THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 06:23

Ngôi nhà của trẻ tự kỷ

19/03/2018 | 12:49
 
Giáo viên, nhân viên của Trung tâm Giáo dục đặc biệt Ánh Dương.
 
Mái ấm từ lòng tâm huyết
 
Cô giáo Đỗ Thị Thu Hường - phụ trách cơ sở cho biết: Trước những yêu cầu trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ em theo phương pháp hiện đại, với quyết tâm của tập thể Chi hội, sự ủng hộ giúp đỡ của chính quyền địa phương và của phụ huynh học sinh, Trung tâm Giáo dục đặc biệt Ánh Dương đã được thành lập. Mục đích thành lập Trung tâm là để phát hiện, can thiệp sớm cho các trẻ có dấu hiệu rối loạn phát triển, độ tuổi từ 18 tháng tuổi trở lên với các dạng tật sau: tự kỷ; chậm nói; chậm phát triển trí tuệ; khó khăn về học; tăng động giảm chú ý, các trẻ down, bại não, câm điếc… Bằng phương pháp giáo dục tâm lý, vận động, trị liệu ngôn ngữ  sẽ hình thành cho trẻ những kỹ năng cơ bản, giúp cho các em có điều kiện hòa nhập với cộng đồng. Đây chính là cách chúng tôi tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần công sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn trên địa bàn quận cả về vật chất và tinh thần. 
 
 Theo cô giáo Đỗ Thị Thu Hường: Yếu tố quan trọng đầu tiên mà chúng tôi chú trọng là đội ngũ giáo viên, gồm những người có đủ năng lực chuyên môn và nhiệt huyết đạo đức nghề nghiệp, yêu nghề, thương trẻ và tận tụy với công việc. Đa số giáo viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm gồm các chuyên ngành như: chuyên ngành giáo dục đặc biệt; chuyên ngành tâm lý giáo dục; chuyên ngành công tác xã hội; chuyên ngành sư phạm mầm non.
 
 
Một buổi học hát.
 
Trung tâm có diện tích sử dụng 150m2, 1 nhà 4 tầng, gồm 8 phòng, trong đó: 1 phòng trị liệu cảm giác (phòng vận động), 2 phòng học nhóm, 2 phòng can thiệp sớm (can thiệp cá nhân), 1 phòng đánh giá, 1 phòng tiền tiểu học, 1 phòng bếp, công trình vệ sinh khép kín. Các tầng được bao dây kẽm ở cầu thang đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngay từ ban đầu, Trung tâm đã đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học đầy đủ, đúng tiêu chuẩn: bàn ghế, máy chạy bộ, bộ xà đu liên hoàn, thảm gai, cầu thăng bằng, tay vịn, tranh ảnh, đồ dùng có liên quan đến nội dung dạy học... đảm bảo đủ để can thiệp phù hợp với từng trẻ, từng loại khuyết tật khác nhau. Bếp ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh, thực phẩm sạch, an toàn, nguồn nước đảm bảo cho sức khỏe.
 
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã giúp đỡ và can thiệp cho hơn 20 cháu có các dạng tật như: Khuyết tật ngôn ngữ, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, down, bại não… và đã có 40% số trẻ được can thiệp có đủ khả năng hòa nhập với các bạn cùng trang lứa tại các trường mầm non, tiểu học. Trung tâm còn hỗ trợ tại nhà cho 2 trẻ khó khăn về vận động, kết hợp với bại não.
 
Không ít em đến với trung tâm có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều cháu gia đình rất khó khăn, mong được sự giúp đỡ của cộng đồng. Em Diệu Hà, nhà ở phường Việt Hưng, bố mẹ ly hôn, một mình mẹ nuôi 2 con (1 trẻ 10 tuổi bị bại não)… Em Nguyễn Quốc Đạt bị down và tim bẩm sinh, nhà ở phường Phúc Đồng là con của bố đơn thân, không có công ăn việc làm ổn định, gia đình phải nương nhờ ông bà nội. Em Duy Anh, nhà ở phường Sài Đồng, bị down, bố mẹ đi làm thuê, nhà ở thuê…
 
 
Chăm sóc bữa ăn cho các cháu.
 
Những ước vọng
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh mô hình dạy trẻ đặc biệt, Trung tâm Ánh Dương còn giúp cho các phụ huynh có thể hiểu và tiếp cận con mình qua các dịch vụ tư vấn trực tiếp, các tài liệu… Đặc biệt, việc thực hiện mô hình “lớp học mở”, cho phép và tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia học cùng con. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể quan sát các con qua hệ thống camera để biết cách can thiệp con trẻ. Tất cả các trẻ em kém may mắn này đều gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp, ngôn ngữ, nhiều hành vi không phù hợp, khi được can thiệp tại Trung tâm, các em được chăm sóc chu đáo, tận tình, bằng tình yêu thương, nhiệt huyết của các cô. Các em đã có những tiến bộ, tạo được niềm vui, sự tin tưởng của các bậc phụ huynh khi gửi con em tại đây để yên tâm công tác.
 
Phụ huynh có con học ở Trung tâm đều chung một chia sẻ, mong ước các con từng bước hòa nhập được cộng đồng. Một phụ huynh có con là trẻ tự kỷ, hy vọng: Tôi phát hiện ra cháu có dấu hiệu từ năm lên 3 tuổi, cả gia đình lo lắng, hoang mang, không biết phải làm như thế nào. Cũng nhờ có người giới thiệu đến với Trung tâm Ánh Dương, tôi vẫn mong, có ngày cháu sẽ hòa nhập được với thế giới giống như bao đứa trẻ bình thường khác.
 
Cô Hường tâm sự, mỗi một học sinh lại mang đến cho các cô những kỷ niệm khó quên. Từ những lúc chập chững mới biết đi, rồi lúc các em học nói, học cách giao tiếp… tất cả là một quá trình dài, rất vất vả. Với mỗi học sinh, các giáo viên phải xây dựng riêng một chương trình học, phối hợp với phụ huynh và thay đổi liên tục các phương pháp để phù hợp. Bên cạnh đó là các giờ tập phục hồi chức năng, các bài tập hít thở, học cách phát âm. Chăm sóc và dạy dỗ trẻ em bình thường đã khó, với các trẻ đặc biệt lại khó khăn hơn gấp bội. Nhiều giáo viên ước mình có thêm nhiều thời gian hơn để dành cho các em. Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là mái nhà chung cho các em có thể hòa nhập và trở lại với cuộc sống bình thường như bao trẻ thơ khác. Trẻ tự kỷ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Công tác giáo dục trẻ đặc biệt là việc làm vô cùng khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó, tâm huyết bằng tình cảm thực sự với con trẻ, xuất phát từ tấm lòng yêu thương vô hạn. Vì trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, chúng ta cần phải có trách nhiệm, dành tình yêu thương cho trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ, để các em có thể hòa nhập và trở thành một phần của cộng đồng xã hội.

Lam Hồng/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...