THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 09:39

Lưu ý chăm sóc vết thương đúng cách sau phẫu thuật

08/07/2022 | 14:20
Sau phẫu thuật, vết thương nếu không được chăm sóc đúng cách có thể bị nhiễm trùng, hoại tử, sẹo xấu, thậm chí là dẫn đến những biến chứng khó lường.

Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) tiếp nhận điều trị trường hợp người bệnh T.Đ.T. (35 tuổi, ngụ tại Bến Tre). Chị T. đến khám trong tình trạng vết thương hậu phẫu đang có dấu hiệu chảy dịch mủ, sưng tấy, đau sốt. Chị T. vừa phẫu nâng mũi cách đó 3 tuần. Tại phòng khám Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, bác sĩ chẩn đoán chị T. bị nhiễm trùng vết mổ. Chị T. được nhập viện điều trị, loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương và sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm theo phác đồ điều trị. Nhờ điều trị kịp thời và đúng cách, sau 2 tuần vết thương đã lành.

Những điều cần biết về quá trình lành thương sau phẫu thuật, phẫu thuật thẩm mỹ

BS CKII. Vũ Hữu Thịnh - Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ BV ĐHYD TP.HCM cho biết, quá trình liền thương gồm có 4 giai đoạn: Cầm máu - Viêm, phù nề - Tăng sinh - Tái tạo. Trong 4 giai đoạn của quá trình lành thương, giai đoạn viêm, phù nề đóng vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Đây là cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể, giúp dọn dẹp và làm sạch vết thương. Giai đoạn này thường diễn ra trong ngày đầu đến ngày thứ 3. Từ ngày thứ 4 trở đi sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn và song song với quá trình tăng sinh và tái tạo. Phù nề, tăng tiết dịch là những triệu chứng phổ biến.

BS CKII. Vũ Hữu Thịnh tư vấn chăm sóc vết thương.

BS CKII. Vũ Hữu Thịnh tư vấn chăm sóc vết thương.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lành thương, được chia thành 2 nhóm: trực tiếp và gián tiếp. Các yếu tố trực tiếp thường xuất phát từ chính vết thương, chẳng hạn vết thương không sạch, có dị vật, bị nhiễm trùng, dập nát, hoại tử, rìa cắt vết thương nham nhở, tụ dịch, vết khâu bị căng. Quá trình vận động, bất động không đúng cách hay chăm sóc vết thương sai cũng có thể dẫn đến tình trạng khó lành thương sau phẫu thuật, phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong khi đó, các yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình lành thương thường xuất phát từ các bệnh lý đi kèm. Đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não,... là những căn bệnh phổ biến dẫn đến tình trạng chậm lành, thậm chí là không lành vết thương sau phẫu thuật. Những người bệnh có yếu tố suy giảm miễn dịch (nhiễm trùng, nhiễm độc) hay mắc HIV, ung thư, lao, mất cân bằng dinh dưỡng (suy dinh dưỡng, béo phì) cũng khiến quá trình lành thương diễn ra không thuận lợi.

Những vết thương hậu phẫu có thể diễn tiến xấu nếu không được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Trước tiên, vết thương có thể gây sưng tấy, nóng sốt, tăng tiết dịch, nặng hơn có thể nhiễm trùng tại vết thương và lan rộng gây nhiễm trùng toàn thân, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, ung thư, thậm chí là tử vong. Một số vết thương có thể không tác động nhiều đến sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sinh hoạt cá nhân, đời sống gia đình và xã hội.

Lưu ý khi chăm sóc vết thương, tránh phù nề, sưng tấy sau phẫu thuật

Theo BS CKII. Vũ Hữu Thịnh, cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để giảm tình trạng phù nề trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ tiến hành cố định khu vực mổ bằng dụng cụ y khoa như băng dán, băng thun, nẹp, áo định hình,...

Người bệnh cũng được khuyến khích tập các bài vật lý trị liệu, vận động chủ động sớm. Đối với những vết thương ở vùng tay hoặc vùng chân, người bệnh sẽ được hướng dẫn  kê tư thế thích hợp để giảm trọng lực lên cơ thể. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng viêm, thuốc chống phù nề để người bệnh sử dụng song song.

Thuốc kháng viêm dạng men là một sản phẩm được sử dụng phổ biến để thúc đẩy quá trình tan máu bầm nhằm cải thiện các vết thương hậu phẫu nhanh hơn. Tuy nhiên, ngoài công dụng giảm nhẹ các tổn thương, làm giảm các yếu tố gây viêm, kết dính tiểu cầu, dược phẩm này có thể làm giảm tái tạo tại mô, tái cấu trúc mô cũng như ức chế miễn dịch của cơ thể, thậm chí là hội chứng cushing. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng viêm kết hợp với thuốc chống phù nề cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp những vết thương hậu phẫu khó lành hoặc không có dấu hiệu lành lại, người bệnh cần phải xác định nguyên nhân. Bằng cách xử lý triệt để những yếu tố ảnh hưởng, tốc độ lành thương mới có thể được cải thiện.

Ngoài ra, để quá trình hồi phục được hiệu quả cũng như đảm bảo kết quả cuối cùng, người bệnh cũng cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể, chỉ thay băng khi cần thiết, đảm bảo vô trùng. Đồng thời áp dụng các phương pháp để giảm phù nề và thường xuyên vận động cơ thể với những bài tập vừa sức.

Bên cạnh đó, chú ý đến chế độ dinh dưỡng cũng là điều cần thiết. Tăng cường bổ sung đủ chất dinh dưỡng từ bữa ăn, hạn chế các loại thực phẩm gây dị ứng, các chất kích thích. Đặc biệt lưu ý, khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, cần trao đổi và nhờ sự tư vấn từ bác sĩ phụ trách.

Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về việc chăm sóc vết thương sau khi phẫu thuật, phẫu thuật thẩm mỹ, BV ĐHYD TPHCM thực hiện chương trình tư vấn Hỏi để khỏe hơn với chủ đề: “Lành thương sau phẫu thuật, phẫu thuật thẩm mỹ” trên fanpage và youtube Bệnh viện.

Can Khương
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Bộ Y tế chỉ 9 yếu tố nguy cơ sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em

Bộ Y tế chỉ 9 yếu tố nguy cơ sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em

1 năm trước

Theo Bộ Y tế việc chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em nhằm loại trừ biến chứng nặng ảnh hưởng tính mạng; hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm COVID-19...
Chung tay cải thiện các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới

Chung tay cải thiện các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới

1 năm trước

Sau 5 năm thực hiện Chương trình chung Gói dịch vụ thiết yếu (DVTY) hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam, gần 6.500 lượt cán bộ quản lý nhà nước, người...