THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 08:29

Mỵ - Dấu ấn độc đáo của văn hóa dân gian Tây Bắc

30/09/2018 | 16:18

Cảnh trong vở ca múa nhạc “Mỵ”. 
 
Cả một vùng văn hóa Mông được tái hiện sống động 
 
Lấy ý tưởng từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, nghệ sĩ Tuyết Minh cùng Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc cho ra đời vở diễn “Mỵ”. Vở diễn vừa giành giải Chương trình Ấn tượng và Biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 (tại Cao Bằng).
 
Gần 80 nghệ sĩ thuộc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc góp mặt trong vở diễn. Biên đạo múa Tuyết Minh cùng nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Minh Đạo, NSƯT Mạnh Tiến... tham gia cố vấn nghệ thuật. Theo NSND Nông Xuân Ái - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Nhà hát Ca múa Nhạc dân gian Việt Bắc - thành viên dàn dựng tác phẩm, “Mỵ” không khai thác sâu nỗi đau, bi kịch của đôi trai gái như sáng tác của nhà văn Tô Hoài. Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, vở diễn thể hiện nét đặc sắc văn hóa bản địa, biểu hiện ở phiên chợ tình, trò chơi dân gian, điệu múa, tiếng khèn...
 
Nghệ sĩ Tuyết Minh - Tổng đạo diễn vở “Mỵ” cho biết: “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm văn học rất dài với nhiều chương, nhiều chi tiết, nhiều điểm nhấn và đã được dựng thành tác phẩm phim truyện. Nhưng để chuyển thể phù hợp với loại hình ca múa nhạc, “Mỵ” sẽ gồm 3 phần: Phần 1 với tựa đề “Lời yêu trên đỉnh núi”, tái hiện khung cảnh đời sống sinh hoạt của người Mông bằng những tiếng khèn, tiếng sáo mèo, trống, mõ trâu... độc đáo. Bên cạnh đó còn có phần thể hiện âm nhạc theo phong cách Acapella hiện đại, thể hiện nhịp sống sôi động tại phiên chợ vùng cao.
 
Phần hai với tựa đề “Con ma nhà Thống Lý” thể hiện thân phận nhỏ bé của những cô gái nghèo bị ép về làm dâu theo phong tục cướp vợ của người Mông. Thân phận Mỵ đại diện của những người phụ nữ vùng cao Tây Bắc phải chịu cảnh giày vò của ách thống trị tàn bạo cùng với tư tưởng thần quyền giết chết mọi ước mơ, khát vọng của con người. 
 
Phần "Chạy đi" được dùng làm kết vở, cũng là sự trỗi dậy của Mỵ, chống lại sự đè nén của gia đình Thống lý. "Chạy đi, chạy xuyên màn đêm”- như lời của ca khúc thể hiện từ bóng tối của cuộc đời đau khổ, tủi nhục, Mỵ và A Phủ cùng nhau chạy về miền đất mới, hướng tới ánh sáng của tự do để được sống, được yêu, được hạnh phúc trên chính mảnh đất, núi rừng quê hương mình. Đó là sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng của những kiếp người cơ cực nơi núi rừng Tây Bắc qua những gam màu đầy xúc cảm.
 
Nghệ thuật đương đại có xu hướng trở về với những giá trị mang tính bản sắc
 

Cảnh trong vở ca múa nhạc “Mỵ”. 
 
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, những đặc sắc của văn hóa Mông đã được khắc họa sinh động khi đưa lên sân khấu tiếng dao, thớt, khèn, chảo thắng cố, phiên chợ tình lãng mạn, những trò chơi dân gian độc đáo như đánh cù, ném pao, những cảnh sinh hoạt hằng ngày như nấu rượu ngô, quay tơ, nhuộm vải… Những cảnh hút thuốc phiện, tra tấn được cách điệu bằng nghệ thuật múa đương đại, bằng ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt chứ không mang âm hưởng u ám, nặng nề. Bên cạnh đó, vở diễn cũng mang hơi thở hiện đại khi đưa nghệ thuật múa đương đại vào một số trường đoạn. Qua đó, vở diễn cũng lên tiếng phê phán những hủ tục như cướp vợ hay thói quen hút thuốc phiện…
 
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: Trong nhịp sống hiện đại, nghệ thuật đương đại càng có xu hướng muốn trở về với những giá trị mang tính bản sắc, gần gũi và tự nhiên. Đó là lý do ngay từ đầu, chị và ê-kíp sáng tạo xác định sẽ không dùng âm nhạc điện tử mà phải là nhạc sống được thể hiện bởi chính những con người, đồ vật hiện hữu nơi đây. Để mang hơi thở sinh động của văn hóa Mông vào vở diễn, chị và các đồng nghiệp đã mất nhiều ngày lên núi, tìm đến những nghệ nhân người Mông, thuyết phục họ tới hướng dẫn diễn viên cách chơi những làn điệu dân gian bằng nhạc cụ truyền thống… Phải mất gần 5 tháng vừa tập luyện, vừa sáng tạo và điều chỉnh, những thanh âm từ nhiều loại vật dụng mới có thể kết hợp nhuần nhụy. Phần thể hiện âm nhạc theo phong cách Acapella cùng bốn sáng tác mới mang âm hưởng dân gian của các nhạc sĩ: Lê Minh Sơn (Chạy đi), Mạnh Tiến (Con ma nhà Thống Lý), Minh Đức (Chuyện tình trên đỉnh núi), NSND Nông Xuân Ái (Xuống chợ) đã mang đến nhiều xúc cảm đậm nét cho người xem.
 
Đưa Mỵ đến với du khách
 
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết vở diễn nghệ thuật “Mỵ” sẽ nhắm đến khán giả là khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội. Không chỉ để quảng bá vở diễn mà còn là cơ hội để giới thiệu đến du khách quốc tế nét văn hóa đặc sắc của vùng núi Tây Bắc. Theo kế hoạch của chúng tôi, từ giờ đến cuối năm 2018, vở diễn “Mỵ” sẽ được công diễn 10 buổi tại Nhà hát Lớn với thời lượng đầy đủ 75 phút. Còn với những buổi diễn theo tour thì ê kíp sẽ thu gọn trong thời lượng là 30 phút để phù hợp với khách du lịch quốc tế.
 
 

Việt Cường/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...