THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 12:03

Người mẹ gắn trọn cuộc đời với trẻ mồ côi

07/11/2020 | 22:13
 
Chị Nguyễn Thị Hà đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho các con của mình.
 
Dành trọn cả cuộc đời cho trẻ bất hạnh
 
Con đường dẫn vào Làng trẻ em SOS Hà Nội thật yên bình, tĩnh lặng, trái ngược với sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị bên ngoài. Nơi ấy là ngôi nhà chung ấm áp của nhiều trẻ mồ côi và có những người mẹ đã dành trọn cả tuổi thanh xuân để chăm sóc, dạy bảo những đứa con mà mình không dứt ruột đẻ ra.
 
Chúng tôi vào thăm ngôi nhà mang tên Hoa Cúc Bạch đúng lúc chủ nhân ngôi nhà - mẹ Nguyễn Thị Hà - đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho các con. Không khí ở đây khá yên ắng, bọn trẻ đã đi học hết. Biết chúng tôi tới tìm hiểu về cuộc sống trong làng, mẹ Hà vui vẻ tâm sự: "Tính đến thời điểm này, tôi đã gắn bó với Làng trẻ em SOS Hà Nội 29 năm. Trải qua từng ấy năm, biết bao lớp các con từ tay mình chăm bẵm đã khôn lớn, trưởng thành. Hiện, gia đình nhỏ của tôi ở đây có 7 con, đứa nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời mẹ”. 
 
Dáng người phúc hậu, nụ cười nhẹ nhàng mà chan chứa yêu thương, chị Hà chia sẻ, trong số những đứa trẻ ở đây, có 2 trường hợp chị nuôi vất vả nhất, đó là con Nguyễn Minh Tiệp (sinh năm 1991) và con Nguyễn Thị Hà Anh (sinh năm 1990). Cả hai đều bị bỏ rơi khi mới lọt lòng mẹ. Trong đó, Tiệp là cậu bé có sức khỏe yếu hơn cả, con bị bệnh vảy nến nên hay đau ốm. Mới được 3 ngày tuổi, Tiệp đã bị mẹ ruột bỏ rơi tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi mới đón con về, mẹ chưa biết con bị bệnh vảy nến, sau hơn 1 tháng, thấy da con cứ nhăn nhúm, đưa đi Bệnh viện Xanh Pôn khám, bác sĩ hỏi có phải lúc mang bầu cháu chị ăn nhiều sâm nên da của Tiệp mới bị như vậy đúng không. Khi đó, chị Hà không biết nói thế nào, lại tiếp tục bế con đi các bệnh viện khác và đều nhận được cái lắc đầu của các y bác sĩ vì bệnh này là do gen di truyền. Mặc dù quy định của Làng là không nuôi trẻ khuyết tật và các trẻ có bệnh, thế nhưng do bệnh của Hiệp không lây lan, nên con vẫn được giữ ở lại làng để chăm sóc.
 
Mòn mỏi chữa bệnh cho con, có người mách chị đến ngõ chợ Khâm Thiên gặp ông thầy thuốc chữa bệnh rất giỏi, chị lại tìm đến. Vị bác sĩ nói thẳng, nếu bây giờ tôi chữa cho cháu hết mấy chục triệu thì chị có sẵn sàng chữa cho cháu không. “Bác ơi, cháu cũng sẵn sàng, trong khi đấy lương có đâu, nhưng mình cứ mạnh dạn nói”, chị Hà tâm sự. Hết đắp thuốc lá, thuốc bôi nhưng cũng không khỏi, bác sĩ gặng hỏi thế chị sinh ra cháu như thế nào, anh nhà chị thế nào. Lúc đó, chị đành nói thật lòng với bác sĩ, mình chỉ là mẹ trong Làng trẻ SOS nhận nuôi các con. Vị bác sĩ nói không phải ai cũng làm được như chị nên tôi cũng sẽ kêu gọi mọi người cùng đóng góp hỗ trợ cháu chữa bệnh. Vậy là, một năm, vị bác sĩ không hề lấy một đồng tiền công nào khi chữa bệnh cho Hiệp, mà còn vận động mọi người hỗ trợ chị tiền xe ôm đi lại. Sau một năm chữa trị, bệnh tình của con có đỡ hơn, nhưng sức khỏe vẫn còn yếu, việc chăm sóc, nuôi dưỡng rất vất vả. 
 
29 năm sống trong làng trẻ, ngôi nhà Hoa Cúc Bạch của chị Hà đã có 9 người con xây dựng gia đình, trong đó đích thân mẹ Hà đã đứng ra làm chủ hôn lễ xin dâu cho 3 người con trai. 
 
Chị Hà cho biết: Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng, công tác dạy dỗ cũng rất khó khăn. Xảy ra những chuyện xô sát, mình phải đứng ra phán xét, làm thầy giáo, cô giáo kiểm tra, theo sát con có làm bài đầy đủ hay không... Hiện tại, mỗi con được chu cấp tiền ăn uống 1.050.000 đ/tháng. Đầu tháng lĩnh phụ cấp về, chị lại tính toán để riêng ra khoản chi lớn nhất là gạo, dầu, mắm, còn đâu chia cho các ngày, cũng có ngày ít, ngày nhiều, rồi tổ chức liên hoan cho các con vào dịp lễ, tết, ngày sinh nhật.
 
Cũng giống như các bà mẹ khác, chị Hà không lập gia đình, mỗi tháng được Làng hỗ trợ một phần phụ cấp nho nhỏ. Khi hết tuổi chăm sóc trẻ, Làng trẻ SOS Hà Nội sẽ dành ra khu nhà cộng đồng để cho các bà mẹ, bà dì sống phần đời còn lại. 
 
Tôi hỏi cơ duyên đến với nghề này, chị bảo có lẽ cuộc đời đã gắn chị với những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, vất vả, chị cho biết: Càng làm ở đây lâu, chị lại càng thêm gắn bó. Những năm 90, ngày đầu tiên đón 8 đứa con, cháu lớn mới học hết lớp 4. Cơ sở vật chất khó khăn trăm bề, không có nồi cơm điện, không có bếp ga, chỉ có 1 bếp điện đơn để nấu đủ các món cháo, bột, canh riêu cho các con. 
 
Một buổi giao lưu của Câu lạc bộ bóng đá quốc tế với Làng trẻ SOS Hà Nội.
 
Cần lắm sự quan tâm của cộng đồng
 
Làng trẻ em SOS Hà Nội hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 213 trẻ em, với 16 ngôi nhà mang tên 16 loài hoa khác nhau. Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Làng trẻ SOS Hà Nội chia sẻ: Là mô hình hoạt động được hỗ trợ của dự án trẻ em SOS quốc tế, tuy nhiên việc chăm sóc trẻ cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Nhận thức của xã hội về Làng chưa đầy đủ, nhiều hộ gia đình chưa tin tưởng gửi trẻ để Làng chăm sóc mặc dù ở đây điều kiện chăm sóc các cháu rất tốt, trẻ có đầy đủ điều kiện phát triển hòa hập cộng đồng. Thêm nữa, nguồn kinh phí tài trợ của dự án không thay đổi trong khi giá cả, tỷ giá ngoại tệ trượt giá. Những năm 90, khi Tổ chức SOS quốc tế đến Việt Nam, đời sống rất khó khăn. Nhưng đến nay, nhà cao tầng quá nhiều, đường xá ô tô tắc nghẽn nên họ cho rằng không có lý do gì mà họ phải đóng góp 100% cho dự án này mà yêu cầu Việt Nam có nội lực kinh phí đối ứng. Chính vì vậy, Bộ LĐTBXH đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, địa phương cấp bù kinh phí đối ứng theo Nghị định 136 làm kinh phí hoạt động, do vậy Làng đã được UBND thành phố hỗ trợ kinh phí đối ứng theo văn bản yêu cầu của Bộ. Ngoài ra, Làng đã thành lập bộ phận truyền thông phát triển quỹ để vận động các nhà tài trợ dành thêm kinh phí hỗ trợ dự án, đồng thời giảm bớt sự giúp đỡ của SOS quốc tế. 
 
Chúng tôi rời Làng trẻ SOS khi trời đã gần trưa, cơn mưa vẫn chưa tạnh hẳn. Hòa mình vào trong mưa, chị Hà lại cầm ô ra cổng đón những đứa con của mình đi học về. Hình ảnh người mẹ tần tảo, gắn bó cả cuộc đời với những đứa trẻ mồ côi cứ in đậm mãi trong tâm trí chúng tôi. 

Nguyễn Thu Hiền/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...