THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 11:49

Múa rối trở lại thu hút khán giả nhí

16/03/2022 | 14:17
Sau thời gian dài ngắt quãng vì dịch Covid-19, từ Tết Nguyên đán đến nay, các sân khấu trên cả nước đang “hồi sinh” với hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, các vở múa rối nước với cách thể nghiệm mới, sinh động, độc đáo đã thu hút nhiều khán giả nhí.
Các em thích thú tìm hiểu khu trưng bày múa rối điện với di sản Cồng chiêng Tây Nguyên.

Các em thích thú tìm hiểu khu trưng bày múa rối điện với di sản Cồng chiêng Tây Nguyên.

Trẻ thích thú khi được tham gia mô hình trải nghiệm xiếc rối

Các em nhỏ TP.HCM đã vô cùng háo hức xem vở múa rối nước "Cá chép hóa rồng" và các trò rối cổ của Ðoàn Nghệ thuật Múa rối TP.HCM được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Trong vở diễn, các em được chiêm ngưỡng những màn biểu diễn kỹ xảo phối hợp giữa lửa và nước, hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, kết hợp với những mảng miếng dàn dựng độc đáo của nghệ thuật múa rối nước.

Vở kịch xiếc đặc sắc "Ba Tư huyền bí" của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt tại công viên Gia Ðịnh, TP.HCM. Khu vui chơi trải nghiệm nghệ thuật múa rối - xiếc tại công viên Gia Ðịnh mới được đưa vào hoạt động đã tạo thêm không gian giải trí bổ ích, mang đến những trải nghiệm về nghệ thuật múa rối, xiếc. Ngoài việc được xem nghệ sĩ biểu diễn rối nước, rối cạn, rối que, rối tay, rối điện, rối bóng, các em còn được học một số kỹ năng xiếc, rối cơ bản như: múa rối tay, điều khiển rối nước, giữ thăng bằng đĩa trên đũa… Hiện có 9 trò chơi để các em có thể trải nghiệm, với thời gian kéo dài khoảng 45 phút. Ngoài ra, các em còn được chơi một số trò chơi dân gian, được hòa mình vào không gian biểu diễn xiếc, ảo thuật, với những trò xiếc lẻ, tạo hiệu ứng sinh động, cuốn hút khán giả.

Ðạo diễn Nguyễn Phi Sơn – Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam chia sẻ, để có thể duy trì sân khấu truyền thống, việc hình thành thế hệ khán giả trẻ là vô cùng quan trọng. Ngoài việc xem múa rối, trẻ em còn rất thích được tìm hiểu, thực hành. Nắm bắt tâm lý đó, mô hình trải nghiệm xiếc rối ra đời. Chúng tôi vẫn đang thăm dò thị hiếu khán giả nhí cũng như phụ huynh, từ đó sẽ cải tiến thêm cho phù hợp, với mong muốn hình thành thêm không gian giải trí bổ ích cho thiếu nhi. Thời gian tới, Nhà hát sẽ thiết kế các show học đường để tìm đến trường học phục vụ các bạn nhỏ.

Trích đoạn Mười hai con giáp của Nhà hát múa rối Việt Nam.

Trích đoạn "Mười hai con giáp" của Nhà hát múa rối Việt Nam.

Múa rối gợi cho trẻ nhớ về cội nguồn

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: "Lâu nay, các chương trình múa rối cho thiếu nhi thường là các trò diễn kết hợp. Tuy nhiên, qua thực tế nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của các trường học, đặc biệt từ mong muốn của thiếu nhi, Nhà hát đã bổ sung các vở diễn với thời lượng dài vừa phải, có cốt truyện và có các tuyến nhân vật để khán giả theo dõi liền mạch, xuyên suốt cả chương trình gồm vở diễn múa rối "Câu chuyện những chiếc rìu" kết hợp cùng hai trò diễn múa rối "Lung linh khổng tước" và "Mười hai con giáp".

“Câu chuyện những chiếc rìu” của tác giả Tuấn Khanh đã từng được dựng trên sân khấu Nhà hát Múa rối Việt Nam vào năm 1985 với hình thức sân khấu rối cạn. Hiện ê kíp dàn dựng gồm: đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, tạo hình: NSƯT Thế Khiển, thiết kế mỹ thuật: Ngô Thắng… đã có những đổi mới, sáng tạo kết hợp cả múa rối cạn và múa rối nước với nhiều không gian biểu diễn khác nhau như hai tầng sân khấu rối cạn, một tầng rối nước và một không gian sân khấu phía trước bể nước.

Vở diễn là một bài học đầy tính nhân văn, mang tới cho các em bài học về cách sống lương thiện, ngay thẳng, thật thà thì sẽ luôn được mọi người tin yêu; còn những ai tham lam, độc ác sẽ tự mình chuốc họa vào thân, tiếng xấu để đời, nhận lấy kết cục không tốt đẹp.

Tiết mục “Mười hai con giáp” với hình thức rối đội lốt và múa rối nước, các nhân vật đặc trưng của 12 con giáp đã trở thành những hình ảnh và biểu tượng quen thuộc, gần gũi, thân thiết, đầy triết lý đối với tâm thức cũng như đời sống văn hóa của người Việt. Với cách thể hiện sinh động, độc đáo, phù hợp và hấp dẫn của nghệ thuật múa rối đã gợi cho khán giả, đặc biệt là trẻ em luôn nhớ về cội nguồn, về những nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Trò diễn “Lung linh khổng tước” - tiết mục chim công trên mặt nước kết hợp rối cạn tạo nên sự hấp dẫn cũng như vẻ đẹp của loài công thông qua đôi bàn tay điều khiển điêu luyện, sức sáng tạo độc đáo của các nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, chương trình Múa rối du xuân cùng 5K của Nhà hát Múa rối Việt Nam còn có nhiều tiết mục mang lại những ấn tượng bất ngờ cho khán giả.

Bắt tay với những chú rối lùn tại Khu vui chơi trải nghiệm nghệ thuật múa rối – xiếc tại Công viên Gia Định.

Bắt tay với những chú rối lùn tại Khu vui chơi trải nghiệm nghệ thuật múa rối – xiếc tại Công viên Gia Định.

Đổi mới, sáng tạo là hướng đi tất yếu

Ðạo diễn Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các loại hình nghệ thuật dân tộc đang cần phải giữ gìn để không bị mai một, tuy nhiên có một thực tế là khán giả không mặn mà xem. Giữ gìn nghệ thuật truyền thống là để cho giới trẻ biết và tự hào, nhưng lớp trẻ mà không xem thì cũng khó nói đến gìn giữ, tiếp nối. Thế nên, đổi mới, sáng tạo là hướng đi tất yếu của rối nước.

Phát triển nghệ thuật rối nước sẽ đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam; góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Vì vậy, bài toán làm mới nghệ thuật rối nước truyền thống tuy khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, nghiêm túc.

Với những tìm tòi mới trong hình thức thể hiện, kết hợp rối cạn, rối nước, rối người trên nền âm nhạc dân tộc, sân khấu múa rối như được khoác một tấm áo mới, thu hút đông đảo khán giả, nhất là thời điểm nghệ thuật đang “gặp khó” do đại dịch Covid-19.

“Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam bao gồm nhiều loại hình như: múa rối cạn, múa rối nước, rối bóng, rối que, rối dây, rối tay, rối mặt nạ… Chính yếu tố lấy mặt nước làm sàn sân khấu, các con rối nước được chế tác công phu kết hợp kỹ thuật điều khiển điêu luyện của người nghệ sĩ, qua đó mỗi tiết mục đều mang đến những thông điệp đầy nhân văn về tình người, tình đời giữa thiên nhiên và cuộc sống.”

(PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái)

Nhật Minh
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Cha mẹ ứng xử thế nào khi con xem phim nhạy cảm

Cha mẹ ứng xử thế nào khi con xem phim nhạy cảm

2 năm trước

Vụ việc một phụ huynh đập nát điện thoại của con trai khi kiểm tra facebook và phát hiện con xem hình ảnh nhạy cảm, bị lôi kéo vào hội nhóm xấu, đang trở thành tâm điểm tranh cãi trên các...
TP.HCM dự kiến tuyển sinh lớp 10 vào cuối tháng 6

TP.HCM dự kiến tuyển sinh lớp 10 vào cuối tháng 6

2 năm trước

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tổ chức tuyển sinh lớp 10 vào cuối tháng 6/2022, số môn thi cơ bản vẫn giữ nguyên như mọi năm.
Công an TP. Hồ Chí Minh bắt nhóm thiếu niên nhiều lần cướp giật tài sản

Công an TP. Hồ Chí Minh bắt nhóm thiếu niên nhiều lần cướp giật tài sản

2 năm trước

Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hồ Chí Minh cho hay, bước đầu đã làm rõ các vụ cướp giật tài sản của băng cướp nhí, tuổi đời các đối tượng khá trẻ 15 đến 22 tuổi do Nguyễn Văn...