THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 07:40

Ngôi nhà, lòng mẹ

14/09/2017 | 15:30



Ảnh minh họa


1. Tôi nhớ những năm tháng sống trên Hòa Bình,tôi thân quen với một gia đình bà mẹ người Mường. Chồng mất sớm,mẹ một mình nuôi 4 người con trong gian khó. Những người con lớn lên có gia đình riêng,cô con gái khuyết tật ở với mẹ.

Cơn sốt đất bùng nổ,người trẻ trong bản bán đất,bán nhà sàn, dắt nhau ra mặt đường làm nhà xây, nhà kính. Những người con của mẹ nài nỉ mẹ và em bán nhà ra phố.Mẹ giữ nhà mình bằng cả nước mắt. Mẹ không nghĩ đến việc các con mình sớm dễ dàng bỏ mảnh đất tổ tiên nhanh thế,mẹ nghĩ mình sẽ không sống nổi nếu phải rời xa nó.

Mấy năm sau, tôi trở về thăm mẹ. Ngôi nhà sàn còn đó, được sửa sang đàng hoàng, vườn tược được chăm sóc. Cô gái út đã có chồng và ở luôn nhà mẹ. Tôi thấy mẹ rất  vui. Mẹ bảo,mẹ giữ ngôi nhà sàn này, mảnh vườn này bởi sự gắn bó, bởi cháu con có nơi để về gặp nhau trong tình ruột thịt. Nếu không còn ngôi nhà ở nơi sinh ra,mẹ và con cháu sẽ cô đơn, bơ vơkhi ở bất cứ đâu. Mẹ không nói nhiều nhưng tôi biết, như những bà mẹ miền núi chất phác khác, mẹ yêu thương ngôi nhà, mảnh đất mình gắn bó, để cố gắng tạo dựng một gia sản cho các con, đó là sự ấm áp, sum vầy trong nguồn cội.

Tôi hình dung ra những người mẹ xóm núi,trước bữa cơm chiều thường ngồi bên cửa sổ nhà sàn ngóng đợi, từ bóng dáng của đứa con gái lấy chồng xa, đứa con trai mải làm ăn tứ xứ, bước chân của những người ruột thịt, từ núi, từ nương rẫy trở về. Lẫn với nỗi lo xa, trong lòng người mẹ luôn khấp khởi niềm vui các con vẫn còn ngôi nhà nhỏ để về. Ngôi nhà là nơi nương tựa cho những đứa con xa những khi vui, những lúc buồn.

2. Lễ Vu Lan là nghi lễ Phật giáo được du nhập vào Việt Nam. Khi Phật giáo đến với Việt Nam đã nhanh chóng có sự giao hòa với tín ngưỡng Đạo Mẫu và tục thờ cúng tổ tiên của người bản địa từ ngàn xưa.

Sự giao lưu, tương tác với Đạo Mẫu và tục thờ cúng tổ tiên của Việt Nam đã tạo nét đặc sắc mới cho lễ Vu Lan và những biểu hiện văn hóa của con người Việt Nam trong toàn bộ nghi lễ Vu Lan được diễn ra trong ngày rằm tháng 7 hàng năm. Nét đặc sắc thể hiện ở chỗ, lễ Vu Lan chỉ để tưởng nhớ đến cha mẹ, đặc biệt thể hiện đạo hiếu với mẹ, nhưng khi đến Việt Nam thì Vu Lan không những thể hiện lòng thờ kính cha mẹ mà còn thể hiện lòng kính trọng, tưởng nhớ đối với tổ tiên. Từ chỗ tưởng nhớ đến cha mẹ, tổ tiên đã khuất đến chỗ tưởng nhớ tất cả những người đã khuất mà khi sống đã trải qua đủ mọi cung bậc cuộc đời, đến khi chết cũng là khói lạnh hương tàn, bơ vơ cô quạnh. Lễ Vu Lan đã thức tỉnh lòng người dân Việt Nam lòng trắc ẩn với những kiếp người, thể hiện sự thương cảm rất nhân văn mà chúng ta thấy rõ điều đó trong bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du, cũng như những nghi lễ được tiến hành trong dịp này, ví dụ như đàn mông sơn thí thực, giải oan cắt kết… Có những nơi, một số nghi lễ diễn ra từ 3 đến 4 ngày liền, thể hiện tất cả các khoa cúng khác nhau và biểu thị thông qua các nghi thức canh, kệ, tán, tụng trong Phật giáo.

Rất dễ để trong cuộc sống nhiều sức ép hôm nay,chúng ta vô tình quên đi những ân cần với cha mẹ mình.Ký ức tuổi thơ, công lao người sinh thành như bé mọn dần trong chuỗi thời gian sống với ganh đua danh lợi. Cha mẹ già bị bỏ quên bên những vui buồn riêng tư,những ham muốn vô cùng tận. Cha mẹ tuổi già với những ốm yếu, lẫn cẫn… như gánh nặng mệt mỏi với tốc độ sống mau lẹ, ít nhiều lạnh lẽo của con cái hôm nay.

Ngày gần đây, chúng tôi 6 người hẹn nhau trong một bữa cơm chiều.Ở tuổi đã từng trải, có người thành ông nội,ông ngoại, miên man với những mối bận tâm hàng ngày, câu chuyện vô tình nói đến những người mẹ. Những người đàn ông gan góc quen với bao tính toán,gồng lên trong mưu sinh cơm áo và bổn phận,bỗng nhiên tĩnh lặng và nghẹn ngào. Ai cũng có người mẹ của riêng mình để nghĩ về, có lời cảm tạ về công lao trời bể, có cả những ngậm ngùi, ăn năn. Nghĩ về mẹ, ai cũng bắt đầu bằng ngôi nhà của cha mẹ. Không phải ngôi nhà nào cũng đủ đàng hoàng, nhưng luôn ấm áp công cha, nghĩa mẹ. Như thể vô tình,ai trong chúng tôi cũng đã viết những cảm xúc về mẹ,bằng thơ, bằng đoạn văn ngắn, thô mộc và chân thành. Anh bạn nghệ nhân điêu khắc chậm rãi đọc bài thơ về mẹ. Chúng tôi như thấy cả bầu trời yêu thương của mẹ bên mình, lúc này đây: “Cuộc đời vất vả trăm đường/Đắng cay mẹ chịu,ngọt nhường phần con/Năm qua tháng lại mỏi mòn/Ngược xuôi vất vả nuôi con lớn dần…/Ân cần tỏ tấm lòng son/Như miếng trầu đắng nhưng ngon tay mời”.

Hành trình của người mẹ, hạnh phúc hay khổ đau, vui hay buồn trong suốt cuộc đời lo toan của mình đều được nhìn, được đo bằng những người con của mình. Ngôi nhà của mẹ chính là cả một bầu trời của yêu thương.

“Chiếc vé tàu cũng hồi hộp như con
khi con về với mẹ
con lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa
nơi mẹ vẫn ngồi khâu, cha thường chẻ lạt
bao xa cách lấp bằng trong chốc lát
xin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước
gánh bao nhiêu trong mát để dành…
để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta
ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ
ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ
chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình”.
(Thơ Hữu Thỉnh)

Như những bà mẹ miền núi chất phác khác, mẹ yêu thương ngôi nhà, mảnh đất mình gắn bó, để cố gắng tạo dựng, gìn giữ một gia sản cho các con, đó là sự ấm áp,xum vầytrong nguồn cội.

Sơn Thành (GĐ&TE)

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...