THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 11:04

Ngôi nhà yêu thương của trẻ khuyết tật Bắc Giang

14/10/2022 | 14:28
Hơn 20 năm qua, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang (BTXHTH BG) đã chăm sóc và nuôi dưỡng gần 1.500 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mang lại cuộc sống ấm áp và là chỗ dựa vững chắc cho trẻ em mồ côi, khuyết tật và nhiễm HIV/AIDS. Nhiều em đã có tiến bộ rõ rệt, có những em trở về nhà, khởi nghiệp thành công.
Một tiết học ở Cơ sở BTXHTH Bắc Giang.

Một tiết học ở Cơ sở BTXHTH Bắc Giang.

Ngôi nhà thứ hai của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

“Một bông hoa đẹp” của xí nghiệp 4 (Tổng công ty may Bắc Giang LGG) - đó là cách mà đồng nghiệp nhắc đến em Tạ Thị Thùy Linh (sinh năm 2001, từng là trẻ câm điếc được nuôi dạy tại Trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật nay là Cơ sở BTXHTH BG). Thùy Linh đến Cơ sở học tập và sinh hoạt từ năm 6 tuổi. Khi đó, em còn là một cô bé nhỏ nhắn, rụt rè, chưa biết cầm bút viết. Trong thời gian ở Cơ sở, Linh được học văn hóa đến tương đương lớp 4, em biết đọc, biết viết thành thạo và học xong chương trình tương đương toán lớp 4 phổ thông, đồng thời tham gia lớp may ngắn hạn cho người khuyết tật do Cơ sở phối hợp tổ chức.

Mặc dù câm điếc, nhưng em thông minh và tiếp thu nhanh, rất khéo tay. Những thành phẩm ban đầu của em được các giáo viên nghề đánh giá cao. Ðây là tiền đề giúp em khi về hòa nhập cộng đồng, trở thành thành viên của Tổng công ty may Bắc Giang LGG. Tay nghề ngày càng nâng cao giúp Thùy Linh có mức thu nhập khá. Ðó là nguồn động viên lớn không chỉ với riêng em, gia đình mà còn là niềm tự hào của Cơ sở. Niềm vui nhân đôi khi năm 2020, gia đình em đến Cơ sở báo hỷ. Cô gái khuyết tật giờ không những tự lo được cho bản thân mà còn lo được cho gia đình riêng. Niềm hạnh phúc ấy thật xứng đáng với những người khuyết tật giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ông Ðỗ Văn Vinh, Giám đốc Cơ sở BTXHTH BG cho biết, khiếm thính là một dạng khuyết tật rất đặc biệt. Trẻ khiếm thính thường không nghe, nói được, nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập, đặc biệt là trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, như giao thông, y tế, việc làm, giáo dục... Ðể biết chữ, tính toán, có kỹ năng sống và giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu nhằm hòa nhập cộng đồng, sự học của trẻ em khiếm thính rất gian nan.

Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt say sưa học tập.

Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt say sưa học tập.

Khi được tiếp nhận vào Cơ sở, các em đều không nghe, không nói được, nên chưa biết đọc, biết viết, vì vậy đòi hỏi giáo viên phải ân cần, tận tình, tỉ mỉ, kiên nhẫn hướng dẫn các em từ những kỹ năng cơ bản trong sinh hoạt, cách chào hỏi, thực hiện nội quy, sau đó mới dạy các em kiến thức trong chương trình học thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Ở tập thể, các em còn được giáo dục tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ các bạn để cùng nhau tiến bộ. Chính sự đồng cảm đã rút ngắn khoảng cách giữa cô và trẻ, giữa trẻ với nhau, trẻ có môi trường thân thiện như gia đình thứ hai của mình.

Bằng tấm lòng, tình thương yêu và sự kiên trì, bền bỉ, trong suốt những năm qua, cán bộ giáo viên Cơ sở đã không ngừng học hỏi, tìm tòi và có những sáng kiến hiệu quả, góp phần vào sự tiến bộ của các em học sinh câm điếc. Ðiều đáng mừng là các em ở trong môi trường có các bạn giống mình, thầy cô hiểu mình, nên nhanh hòa nhập, tiến bộ.

Khác với học sinh ở các trường phổ thông, học sinh câm điếc tại Cơ sở BTXHTH BG không chỉ học trên lớp mà còn được học khi vui chơi, khi lao động và cả trong sinh hoạt thường ngày. Giáo viên đồng thời là người quản lý, chăm sóc, theo dõi, giám sát các em trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Chính vì vậy, giáo dục các kỹ năng sống cần thiết cũng được lồng ghép trong thời gian các em ở tại Cơ sở.

Ngoài kỹ năng tự phục vụ, qua các bài học trên lớp, nơi đây còn giáo dục trẻ kỹ năng giao tiếp bằng cử chỉ hành động, ký hiệu ngôn ngữ riêng, cũng như kỹ năng bảo vệ, giáo dục giá trị sống… Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi lành mạnh, hòa nhập cuộc sống tốt hơn.

Cùng với các cô giáo, bố mẹ, người thân cũng là một trong những động lực giúp các em tiến bộ, hòa nhập tốt hơn khi về cộng đồng.

Không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, trẻ em ở Cơ sở còn được nhận quà từ các hoạt động từ thiện.

Không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, trẻ em ở Cơ sở còn được nhận quà từ các hoạt động từ thiện.

Cần có khung chương trình giáo dục cho trẻ em khuyết tật phù hợp

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật đã đạt được những thành quả quan trọng về nhiều mặt. Hệ thống quản lý giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành hầu hết ở các tỉnh, thành phố và bước đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK) cho trẻ em khuyết tật chưa được hoàn chỉnh.

Ông Ðỗ Văn Vinh cho biết, do hiện nay chưa có khung chương trình giáo dục cho trẻ em khuyết tật thống nhất cụ thể, nên giáo viên của Cơ sở chỉ dựa vào chương trình giáo dục phổ thông chung rồi tự biên soạn thành chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, Giám đốc Ðỗ Văn Vinh mong muốn các cấp có thẩm quyền có kế hoạch và lộ trình cụ thể cho việc xây dựng chương trình giáo dục, SGK cho trẻ em khuyết tật; trong đó rất cần sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên đang giảng dạy thực tế. Ðồng thời, định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục học sinh khuyết tật. Như vậy, sự nghiệp chăm lo, giáo dục cho trẻ khuyết tật sẽ ngày càng tốt hơn.

Trẻ ở Cơ sở BTXHTH BG vừa vui chơi kết hợp học kỹ năng giao tiếp.

Trẻ ở Cơ sở BTXHTH BG vừa vui chơi kết hợp học kỹ năng giao tiếp.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Ðỗ Văn Vinh, với chức năng nhiệm vụ, chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật nói chung, trẻ câm điếc nói riêng, Cơ sở BTXHTH BG đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, chỗ ở cho trẻ khuyết tật ở Cơ sở 2 quá chật và xuống cấp, không phù hợp cho việc quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục cho số trẻ nội trú ngày càng đông hơn. “Do đó, chúng tôi mong muốn sẽ được đầu tư một cơ sở nuôi dưỡng, giáo dục cho trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật dạng câm điếc nói riêng phù hợp hơn”, ông Vinh nói.

Nhật Minh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
TP.HCM tăng cường quản lý nhà vệ sinh trong các cơ sở giáo dục

TP.HCM tăng cường quản lý nhà vệ sinh trong các cơ sở giáo dục

1 năm trước

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học, giám đốc trung tâm giáo...
Đồng Nai: Phát thông báo tìm người thân cho bé trai 10 ngày tuổi bị bỏ rơi ở ấp Việt Kiều

Đồng Nai: Phát thông báo tìm người thân cho bé trai 10 ngày tuổi bị bỏ rơi ở ấp Việt Kiều

1 năm trước

Ngày 13/10, Công an xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thông báo tìm người thân cho bé trai khoảng 10 ngày tuổi bị bỏ rơi trong thùng giấy.
Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học vào danh sách  trường đại học tốt nhất thế giới

Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học vào danh sách trường đại học tốt nhất thế giới

1 năm trước

Ngày 12/10, tổ chức xếp hạng Times Higher Education công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2023 (THE WUR 2023). Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học thế...