THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 06:02

Nam Định nỗ lực giảm tệ nạn mại dâm và tội phạm mua bán người

07/10/2020 | 09:52
Công tác phòng chống tệ nạn mại dâm
 
Thực hiện quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Nam Định. 


Đồng chí Đỗ Đức Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Nam Định tham dự và chỉ đạo hội nghị tập huấn về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2020.
 
Sau 5 năm thực hiện, Nam Định đã cơ bản hoàn thành 4/4 mục tiêu của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, cụ thể:
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm.
 
100% số xã, phường, thị trấn có tổ chức, duy trì các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên tất cả các loại hình phương tiện thông qua các kênh thông tin từ trung ương tới địa bàn khu dân cư: viết bài trên tạp chí của trung ương, đăng tin phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, tổ chức các buổi chiếu phim lưu động; phát tờ rơi, truyền thông trực tiếp qua các buổi sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân cư; kẻ các khẩu hiệu trên tường; treo pano, khẩu hiệu... Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề như quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước về mại dâm, tác hại của tệ nạn mại dâm, vai trò của cá nhân gia đình trong công tác phòng, chống mại dâm.
 
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội. 
 
100% các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người. Công an tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, UBMTTQ tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát 4.602 người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội; gần 10.000 phụ nữ có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn hoặc trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, phạm tội để giáo dục, cảm hóa, hỗ trợ. Trong 5 năm, đã hỗ trợ giáo dục 2.593 người tiến bộ, không mắc tệ nạn xã hội; hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn sản xuất kinh doanh cho 250 phụ nữ có nguy cơ cao hoặc đã có hành vi mại dâm. 
 
Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
 
Ngay từ những năm đầu thực hiện Chương trình, Nam Định đã triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực giới trong phòng, chống mại dâm thông qua nhóm tiếp cận viên đồng đẳng; thường xuyên duy trì việc cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm; tổ chức các hội nghị đồng thuận giữa các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội và chính quyền địa phương. 
 
Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở Y tế, UBMTTQ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐTBXH, các địa phương có mô hình phòng chống mại dâm, các địa bàn trọng điểm tổ chức hoạt động trợ giúp, phòng ngừa, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với gái mại dâm và nguy cơ cao hoạt động mại dâm. Cụ thể, hỗ trợ 2.330 lượt người bán dâm, trong đó: tư vấn xét nghiệm cho 5.425 lượt người; giới thiệu 689 người tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Triển khai giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi đối với 186 phụ nữ có hành vi mại dâm tại thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy), thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu); TP. Nam Định triển khai các hoạt động truyền thông, giảm tác hại của các bệnh xã hội, phòng ngừa lây nhiễm HIV cho 22.451 phụ nữ tại các địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm.
 
Xây dựng thử nghiệm mô hình phòng chống mại dâm: mô hình “Đảm bảo quyền của lao động nữ làm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn có tệ nạn mại dâm”.
 
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 6 nhóm đồng đẳng hoạt động hỗ trợ cho các đối tượng tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV cũ; trong đó có 2 nhóm làm việc hỗ trợ phụ nữ bán dâm trên địa bàn thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy (nhóm Gió Biển) và thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (nhóm San Hô). 
 Hàng năm, tổ chức 4 cuộc tập huấn năng cao năng lực cho các nhóm đồng đẳng trong việc tiếp cận đối tượng là nữ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Nâng cao năng lực và hỗ trợ nhóm cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm tác hại; Kết nối nhóm tới các tổ chức phi chính phủ (ISDS), các trung tâm y tế của địa phương, trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC)... 
 
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thông qua nhóm đồng đẳng nắm bắt thông tin nhu cầu của các lao động nữ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nhu cầu chuyển đổi việc làm, học nghề; Phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh tổ chức các buổi giới thiệu việc làm lưu động tại địa bàn thực hiện mô hình. 
 
Đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.
 
100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm với 8.099 lượt cơ sở được các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở.
 
Kiểm tra, đấu tranh, xử lý 100% các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính và phạm tội liên quan đến mại dâm. Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng bám sát địa bàn, điều tra, đấu tranh chuyên án triệt phá nhiều vụ vi phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm; phối hợp với cơ quan kiểm sát, tòa án nhân dân truy tố, xét xử 100% các đối tượng theo đúng trình tự tố tụng và xử phạt nghiêm minh.


Quang cảnh hội nghị tập huấn về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2020 tại Hội trường Thống Nhất, TP. Nam Định.
 

 Công tác phòng chống tội phạm mua bán người

 
Thực hiện Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12/8/2016 của Bộ LĐTBXH phê duyệt Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 21/06/2016 thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Nam Định, hàng năm, Sở LĐTBXH phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu về phòng chống mua bán người do Chính phủ giao. 
 
 Công tác tuyên truyền được thực hiện với nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Trong 5 năm (2016-2020), các địa phương đã tổ chức 2 cuộc mít tinh hưởng ứng ngày toàn dân Phòng, chống mua bán người; 435 hội nghị truyền thông, nói chuyện chuyên đề cho 6.000 người. Viết và phát thanh 500 tin bài, 1 phóng sự truyền thanh, truyền hình. Xây mới và sửa chữa 681 pano, khẩu hiệu tuyên truyền, biên tập, in ấn, cấp phát 28.000 tờ rơi, 6.000 sách báo, tạp chí tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Tổ chức 9 đợt chiếu phim lưu động tại xã, phường trọng điểm nguy cơ cao về mua bán người; đăng 3 chuyên trang trên tạp chí trung ương về công tác phòng, chống mua bán người, tham dự các lớp tập huấn nâng cao kiến thức làm công tác phòng, chống tệ nạn mua bán người do Bộ Công an và các ngành đoàn thể trung ương tổ chức.
 
Công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ được quan tâm, trong 05 năm, tỉnh đã tổ chức 150 lớp tập huấn cho 2.200 lượt cán bộ tỉnh, huyện, xã, thôn xóm tham gia công tác phòng, chống mua bán người. Trong đó, tập huấn cho 1.005 cán bộ cấp xã gồm cán bộ LĐTBXH, công an, phụ nữ, y tế về công tác hỗ trợ nạn nhân; Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ LĐTBXH của huyện, xã, viên chức trung tâm bảo trợ xã hội trực tiếp tham gia công tác tiếp nhận nắm vững quy trình nội dung, phối hợp xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân kip thời… 
 
Nhờ đó, đã tạo được bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống mua bán người, tích cực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, góp phần giảm sự kỳ thị của xã hội và gia đình đối với nạn nhân bị mua bán trở về. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người được thực hiện quyết liệt và nghiêm minh. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong phòng chống mua bán người đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt sự phối hợp giữa các ngành trong khối Nội chính, ngành LĐTBXH đã có sự phối hợp thường xuyên trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
 

Phương Nguyên/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.