THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 10:27

Mùa Vu lan: Sẽ sàng nói chuyện đạo hiếu

01/09/2020 | 12:57
 
Từ một chuyện rất đời thường
 
Một cô gái sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Khi đỗ đại học, cô mới ra thành phố và bắt đầu cuộc sống hiện đại của một sinh viên. Lần đầu tiên tổ chức sinh nhật, cô nhận được nhiều quà, hoa và những lời chúc tốt đẹp của bạn bè. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy thiêu thiếu điều gì... À đúng rồi, không có quà, không có lời chúc từ gia đình, bố mẹ.
 
Cô gọi điện về nhà, trách bố mẹ là quên sinh nhật của cô, không chúc mừng gì cả. Cô tưởng làm như thế sẽ nhận được lời chúc hay quà của bố mẹ gửi ra. Nào ngờ, cô nhận được những lời răn dạy nghiêm khắc của ông bố: “Con nói cái gì? 18 năm qua, ở trong gia đình ta, con có bao giờ tổ chức sinh nhật đâu?! Cả cuộc đời gần 60 năm của mẹ, của bố cũng chưa bao giờ tổ chức sinh nhật. Con ra thành phố, sống với bạn bè ngoài đó, tổ chức sinh nhật là phải. Nhưng kỷ niệm ngày sinh của mình, đáng ra con phải nhớ công mang nặng đẻ đau của mẹ, công nuôi dưỡng của cha; con phải gọi điện về cám ơn cha mẹ mới phải chứ! Đằng này, con lại gọi điện về trách bố mẹ không chúc mừng con, không gửi quà. Cách hành xử thật là đáng chê trách...”. 
 
Nghe bố mắng, cô bật khóc. Sau khi ngưng khóc, cô bình tĩnh suy nghĩ và thấy những lời của bố rất có lý, cô thấy mình có lỗi. Cô tất tả ra bến xe về nhà để xin lỗi và cám ơn bố mẹ. Ở nhà, từ ngày cô vào đại học, bố mẹ làm lụng vất vả hơn, chi tiêu tiết kiệm hơn để có tiền gửi cho cô ăn học. Cô về, bố mẹ đón cô thân thương, nồng ấm; mẹ còn gội đầu cho cô bằng chanh và bồ kết. Nhìn cảnh đấy, bố vui vẻ mỉm cười và chuẩn bị cho cô một ít quà quê để mang ra thành phố. Bất giác, cô nhớ câu ca dao nổi tiếng: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cô trở lại thành phố với lòng biết ơn bố mẹ sâu sắc và hiểu rõ ràng bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ.


Bông hồng cho mẹ mùa Vu lan. Ảnh KT

Đạo hiếu của người Việt đã hình thành từ lâu đời
 
Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo, cha ông ta rất coi trọng việc giáo dục đạo lý làm người cho con cháu, trong đó lấy chữ “Hiếu” làm đầu. Trong chữ Hán, chữ “Hiếu” được viết 孝 – gồm 2 phần: phía trên là một nửa của chữ “Lão” (老 – người cao tuổi), phía dưới là chữ “Tử” (子- con cái). Vậy chữ “Hiếu” chỉ mối quan hệ trên - dưới với hàm ý là con cháu phải tôn kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đấy là cái gốc, bởi vì một con người mà không tôn kính  cha mẹ, ông bà; không biết yêu thương, kính trọng những người sinh thành, dưỡng dục thì khi ra xã hội, con người ấy khó mà biết yêu thương, hợp tác, giúp đỡ những người xung quanh - những phẩm chất rất quan trọng để tạo nên một cộng đồng gắn bó.
 
Nói về đạo hiếu, trước hết phải nói đến lòng biết ơn về sự sinh thành và giáo dục của cha mẹ - phải vâng lời và làm theo những lời dạy dỗ của cha mẹ. Người xưa xem việc con cái làm trái ý cha mẹ, cãi lại cha mẹ là bất hiếu; yêu thương cha mẹ vô điều kiện được xem là biểu hiện cao nhất của đạo hiếu. 


Lễ rửa chân cho cha mẹ thể hiện đạo hiếu của con trong mùa Vu lan. Ảnh KT
 
Chuyện xưa kể rằng, có người mẹ luôn luôn dùng roi để dạy dỗ cậu con trai mỗi khi cậu mắc lỗi. Việc này tiếp diễn mãi cho đến khi cậu lớn, cậu trưởng thành. Khi bị mẹ đánh, cậu con trai đã trở thành người đàn ông không khóc. Một hôm cậu mắc lỗi, bị mẹ đánh và cậu khóc. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi: “Những lần trước bị mẹ đánh, con không khóc, sao lần này con lại khóc?” Người con trai trả lời: “Những lần trước, mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ vẫn còn khỏe, con yên tâm nên không khóc. Lần này mẹ đánh, con không thấy đau, con biết mẹ đã yếu, con thương mẹ nên con khóc”. Thương mẹ đến như vậy quả là sâu sắc.
 
Khái niệm “hiếu dưỡng” được xem là biểu hiện rõ ràng nhất của chữ “Hiếu” - Biết ơn cha mẹ thì phải nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi các đấng sinh thành già yếu. Đây là điều cần phải nhấn mạnh, vì thực tế chỉ ra rằng, có những gia đình đông con, khi bố mẹ về già thì các con đùn đẩy nhau, không ai chịu ở với cha mẹ để nuôi dưỡng, chăm sóc các cụ. Như vậy, ở đây không chỉ có biểu hiện bất hiếu, mà còn vi phạm pháp luật. Khi thực hiện đạo hiếu, con người vừa thể hiện tình cảm, đạo đức, vừa thực hiện nghĩa vụ của người con theo quy định của pháp luật. 
Đừng để vật chất, bạo lực xói mòn đạo hiếu!
 
Trong những năm gần đây, chuyện đau lòng là con cái đánh chửi, thậm chí là giết bố mẹ đã xảy ra. Những hiện tượng này được xem là biểu hiện của việc đạo đức xuống cấp. Thế mà trước mùa Vu lan năm nay, cộng đồng mạng phải chứng kiến cảnh một ông bị trói chân, trói tay và bị con trai 16 tuổi dùng tay, dép đánh liên tiếp vào đầu, vào mặt. Bên cạnh là người mẹ, người vợ đứng chửi bới chồng. Lý do là người chồng say xỉn nên có hành động và lời nói không chuẩn nên ông được vợ con “dạy dỗ”.
 
Có thể nói hình ảnh trên là biểu hiện rõ ràng nhất của việc đạo hiếu đang bị xói mòn. Điều này khiến nhiều người lo lắng. Họ cho rằng, bạo lực gia đình đang gia tăng và đáng buồn là những biểu hiện bất hiếu diễn ra thường xuyên hơn. Con cái bạo hành cha mẹ là bất hiếu! Điều này không được chấp nhận trong bất cứ hoàn cảnh nào.
 
Để tránh đạo hiếu của người Việt bị xói mòn, chỉ có cách tăng cường tuyên truyền giáo dục và thực thi pháp luật nghiêm túc. Việc giáo dục phải được thực hiện hàng ngày trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thôn xóm, sau đấy đến nhà trường và xã hội. Trong việc giáo dục này, những người cao tuổi (ông bà, bố mẹ, thầy cô giáo, cán bộ lãnh đạo) phải làm gương. 
 
Sở dĩ tôi dùng hai chữ “sẽ sàng” để nói chuyện đạo hiếu, vì đây là chuyện liên quan đến tất cả chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm trong yên lặng. Giáo dục đạo hiếu không thể “đao to, búa lớn”, mà cần nhẹ nhàng, tình cảm.
 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.