Một số giải pháp giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em


Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng các tổ chức quốc tế tập huấn cho hướng dẫn viên dạy bơi an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Ở Việt Nam, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em. Ước tính mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước. Các trường hợp đuối nước tăng cao vào mùa hè, bắt đầu từ khi các em kết thúc năm học, dừng thời gian học tập ở trường, lớp, dành thời gian chủ yếu ở nhà và ở cộng đồng dân cư. Nhiều vụ việc có nhiều em bị đuối nước cùng lúc đã xảy ra.
Nguyên nhân hàng đầu của đuối nước trẻ em vẫn là môi trường sống không an toàn, gồm cả môi trường gia đình và cộng đồng. Nguy cơ đuối nước luôn tiềm ẩn ở những vùng, những vị trí nguồn nước, mặt nước, công trình không được cảnh báo, cảnh giới, không được rào chắn, những vật chứa nước không có nắp đậy….
Nguyên nhân thứ hai thuộc về sự giám sát, nhắc nhở của cha, mẹ, giáo viên, các thành viên trong gia đình. Nếu trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, không được giám sát mọi nơi, mọi lúc; nếu trẻ không thường xuyên được cảnh báo, nhắc nhở, hướng dẫn về các nguy cơ, cách phòng tránh đuối nước thì tai nạn đuối nước luôn có nguy cơ thể xảy ra.
Nguyên nhân thứ ba là kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước của mỗi trẻ em, gồm các kỹ năng an toàn trong nước, bơi an toàn, cứu đuối an toàn. Mỗi trẻ em đều phải được học bơi an toàn, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước như là được tiêm vaccine để phòng, chống dịch bệnh.
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em và đạt mục tiêu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2030, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1248/QĐ-TTg) đã đề ra các các nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành, đoàn thể; xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; các can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng ngừa tai nạn giao thông trẻ em, phòng ngừa ngã, cháy, bỏng, động vật cắn, phòng ngừa trẻ em tự tử; kiện toàn hệ thống sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng, giảm tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khoẻ cho trẻ em do tai nạn, thương tích; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, theo dõi, đánh giá thực hiện Chương trình…
Về phía ngành LĐ-TB&XH, theo ông Đặng Hoa Nam, các chỉ đạo, can thiệp về phòng, chống đuối nước trẻ em thì ngành LĐ-TB&XH vẫn phải giữ vai trò điều phối, đôn đốc thực hiện các giải pháp và thí điểm các mô hình, tập trung vào: Thứ nhất, là truyền thông, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng ngừa. Thứ hai, là dạy bơi an toàn và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tiến đến phổ cập bơi an toàn ở một số địa phương, địa bàn có nguy cơ đuối nước cao. Thứ ba, là thiết lập môi trường gia đình, cộng đồng, trường học an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho mọi trẻ em.
An toàn cho con khi tham gia các trại hè quốc tế
17 giờ trước
Bồi dưỡng kiến thức làm cha mẹ từ “Nhóm cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ”
1 năm trước
Quỹ Bảo trợ trẻ em Bình Dương trao hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
1 năm trước