THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 02:30

Ngày hội đọc sách ra đời như thế nào?

27/04/2018 | 17:34


Một cuốn sách quý bằng đồng khắc bằng 4 loại ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp và Trung Quốc từng được trưng bày tại một ngày hội sách của Việt Nam. Ảnh: T.H
 
Sự ra đời của Ngày Sách và Bản quyền thế giới 
 
Ngày 23/4 hàng năm (là ngày lễ Thánh Goerge) ở Tây Ban Nha, có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó. Ngày 23/4 còn là ngày mà cả 3 đại văn hào của thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác. Ngày này cũng là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác như: Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo. 
 
Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (từ ngày 25/10 đến 16/11/1995), Tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day), nhằm tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. 
 
 “Tặng một cuốn sách - tặng một đóa hồng” là một chiến dịch đặc biệt diễn ra ở nhiều nước trên thế giới nhằm tôn vinh ngày đọc sách thế giới. Ngoài ra, còn có vô số các hoạt động thú vị liên quan đến sách được tổ chức dưới sự khởi xướng và khuyến khích của UNESCO. 
 
Các nhà xuất bản, các công ty sách cùng tổ chức chương trình “Sách đường phố” dành cơ hội mua sách giá rẻ có tặng kèm chữ ký của tác giả cho những người thích đọc sách; nhân dịp này, người ta cũng tặng sách cho trẻ em, người nghèo, các thư viện eo hẹp về tài chính, các bệnh viện, trường học, các trung tâm công tác xã hội...
 
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, trong ngày này, bạn có thể thấy logo của ngày hội đọc sách được dán trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, xe lửa, máy bay…, và thậm chí, bạn có thể gửi đi những lá thư có dán những con tem mang biểu trưng của ngày đọc sách.
Tại châu Phi, nhiều bạn trẻ tham gia ngày hội sách tình nguyện đem sách tới cho người bệnh, người cao tuổi, những người mù lòa và cả những người không biết chữ, đọc thành tiếng cho họ nghe.
 
Tại Trung Quốc, gần đây đã thực hiện chương trình thúc đẩy văn hóa đọc, trong đó hoạt động tiêu biểu là “Ngày đọc sách cùng con trẻ” dành cho các bậc phụ huynh khắp cả nước vào ngày 23/4. Đồng thời, Trung Quốc cũng tiến hành một chiến dịch với hàng loạt hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, đặc biệt trong giới trẻ, phụ nữ và nông dân. Chương trình này bao gồm việc giảm giá sách, tổ chức các cuộc thi viết về sách, khai trương các thư viện mới ở thành phố và nông thôn, quyên tặng sách cho các vùng sâu, vùng xa hoặc các khu vực bị thiên tai…
 
Ngày Sách Việt Nam
 

Các bạn trẻ hào hứng tham gia Ngày sách Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Ảnh: KT
 
Tại Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới được tổ chức hàng năm do Hội đồng Anh (British Council) khởi xướng từ năm 1996 , Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L’espace cũng có nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tuyên truyền cho văn hóa đọc. 
 
Từ nhiều năm nay, ngày 23/4 đã trở thành ngày hội đọc sách của nhiều người dân Việt Nam.
 
Trong suốt tháng 4 (tháng có Ngày Sách và Bản quyền thế giới), các triển lãm, trưng bày sách báo, bán sách với giá ưu đãi, triển lãm thư pháp, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, tọa đàm, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, thi kể chuyện sách bằng các thứ tiếng khác nhau, trao đổi kinh nghiệm đọc sách, đố vui, bốc thăm trúng thưởng, chia sẻ cảm thụ văn học... được các nhà xuất bản và các công ty sách phối hợp cùng các trường học tổ chức một cách hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt động quyên góp sách tặng trẻ em thiệt thòi và xây dựng thư viện tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cũng được đông đảo những người yêu thích đọc sách hưởng ứng.
 
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định nêu rõ, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
 
Ngày Sách Việt Nam ra đời vào ngày 21/4 thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), từ đó tạo thành chuỗi các hoạt động đọc sách phong phú và sôi nổi trong cả nước.

Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 (năm 2018) sẽ kéo dài từ ngày 18 đến ngày 22/4 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
Bên cạnh đó, Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam sẽ diễn ra trên phạm vi toàn quốc (trong thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 1/5/2018).
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam 2018 là hội sách với chủ đề “Sách với gia đình” (diễn ra từ ngày 18 đến ngày 22/4 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội). 
 
 

Minh thư (t/h)/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...