THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 03:18

Lừa “Con bị tai nạn” để chiếm đoạt tài sản và trách nhiệm của các bên liên quan

30/03/2023 | 06:46
Tình trạng mạo danh giáo viên thông báo “con gặp tai nạn cần mổ gấp” đã lan ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 20 phụ huynh mắc lừa và chuyển cho cho các đối tượng lừa đảo hơn 1 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới những vụ việc đáng tiếc này và trách nhiệm của các bên liên quan thế nào?
Đã có gần 20 phụ huynh trên cả nước mắc lừa và chuyển cho cho các đối tượng lừa đảo.

Đã có gần 20 phụ huynh trên cả nước mắc lừa và chuyển cho cho các đối tượng lừa đảo.

Thiếu sự kết nối giữa gia đình và nhà trường

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đây không phải lần đầu tiên các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên nhà trường gọi điện lừa đảo phụ huynh để chiếm đoạt tiền. Trước đó, vào cuối năm 2022 đã xuất hiện một số đối tượng giả danh là nhân viên phòng tài vụ của một số trường học trên địa bàn TP.HCM gửi tin nhắn yêu cầu phụ huynh học sinh đóng tiền đầu năm học cho nhà trường bằng cách chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân do chúng yêu cầu. Nhiều phụ huynh mất cảnh giác đã nhanh chóng làm theo yêu cầu trên. Ngay sau khi lấy tiền, các đối tượng lừa đảo đã khóa số điện thoại và phụ huynh không thể liên lạc được.

Thực tế, những vụ việc lừa đảo vừa qua đã cho thấy việc quản lý thông tin cá nhân còn nhiều sơ hở. Đặc biệt là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn nhiều hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân chính để các đối tượng tội phạm lợi dụng.

Về phía các cơ sở giáo dục, mặc dù các nhà trường có cung cấp các số điện thoại để phụ huynh liên hệ khi cần, nhưng do thiếu người trực nên khi phụ huynh gọi đến hỏi thông tin về con em mình thì thường không liên hệ được, gọi cho giáo viên chủ nhiệm hoặc thầy cô bộ môn thì các thầy cô không nghe điện thoại khi giảng bài. Ngoài ra, còn sự thiếu thống nhất giữa gia đình và nhà trường trong việc xác định ai sẽ là người thông báo cho phụ huynh thông tin liên quan đến học sinh trong trường hợp khẩn cấp, nên khi có đối tượng mạo danh giáo viên, các phụ huynh thường lúng túng không phân biệt được thật - giả và bị các đối tượng xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Về phía phụ huynh, mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị sập bẫy và nộp cho đối tượng lừa đảo khoản tiền không nhỏ. Đa phần những trường hợp bị lừa thường do thiếu thông tin, hạn chế tiếp cận các tin tức trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Do đó, bên cạnh việc giáo dục các con cách bảo vệ bản thân, mỗi phụ huynh cũng phải tự cập nhật thông tin, trang bị kỹ năng cho chính mình, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Kẻ xấu dễ dàng mua SIM rác để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo. Ảnh minh họa

Kẻ xấu dễ dàng mua SIM rác để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo. Ảnh minh họa

Những kẽ hở từ việc mua bán SIM điện thoại và tài khoản ngân hàng

Cũng từ sự việc trên, vấn đề quản lý, sử dụng SIM điện thoại trả trước hay còn gọi là SIM rác lại được nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các nhà mạng khi đối tượng xấu sử dụng nhiều SIM trả trước thực hiện các cuộc gọi lừa đảo mà không sợ bị truy tìm ra nguồn gốc. Điều này bắt nguồn từ việc nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phát hành SIM hàng loạt, sau đó đưa về các đại lý kích hoạt vô tội vạ, rồi tung ra thị trường nhưng lại thiếu sự giám sát mặc dù đã có luật.

Nghị định 49/2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định, ngoài chứng minh nhân dân, người dùng di động còn phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu SIM điện thoại hợp pháp. Tuy nhiên, tại các điểm bán tạp hoá, quán nước… người mua có thể thoải mái lựa chọn các đầu số thuê bao trả trước của các nhà mạng mà không bị người bán yêu cầu xuất trình bất kỳ một loại giấy tờ thủ tục nào khác ngoài tiền. Cùng với đó, tình trạng người dân, nhất là sinh viên bị dụ dỗ bán, cho thuê số tài khoản vẫn lén lút diễn ra, góp phần không nhỏ để các đối tượng xấu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Việc mua bán tài khoản ngân hàng hoặc giao quyền sử dụng tài khoản cho các đối tượng không rõ nhân thân lai lịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm và gián tiếp vi phạm pháp luật. Lợi dụng các tài khoản này, những đối tượng xấu có thể thực hiện một số hành vi như rửa tiền, sử dụng công nghệ để chiếm đoạt tài sản… mà những vụ việc vừa qua là một ví dụ điển hình.

Sau khi mắc bẫy chuyển hàng chục triệu cho các đối tượng lừa đảo, chị L.T.M. ở Hà Nội cho biết, khi thông báo con tôi đang cấp cứu ở bệnh viện, “thầy giáo” có yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản lạ để nộp viện phí. Lúc đầu, tôi cũng có chút băn khoăn, nhưng nhìn thấy tên chủ tài khoản tại một ngân hàng có uy tín trong nước thì tôi lại yên tâm vì cho rằng nếu có gì xảy ra, mình đã có bằng chứng giao dịch và có thể đến trực tiếp ngân hàng đó để đòi lại. “Tuy nhiên, khi biết mình bị lừa, tôi có làm đơn trình báo thì được biết đây là tài khoản mượn danh. Ngay sau khi tiền chuyển vào tài khoản này, sẽ tiếp tục được chuyển qua các kênh trung gian như ví điện tử để mua bán tiền ảo hoặc chuyển sang một tài khoản giả khác ở nước ngoài nên việc truy tìm, thu hồi số tiền trên là rất khó khăn” - chị L.T.M bức xúc.

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn nhiều hạn chế là nguyên nhân chính để các đối tượng tội phạm lợi dụng. Ảnh minh họa

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn nhiều hạn chế là nguyên nhân chính để các đối tượng tội phạm lợi dụng. Ảnh minh họa

Làm gì để ngăn chặn các vụ việc lừa đảo?

Nhằm ngăn chặn, hạn chế những vụ việc tương tự, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT phối hợp với công an, các đơn vị, địa phương phổ biến sâu rộng cho phụ huynh và học sinh, sinh viên về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Đồng thời, khẩn trương rà soát công tác bảo mật thông tin của học sinh, sinh viên tại các nhà trường và cơ sở giáo dục; kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có), không để các đối tượng xấu chiếm đoạt nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự.

Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn, giúp đỡ.

Các bệnh viện, cơ sở y tế cũng cần có các hình thức tuyên truyền cụ thể về quy trình cấp cứu theo quy định của pháp luật và y đức của bác sĩ, để người dân yên tâm trong trường hợp có người nhà cấp cứu nhưng không có thân nhân ở bên cạnh. Theo đó, tất cả các trường hợp cấp cứu được ưu tiên cứu chữa kịp thời, không đòi hỏi phải có BHYT hay phải làm thủ tục, đóng viện phí trước rồi mới được cấp cứu.

Xuân Quang
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Bé trai một tuần tuổi bị bỏ rơi bên đường ở Yên Bái

Bé trai một tuần tuổi bị bỏ rơi bên đường ở Yên Bái

1 năm trước

Cơ quan chức năng xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đang thông báo tìm cha, mẹ đẻ cho một bé trai bị bỏ rơi trên địa bàn.
Xử nghiêm kẻ bạo hành, ép trẻ hít ma túy

Xử nghiêm kẻ bạo hành, ép trẻ hít ma túy

1 năm trước

Công an TP HCM đang khẩn trương làm rõ clip có dấu hiệu bạo hành, ép trẻ em hút ma túy đá gây phẫn nộ trong dư luận
Thông tin mới nhất về vụ bé trai bị bạo hành, ép sử dụng chất nghi ma túy

Thông tin mới nhất về vụ bé trai bị bạo hành, ép sử dụng chất nghi ma túy

1 năm trước

Chiều 27/3, Công an TP.HCM đã thông tin về vụ việc clip bé trai nghi bị bạo hành, ép sử dụng chất nghi ma túy, gây xôn xao dư luận.
Đắk Nông: Rủ nhau tắm ao, 2 trẻ em đuối nước thương tâm

Đắk Nông: Rủ nhau tắm ao, 2 trẻ em đuối nước thương tâm

1 năm trước

Lãnh đạo UBND xã Nâm N'Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông xác nhận trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm làm 2 trẻ em tử vong.