THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 10:21

Một số định hướng và giải pháp trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ

22/09/2020 | 15:31


Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi giới thiệu nội dung Chính sách, pháp luật đối với NKT và trẻ tự kỷ cho học viên tham dự Khóa đào tạo CTXH với trẻ tự kỷ.



Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo, trình Quốc hội bổ sung nội dung liên quan trong các Bộ luật và 16 Luật liên quan; Chính phủ ban hành 40 Nghị định, Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 26 Quyết định; Bộ LĐTBXH, các bộ đã ban hành 61 Thông tư, Thông tư liên tịch có liên quan về trợ giúp xã hội (TGXH) cho NKT. Trong đó có văn bản quan trọng như Luật NKT, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định về chính sách TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở TGXH. Đặc biệt, Thông tư 01/2019/TT-LĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện; trong đó đã quy định dạng tật và mức độ khuyết tật cụ thể: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác (gồm có rối loạn phổ tự kỷ).


Các văn bản trên đã quy định chi tiết về chính sách TGXH, chăm sóc sức khỏe; chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần đối với NKT nói chung, trong đó có trẻ tự kỷ. Văn bản ban hành bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định của Luật, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, quy trình, thủ tục ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với NKT. Đồng thời, tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của NKT nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp trẻ tự kỷ tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội ngày càng thuận lợi.


Cùng với đó, mạng lưới cơ sở TGXH được phát triển với 418 cơ sở (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 67 cơ sở chăm sóc NKT. Mạng lưới các cơ sở TGXH đã cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý; phục hồi chức năng, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; chăm sóc, nuôi dưỡng cho hàng triệu lượt đối tượng đáp ứng nhu cầu TGXH cho 15% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, đã xuất hiện các mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng (PHCN) cho trẻ tự kỷ có hiệu quả như: Trung tâm PHCN trẻ tàn tật Thụy An; Trung tâm công tác xã hội (CTXH) tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm PHCN và trợ giúp trẻ tàn tật.


Ngoài ra, Bộ LĐTBXH đã hỗ trợ thí điểm mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại các Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Đà Nẵng; Trung tâm PHCN và trợ giúp trẻ tàn tật; Bệnh viện chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng; Bệnh viện chỉnh hình và PHCN TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm điều dưỡng PHCN tâm thần Việt Trì. Chức năng của mô hình là cung cấp các hoạt động phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, phát huy vai trò của nhân viên CTXH trong việc phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí.


Tư vấn trị liệu cho trẻ tự kỷ.

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác TGXH cho NKT và trẻ tự kỷ còn gặp một số khó khăn nhất định như: Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với NKT nói chung, trẻ tự kỷ nói riêng; thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, cá biệt có nơi còn coi công tác NKT chỉ là những hoạt động phong trào, nhân đạo, từ thiện. Đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở TGXH và cộng đồng còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và PHCN cho trẻ tự kỉ. Đời sống NKT đa phần còn khó khăn, mức trợ cấp xã hội còn thấp. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức ngoài công lập. Các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt trợ giúp trẻ tự kỷ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn hạn chế; năng lực cung cấp dịch vụ CTXH và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, chưa dựa vào cộng đồng.


Trong giai đoạn tới, để thực hiện tốt công tác TGXH và PHCN cho NKT và trẻ tự kỷ, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện trạng cung cấp dịch vụ và nhu cầu của trẻ tự kỷ. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực chăm sóc, trợ giúp, phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ. Hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm CTXH nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, PHCN cho trẻ tự kỷ. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên chăm sóc, trợ giúp và PHCN cho trẻ tự kỷ tại các trung tâm hoặc cơ sở bảo trợ xã hội. Hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên chăm sóc, trợ giúp và PHCN cho trẻ tự kỷ tại các trung tâm hoặc cơ sở bảo trợ xã hội.


Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên CTXH về kỹ năng, phương pháp chăm sóc, trợ giúp và PHCN cho trẻ tự kỷ. Truyền thông, nâng cao nhận thức về chăm sóc, trợ giúp và PHCN cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng. Xây dựng, thử nghiệm và hoàn thiện mô hình phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ dựa vào cộng đồng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Quy hoạch, phát triển mạng lưới TGXH đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chăm sóc trẻ em tự kỷ, gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc NKT; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và PHCN cho NKT, người rối nhiễu tâm trí; Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp; Trung tâm CTXH.


Cùng với đó, Bộ LĐTBXH tiến hành rà soát, sắp xếp các cơ sở TGXH; tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở TGXH công lập. Khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở TGXH. Xây dựng, ban hành danh mục dịch vụ TGXH, khung giá dịch vụ TGXH. Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở TGXH, bảo đảm cho đối tượng tiếp cận sử dụng thuận lợi. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của các cơ sở TGXH đạt cơ cấu, định mức và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định. Đổi mới cơ chế và phương thức quản lý, vận hành các cơ sở TGXH theo phương châm phòng ngừa, trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình, cộng đồng là chính; trường hợp đưa đối tượng vào cơ sở TGXH để chăm sóc, nuôi dưỡng là giải pháp khẩn cấp trong giai đoạn nhất định.

Minh Quân/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.