THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 05:48

Nam Định: Phấn đấu giảm tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán

22/10/2019 | 15:32

Quanh cảnh Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã làm công atcs phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Nam Định năm 2019.


Tình hình phức tạp


Từ năm 2013 trở lại đây, hoạt động của tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều diễn biến phức tạp. Đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi MBN, đã xuất hiện đường dây do đối tượng trong tỉnh liên kết với các đối tượng tỉnh ngoài dụ dỗ đưa người sang các nước châu Âu qua đường hàng không để lao động trái phép, kết hôn giả hoặc chuyển qua các nước châu Á để phục vụ hoạt động mại dâm, lao động cưỡng bức trái phép với thủ đoạn tinh vi như thỏa thuận trước các khoản chi phí mà người lao động phải trả. Sau đó, các đối tượng thu toàn bộ giấy tờ tùy thân và đưa nạn nhân đến các khu vực lao động cưỡng bức và trừ dần chi phí vào công lao động. Một số đối tượng tỉnh ngoài liên kết thành đường dây đưa người từ các tỉnh khác về Nam Định để tập kết tại 3 địa bàn (TP. Nam Định, thị trấn Quất Lâm, thị trấn Thịnh Long) để bán các nạn nhân ra nước ngoài hoặc bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, hành nghề mại dâm. Đáng báo động, gần đây còn xuất hiện đường dây môi giới đưa phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn sang Trung Quốc “đẻ thuê”, xuất hiện hoạt động môi giới bán thận trong nước và sang Trung Quốc, gây phức tạp về an ninh và trật tự xã hội.


Nhiều biện pháp phòng, chống


Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch và văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động phòng ngừa tội phạm MBN; Chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung nguồn lực thực hiện công tác truyền thông - giáo dục; Tăng cường thời lượng phát sóng, tin bài phản ánh trên sóng PT-TH, báo chí, trang thông tin điện tử của tỉnh, sở, ngành, địa phương; Tổ chức các hội thi, hội nghị nói chuyện chuyên đề với sự tham gia tích cực của các báo cáo viên, tình nguyện viên. Trong 5 năm (2013 - 2018), đã tổ chức 21 cuộc mít tinh hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống MBN (30/7); tổ chức 1.182 hội nghị truyền thông nói chuyện chuyên đề cho 18.900 người; viết và phát thanh 11.700 tin bài; thực hiện 175 phóng sự truyền hình; Xây mới và sửa chữa 1.650 pano tuyên truyền, biên tập, in ấn và cấp phát 41.500 tờ rơi, 21.500 sách và sổ tay tuyên truyền; Tổ chức 9 đợt chiếu phim kết hợp truyền thông lưu động tại 115 xã, phường trọng điểm hoặc có nguy cơ cao dễ phát sinh tội phạm MBN.


Công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, lực lượng chuyên trách và cán bộ kiêm nhiệm công tác phòng chống MBN được đẩy mạnh. Trong 5 năm đã tổ chức tập huấn cho 31.600 lượt cán bộ tỉnh, huyện, xã và thôn xóm với trên 20.000 lượt cán bộ cấp xã và 1.300 cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Các hoạt động tuyên truyền - giáo dục và tập huấn nâng cao năng lực cán bộ đã góp phần nâng cao nhận thức của đối tượng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và nhân dân, giúp người dân cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm MBN, tham gia đấu tranh tố giác tội phạm MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng.
 Nhằm ngăn chặn hậu quả tội phạm MBN, lực lượng công an và bộ đội biên phòng tỉnh đã xác định các tuyến địa bàn trọng điểm, đồng thời tổ chức tốt công tác nắm tình hình. Hàng năm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm MBN để tập trung sự chỉ đạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm MBN; Đấu tranh triệt phá các tụ điểm, đối tượng phạm tội MBN; Phối hợp với các ngành địa phương, tổ chức tiếp nhận, xác minh, giải cứu bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Trong 5 năm nêu trên, đã đấu tranh, triệt phá 6 ổ nhóm, xóa một địa bàn trọng điểm MBN, truy bắt khởi tố 30 vụ với 59 đối tượng phạm tội. Nhóm đối tượng tội phạm MBN có xu hướng trẻ hóa và đa dạng về nghề nghiệp: trên 30% đối tượng làm nghề kinh doanh tự do; 11,5% kinh doanh nhà hàng khách sạn; 15,7% đã có thời gian công tác trong các cơ quan. Trong 71 nạn nhân bị mua bán có 11 người dưới 16 tuổi (15,6%); từ 16 tuổi đến 18 tuổi có 15 người (21,1%), số nạn nhân bị mua bán là học sinh, sinh viên có 25 người (35,2%), không nghề nghiệp 27 người (38%) trong tổng số các nạn nhân bị mua bán.


Chính quyền các cấp cũng đã tiếp nhận, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, đi lại, hỗ trợ y tế, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 62 người là nạn nhân của tội phạm MBN; Triển khai đồng bộ các giải pháp điều tra, khảo sát địa bàn, đối tượng đã xác định được 70 người là phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương nghi là nạn nhân bị mua bán, các lực lượng chức năng đang thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch để giải cứu 70 đối tượng nạn nhân nghi bị buôn bán này.


Ra quân tuyên truyền về phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh Nam  Định.


Khó khăn, trở ngại và mục tiêu phấn đấu


Trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng chống MBN trên địa bàn tỉnh đã gặp phải một số khó khăn, như: công tác nắm, dự báo tình hình tại một số địa phương chưa sát nên kết quả phòng ngừa còn hạn chế. Trong công tác điều tra, xử lý tội phạm MBN, số vụ phát hiện đấu tranh còn ít so với thực tế; số lượng nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ các dịch vụ xã hội còn thấp; thủ tục nhận kinh phí hỗ trợ rườm rà, gây khó khăn cho đối tượng và cơ quan thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.


Nhờ có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể và sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong công tác phòng chống MBN kịp thời, quyết liệt nên trong 5 năm qua (2013 - 2018), tội phạm MBN và số nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm về đối tượng và số vụ. Thời gian tới, vấn nạn mua bán người còn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực của các lực lượng chức năng và toàn xã hội. Phần lớn nạn nhân MBN có gia cảnh nghèo, thất nghiệp, vì thế để phòng ngừa hiệu quả tội phạm MBN, tỉnh Nam Định sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó không thể thiếu giải pháp là tập trung xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ hội việc làm cho các đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị mua bán; quan tâm phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục về phòng chống MBN ở những địa bàn khó khăn, trọng yếu… để hướng tới mục tiêu giảm cơ bản tội phạm MBN và số nạn nhân bị mua bán vào năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Phương Nguyên/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.