THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 11:14

Một số bệnh thường gặp khi đi bơi

20/06/2022 | 06:49
Bơi lội là sở thích của nhiều người, đặc biệt là trẻ em trong mùa hè nắng nóng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hiểu biết thì có thể bị một số bệnh về mắt, da liễu, hô hấp... khi đi bơi.
Bơi lội là sở thích của nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Bơi lội là sở thích của nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc): Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh thường gặp phổ biến khi bơi lội, nhất là khi bể bơi quá tải, tình trạng xử lý nước bể bơi không đạt vệ sinh. Biểu hiện của bệnh là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, ngứa, chảy nước mắt... Nguyên nhân gây là do nhiễm khuẩn trong nước bể bơi hoặc là lây chéo từ những người đã mắc sẵn các bệnh lý về mắt trước đó. Nhiều bể bơi lạm dụng hóa chất còn làm cho người bơi dễ mắc chứng khác về mắt như: khô mắt, đỏ mắt. Để phòng tránh các bệnh về mắt, khi đi bơi nên đeo kính bơi chất lượng tốt. Khi bơi xong phải vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý.

Bệnh ngoài da: Khô da, viêm da, viêm nang lông, nấm da... là bệnh về da thường gặp khi đi bơi do các hóa chất và vi sinh vật trong nước bể bơi. Người đi bơi có thể bị khô da, đặc biệt đối với người viêm da cơ địa, do nước bể bơi chứa chlorine - một chất diệt khuẩn có khuynh hướng làm khô da. Thêm nữa, ngâm mình lâu trong nước sẽ hòa tan và rửa trôi các chất làm ẩm tự nhiên của da và hậu quả là lớp sừng của da bị mất độ ẩm, da khô, tróc vảy, ngứa. Đi bơi cũng có thể bị viêm nang lông vùng mặc bikini. Đây là dạng viêm nang lông sâu do vi khuẩn khi mặc quần bơi bó sát, ẩm ướt cả ngày. Biểu hiện là những nốt đỏ, cứng nằm dọc theo lằn mông dưới. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị nấm da hoặc nấm da chân. Các vi nấm gây bệnh có thể lây truyền gián tiếp qua hồ bơi, sàn hồ bơi và sàn nhà tắm. Ngoài ra, mặc đồ ẩm ướt kéo dài, vệ sinh kém cũng tạo điều kiện cho vi nấm phát triển.

 Có thể bị một số bệnh về mắt, da liễu, hô hấp khi đi bơi. Ảnh minh họa

Có thể bị một số bệnh về mắt, da liễu, hô hấp khi đi bơi. Ảnh minh họa

Viêm mũi, tai: Do bị nước lọt vào tai, nhất là nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây các bệnh viêm tai, mũi. Khi thấy tai, mũi có hiện tượng đau, ngứa, chảy nước, sốt nhẹ, phải ngừng bơi và đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị. Những người có tiền sử viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi dị ứng hạn chế đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh. Nếu từng bị viêm tai, hoặc đã từng phẫu thuật tai thì nguy cơ nước vào tai gây viêm nhiễm càng lớn. Khi thấy tai bị ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng đục, sờ vào thấy đau, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị kịp thời.

Tiêu chảy: Nước là môi trường lý tưởng để ký sinh trùng gây tiêu chảy có tên khoa học là Cryptosporidium sinh sống. Khi bị nhiễm thường không có triệu chứng, vì vậy chúng ta là những ổ chứa âm thầm truyền bệnh cho những cá thể khác. Một người bị tiêu chảy có thể dễ dàng gây nhiễm bẩn bể bơi. Để ngăn lây lan các mầm bệnh tại bể bơi, bạn cần tránh để nước ở bể bơi xâm nhập vào miệng. Tắm rửa sạch sẽ trước khi bơi, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Không nên đi bơi nếu bạn bị tiêu chảy, vì như thế dễ truyền bệnh cho người khác.

Bệnh phụ khoa: Do nước bể bơi có rất nhiều vi khuẩn nấm, vi trùng gây bệnh... nếu không vệ sinh sạch sẽ, các vi khuẩn nấm và vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây ra hiện tượng nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục. Bệnh này nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm: tiểu ra máu, tiểu buốt, rắt; nam giới viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, phụ nữ là viêm âm hộ, viêm cổ tử cung và viêm phần phụ.

Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một dạng bệnh tiêu biểu khác khi vào mùa bơi lội. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn di chuyển lên niệu đạo và đi qua nước tiểu vào bàng quang. Nguồn vi khuẩn có thể đến từ nước bể bơi, vì vậy không nên ngồi xung quanh bể bơi quá lâu trong bộ đồ tắm ẩm ướt. Triệu chứng bệnh là tiểu đau, đi tiểu nhiều hoặc có máu, đau vùng chậu hoặc trực tràng, tăng nhu cầu đi tiểu. Để phòng ngừa, hãy tắm và thay quần áo ướt càng sớm càng tốt; uống nhiều nước sạch sau khi lên khỏi bể bơi.

Hen: Thủ phạm gây ra bệnh hen chính là các chất hóa học được sử dụng rất nhiều nhằm giữ cho nước bể bơi trong hơn. Nếu thấy có hiện tượng ho nhiều và khó thở, nên tạm dừng hoặc hạn chế đi bơi tại các bể bơi công cộng.

Để an toàn khi đi bơi, mọi người cần trang bị đồ bảo vệ bản thân như quần áo bơi, kính bơi, kem chống nắng... Đặc biệt là phải biết cách vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi bơi: Tránh mang vi khuẩn vào bể bơi bằng cách đứng dưới vòi nước và dội sạch người trong vòng 1 phút trước khi xuống bể. Sau khi bơi, nên tắm lại bằng nước sạch rồi lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai, rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng các dung dịch vệ sinh có hoạt tính dịu nhẹ. 

HG
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Bé 9 tuổi ở Hà Tĩnh không may trượt chân rơi xuống sông Ngàn Sâu

Bé 9 tuổi ở Hà Tĩnh không may trượt chân rơi xuống sông Ngàn Sâu

1 năm trước

Người dân phát hiện và đã lao ra sông tìm, ứng cứu, nhưng do nước chảy xiết cuốn bé N. 9 tuổi mất tích.
TP. HCM: Thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

TP. HCM: Thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

1 năm trước

Chiều 19/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, thành phố đã có thêm 1 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong vì bệnh này từ đầu mùa đến...
Nắng nóng gay gắt: Cách bảo vệ sức khỏe cho trẻ khi nhiệt độ tăng cao

Nắng nóng gay gắt: Cách bảo vệ sức khỏe cho trẻ khi nhiệt độ tăng cao

1 năm trước

Những tuyệt chiêu sau sẽ giúp cha mẹ làm mát cơ thể ngày nắng nóng cho trẻ và bảo vệ sức khỏe mùa hè, giúp con khỏe mạnh và có một mùa hè thật ý nghĩa.