THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 06:33

Mẹ kể con nghe – Chuyện chùa Việt

26/05/2022 | 16:18
Vì sao người tu cạo tóc? Ý nghĩa lễ lạy như thế nào? Vào chùa nên mặc gì, ý nghĩa trang phục của người tu? Vì sao mọi người đi chùa ngày Tết và hành hương mùa Xuân? Các ngày lễ ở chùa là gì? Đức Phật Tổ là ai? Đức Phật có thương gia đình, có hiếu với cha mẹ không? Các bức tượng trong chùa là ai? Tại sao lại có lễ giải oan?...
bo 10 cuon

Hàng loạt câu hỏi của bé Nồ trong 10 tập Mẹ kể con nghe – Chuyện chùa Việt, hẳn cũng là những câu mà nhiều người, kể cả người lớn, muốn hỏi khi đi lễ chùa. Thông qua câu chuyện bé Nồ cùng gia đình đi lễ chùa, vào chùa gặp Sư trụ trì và chú tiểu Tâm Tĩnh, bộ Mẹ kể con nghe – Chuyện chùa Việt lần lượt hé mở những kiến thức cơ bản về đạo Phật. Là truyện tranh, có lối viết và vẽ gần gũi với thiếu nhi, nhưng bộ 10 tập Mẹ kể con nghe – Chuyện chùa Việt lại được tác giả khuyên đọc, với cả những người đã trưởng thành.

Ở tập 1, Vào chùa lễ Phật, bé Nồ bỡ ngỡ với những khái niệm lạ lẫm như chú tiểu mà lại là con gái, cách xưng hô trong nhà chùa, ý nghĩa của việc lễ lạ, và ý nghĩa của tình thương, kể cả với sinh vật nhỏ bé như con kiến bò dưới mặt đất…

“Sao bạn ấy là con gái mà mẹ lại gọi là chú, còn xưng con với chú ấy nữa?

- À, người mới vào chùa tu được gọi là chú tiểu, dù là con trai hay con gái. Mẹ xưng con là vì mẹ tôn kính người đi tu đệ tử của Phật, họ làm được điều mà mình không làm được. Ví dụ như con đâu có chịu cạo tóc như chú ấy có phải không?”.

Ở tập 2, Trang phục đi chùa, bé Nồ ngạc nhiên với việc chú tiểu chỉ cần có 3 bộ quần áo để dùng, mỗi bộ quần áo lại có một ý nghĩa riêng.

“Quần áo ở chùa chỉ có 2 màu chính: màu nâu và màu lam. Thầy mình kể, Phật dạy, đạo Phật đi đến nước nào thì hãy hòa nhập với văn hóa nước đó. Áo nâu là màu quần áo của người nông dân Việt Nam chân lấm tay bùn, là màu của đất mẹ bao dung và rộng lớn. Màu lam là màu khói tỏa trên những mái nhà quên, cũng là màu vách núi đá vững chãi nữa. Mặc quần áo chùa, mình hòa vào thiên nhiên đơn sơ mà thanh bình”.

Cũng trong tập Trang phục đi chùa, bé Nồ được kể cho nghe sự tích về Đức Phật, từ lức ngài còn là một Thái tử “bỏ cả lâu đài, bỏ cả quần áo đẹp và đồ trang sức” để đi tu…

le lay 1

Ở tập 3, Nâng bát cơm đầy, bé Nồ được tìm hiểu về việc ăn chay, về “giá trị sinh mạng”, để biết rằng “mọi loài đều có quyền được sống, được thương yêu và hạnh phúc”.

“Dưới con mắt tuệ giác của Đức Phật, Ngài còn thấy rằng chúng ta đã từng sinh ra và chết đi nhiều lần. Bà con thân thuộc, chồng vợ, cha mẹ và con cái chúng ta cũng thế. Và có khi ta sinh ra làm người, nhưng cũng có khi ta sinh ra làm các loài vật…”.

Cũng từ trong sự tích về Đức Phật, Nồ được biết về việc khất thực, cũng như hiểu tại sao có những người tu vẫn ăn mặn.

Ở tập 4, Mừng xuân Di Lặc, bé Nồ được giảng giải về ý nghĩa của việc đi lễ chùa đầu năm, ý nghĩa của việc góp tiền công đức, mừng tuổi, phát lộc, tục phóng sinh…

“Công đức là hành động tốt ở cửa Phật, tiền đặt vào đấy dùng để chăm sóc cho nơi thờ Phật, kinh sách và việc tu học – tức là Pháp, và đời sống của người tu – tức là Tăng. Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi quý giá gọi là Tam Bảo. Phước điền là mahr ruộc nơi mọi người gieo trồng phước đức.

- Vậy là bỏ vào đó càng nhiều, công đức càng lớn ạ?

- Không phải! Phước đức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sự thành tâm của con.”

Ở tập 5, Mười phương Chư Phật, Chư Phật một phương, bé Nồ được tìm hiểu về tên gọi, xuất xứ của một số bức tượng trong chùa, và bé cũng biết được rằng, không phải tất cả các chùa ở Việt Nam đều giống nhau.

“- Nhưng mà nhiều Phật, nhiều Bồ Tát thế thì biết cầu nguyện với ai đây? Mỗi chùa thờ khác nhau thì cầu nguyện Phật khác nhau á?

- Không phải thế. Chư Phật và Bồ Tát có mặt ở mười phương. Và chỉ cần cầu nguyện với một vị thì tất cả các vị đều nghe thấy. Vì ngay trong tâm mình cũng có đủ mười phương Chư Phật.”

Ở tập 6, Lễ cả năm không bằng tháng giêng, bé Nồ được tiếp cận với các khái niệm như “hồi hướng”, “đại lễ cầu quốc thái dân an”, “đại thí thực”, “bố thí”…

“- Bố mẹ tớ thường đi hiến máu nhân đạo, đó có phải là bố thí không?

- Đúng đó, bố thí nghĩa là mang cái gì mình có cho kẻ khác vì tình thương, lòng từ bi. Có người cho cả một phần của thân thể, như là hiến máu.

- Vậy người bố thí thật là tốt nhỉ?

- Đúng rồi, người hay bố thí sẽ dần dần rũ bỏ sự tham lam, ích kỉ, và chết đi sẽ không bao giờ thành quỷ đói.”

Ở tập 7, Bồ Tát ở đâu, bé Nồ được nghe sự tích về Bồ Tát, hiểu tại sao lúc thì gọi là Quán Thế Âm, lúc lại gọi là Quan Âm, Bồ Tát Quan Âm…

“Tương truyền Bồ Tát là một cô gái đã có chồng nhưng bị nghi oan là muốn giết chồng, nàng phải cải trang thành nam để đi tu. Nhưng ở chùa lại bị cô con gái phú ông trêu ghẹo rồi vu oan là ăn ở với cô làm cô có thai.

- Mình nhớ rồi, bà có kể chuyện cho mình nghe. Thị Kính chịu hàm oan nuôi con cho Thị Mầu, mãi đến khi chết người ta mới biết bà là nữ…

Người có tâm tha thứ rộng lượng như vậy nên được thờ là Bồ Tát. Hiện có tượng thờ Quan Âm Thị Kính ở chùa Dâu, Bắc Ninh.”

Ở tập 8, Đấng Cha Lành, Đức Khiêm Từ, Nồ được cùng chú Tiểu chuẩn bị cho ngày Phật Đản – ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch hàng năm. Một lần nữa, Nồ được hiểu thêm về Đức Phật khi nghe thêm sự tích về Ngài, giải tỏa các thắc mắc về việc Đức Phật có yêu thương bố mẹ vợ con không, có giữ lời hứa sẽ trở về quê hương giúp đỡ người thân và đồng bào không…

“Sư phụ kể có một người gánh phân nhìn thấy Đức Phật đi qua thì tránh xa một bên, ông nói: “Con là người ô uế, không dám lại gần Ngài”. Đức Phật nói: “Ta cho con xuất gia trong tăng đoàn của ta, con có muốn không?”, bởi theo Đức Phật, ô uế hay không là do những suy nghĩ, lời nói và hành động không thiện; chứ không phải do chủng tộc, giai cấp hay công việc thấp kém.”

Ở tập 9, Tâm hiếu là Tâm Phật, Hạnh hiếu là Hạnh Phật, Nồ được tìm hiểu về việc tụng kinh, cùng ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, gắn với sự tích Tôn Giả Mục Kều Liên cứu độ cho mẹ bị đoạn vào địa ngục.

“Sao hoa hồng ở đây có tới ba màu, đỏ, trắng, vàng?

- Màu đỏ hoặc có khi màu hồng dành cho người nào bố, mẹ còn sống, màu trắng dành cho người nào bố, mẹ đã qua đời. Còn màu vàng dành cho Quý Sư, để tưởng nhớ đến Đức Bổn Sư Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã sinh ra mình trong đạo.”

Ở tập 10, Giải oan bạt độ, bé Nồ được chứng kiến lễ cầu siêu các thai nhi sản nạn ở nhà chùa. Dù khó chấp nhận, nhưng bé Nồ cũng phải nghe sự thật về những người mẹ bỏ con từ trong bụng, đặc biệt là câu chuyện của các bé gái còn mặc đồng phục phải đến nhà hộ sinh để bỏ con.

“Thai nhi khi bị giết thì khổ não như thế nào?

- Đức Phật dạy được sinh ra làm thân người rất khó, ví như con rùa mù dưới biển sâu cứ một trăm năm mới thò đầu lên mặt nước một lần. Trên mặt biển có một khúc cây có một cái lỗ. Được làm người cũng khó như là cơ hội của con rùa mù đút được đầu vào cái lỗ của khúc cây ấy. Thai nhi bị giết là bị tước đoạt cơ hội làm người hiếm hoi, mà kẻ giết nó lại chính là cha mẹ nó, làm nó vô cùng thống khổ và thù hận, nên cứ quanh quẩn bên cha mẹ mà rất khó tái sinh”.

“Trong quá trình vẽ minh họa bộ Chuyện Chùa Việt, tôi may mắn được tác giả viết lời chính là người được học và tu hành nơi cửa Phật hướng dẫn, nên họa sĩ cũng được hiểu sâu hơn những chất liệu mình cần thực hiện về đạo Phật một cách nghiêm túc. Từ những câu chuyện về cuộc đời của đức Phật, Bồ tát, Di lặc, Tôn giả… đến những bộ tượng như Tam Thế, Tây phương tam thánh, Hoa nghiêm tam thánh… đặt thế nào là đúng trên ban tam bảo. Chất liệu thể hiện cho bộ truyện cũng được tác giả và họa sĩ trao đổi nghiên cứu công phu từ kết hợp kiến trúc chùa Bắc bộ, Nam bộ đến trang phục, vật dụng Bắc tông hay Nam tông. Sự tích của những ngày lễ Rằm tháng riêng, Vu lan, Mừng xuân Di lặc, Tắm phật… cũng phải chuẩn từ nghi thức, sắc phục, đồ vật của từng vùng miền để truyền tải đến các em nhỏ những thông điệp chân thực và sinh động nhất” (Họa sĩ Nguyễn Hữu Tiệp)

Vân Nhi
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Kịp thời ngăn người mẹ dắt theo con trai 9 tuổi có ý định nhảy cầu tự tử ở Thanh Hóa

Kịp thời ngăn người mẹ dắt theo con trai 9 tuổi có ý định nhảy cầu tự tử ở Thanh Hóa

1 năm trước

Ngày 25/5, thông tin từ UBND xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, các đoàn thể và Công an xã Tế Nông đã nắm bắt tình hình, tích cực động viên, ổn định tâm lý để chị...
Tân sinh viên Việt Nam nhận học bổng, sẵn sàng học tập thành công tại Australia

Tân sinh viên Việt Nam nhận học bổng, sẵn sàng học tập thành công tại Australia

1 năm trước

Đại sứ quán Australia tại Việt Nam vừa tổ chức Lễ chúc mừng 55 tân học viên thạc sĩ, nhận học bổng Chính phủ Australia sẽ sớm bắt đầu chương trình học tại các trường đại học...
Ngày hội tham vấn học đường tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Ngày hội tham vấn học đường tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

1 năm trước

Ngày 24/5/2022, tổ chức GNI kết hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ ra mắt và giới thiệu Phòng tham vấn học đường tại Trường THCS Vĩnh Hưng. Đây là một trong những...
Trao sổ tiết kiệm cho 42 trẻ mồ côi mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh

Trao sổ tiết kiệm cho 42 trẻ mồ côi mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh

1 năm trước

Vừa qua, Công đoàn cơ sở Agribank Sài Gòn phối hợp với Sở Lao động - Thương bình và Xã hội TP. Hồ Chí Minh trao sổ tiết kiệm cho 42 trẻ em mồ côi cha, mẹ do đại dịch COVID-19.