát… chủ yếu được giao cho phụ nữ, đồng thời với việc truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Hằng ngày, các em nhỏ đã quen với hình ảnh bà, mẹ, chị gái thêu thùa, dệt vải hoặc bên khung cửi ngay dưới hiên nhà. Các em gái từ bé đã biết giúp những việc nhỏ quanh con quay, sợi chỉ. Cũng như vậy, các bé trai thường quanh quẩn bên ông, bên bố với những việc chuốt nan tre đan rổ, rá, gùi và những dụng cụ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong nhà. Các em nhỏ được dạy nghề trong gia đình mình từ nhỏ theo cách vừa học, vừa chơi, vừa giúp việc sai vặt, từ đó hình thành thói quen biết làm nghề, biết gắn bó với những công việc phục vụ đời sống của chính mình. Bởi vậy, việc giữ gìn nghề truyền thống, trang phục truyền thống thông qua đó là việc giữ gìn, phát huy nét đặc trưng riêng của tộc người mình với đồng bào Pà Thẻn cũng tự nhiên như bảo tồn sự sống.  

Trong cuộc sống hiện đại, việc sử dụng các công cụ tiện ích ít nhiều cũng thay thế dần các sản phẩm mang nét văn hóa đặc trưng truyền thống của các tộc người. Song cội rễ văn hóa riêng của từng dân tộc vẫn được duy trì theo cách riêng của họ. Với đồng bào Pà Thẻn, các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đặc biệt là các nghệ nhân nhảy lửa được chọn, được trao truyền từ nhỏ là minh chứng rõ rệt nhất.

Bảo Chân
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Phát động cuộc thi ảnh “Một thoáng nông thôn mới Hà Nội”

Phát động cuộc thi ảnh “Một thoáng nông thôn mới Hà Nội”

2 năm trước

Ngày 8/3, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam và Câu lạc bộ Nhiếp ảnh và cuộc sống (Tạp chí Khoa...
Làm gì khi con là F0?

Làm gì khi con là F0?

2 năm trước

Mỗi ngày, có hàng chục ngàn ca mắc Covid-19 trong cả nước. Nếu bỗng dưng đứa con thân yêu của bạn là F0, bạn sẽ làm gì để cùng con chiến thắng Covid-19?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt, chúc mừng Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt, chúc mừng Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam

2 năm trước

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới các thành viên Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất,...