THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 05:39

Nguy cơ trẻ em bị ngộ độc từ cây cảnh

11/10/2021 | 06:12
Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng, một số loại cây cảnh trồng trong nhà có thể là “những cái bẫy” tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng con em mình.
Cây kim tiền có thể gây ngộ độc nếu trẻ vô tình nhai hoặc nuốt lá. Ảnh Lê Thúy

Cây kim tiền có thể gây ngộ độc nếu trẻ vô tình nhai hoặc nuốt lá. Ảnh Lê Thúy

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Dũng (Hà Nội) đành gửi 2 con về quê Phú Thọ ở với ông bà. Tuần trước, đang trong giờ làm, anh Dũng nhận được điện thoại của mẹ nói bé Mỹ Anh (5 tuổi) con gái anh tự nhiên mẩn ngứa khắp người, môi thì sưng to. Anh trấn an mẹ bình tĩnh và hướng dẫn bà lấy nước sạch, rồi nước muối sinh lý lau chỗ sưng ngứa cho cháu, nếu không đỡ thì đưa tới trạm y tế xã khám. May mắn, một lát sau, các triệu chứng dị ứng giảm dần, Mỹ Anh hết ngứa và môi cũng bớt sưng đỏ. Gọi video hỏi con, anh Dũng mới biết, Mỹ Anh đã lấy lá cây cảnh trong phòng khách để chơi. Dùng tay bứt lá không được, bé liền lấy miệng cắn đứt cuống lá. Thật may khi Mỹ Anh chỉ bị dị ứng nhẹ, vì thực tế một số trẻ ngậm, nhai lá cây cảnh đã bị ngộ độc phải tới bệnh viện cấp cứu.

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng chia sẻ những câu chuyện để cảnh báo các bậc cha mẹ về nguy cơ trẻ có thể bị dị ứng, thậm chí ngộ độc từ những cây cảnh trong nhà.

Những cây cảnh quen thuộc tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Một số cây được nhiều gia đình trồng trong nhà như: kim phát tài (kim tiền), môn trường sinh, vạn niên thanh, hồng môn, trầu bà, lan ý... đều chứa chất độc với đường ruột - canxi oxalat - có thể gây kích ứng các phần da nhạy cảm, niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng, kết mạc mắt; nặng hơn có thể gây nôn nao, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong.

Đỗ quyên cũng là một cây quen thuộc với nhiều gia đình. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của cây đều có chứa độc tố mang tên andromedotoxin và arbutin glucosit. Theo các nghiên cứu, một lượng từ 100-225g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc cho 1 trẻ nặng 25kg. Bạn có biết, phấn hoa cẩm tú cầu phát tán cũng có thể làm da người bị dị ứng, nhất là trẻ em? Xương rồng cảnh rất dễ trồng, tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý nhắc trẻ, vì nhựa của chúng có thể làm phồng rộp da và niêm mạc mắt nếu vô tình đụng phải. Các gia đình hạn chế trồng các cây cảnh có độc xung quanh nhà như cây ngô đồng, trúc đào… vì những cây này có độc nhưng hoa đẹp nên nhiều trẻ thích ngắt, chơi, "nếm" thử.

Theo nghiên cứu, chỉ lượng nhỏ lá đỗ quyên (100g - 225g) cũng đủ gây ngộ độc cho một đứa trẻ. Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu, chỉ lượng nhỏ lá đỗ quyên (100g - 225g) cũng đủ gây ngộ độc cho một đứa trẻ. Ảnh minh họa

Phòng ngộ độc từ cây cảnh cho trẻ thế nào?

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò, ưa khám phá nên hay muốn "ăn thử", hoặc bứt nghịch những lá cây cảnh trẻ thấy trong nhà. Khi trẻ bị dị ứng, ngộ độc cây cảnh, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần nhận biết và có cách xử trí đúng.

Các triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc cây cảnh là nôn, tiêu chảy, đau bụng, sưng họng hoặc lưỡi, khó khăn khi thở, nói và nuốt. Cũng có loại cây cảnh chỉ gây ra các phản ứng nhẹ như nổi mụn, mẩn ngứa. Một số trường hợp ngộ độc cây cảnh có triệu chứng giống cúm. Phấn hoa của một số loại cây cảnh gây khó thở cho trẻ mắc hen suyễn… Người lớn cần nhận biết các triệu chứng để có cách sơ cứu và không trì hoãn việc đưa trẻ tới cơ sở y tế.

Phát hiện trẻ nhai hoặc nuốt phải lá cây cảnh chứa độc tố, cần pha nước muối theo tỉ lệ 2 muỗng canh muối cùng 1 ly nước ấm cho trẻ uống. Động viên trẻ cố nôn ra, nếu không, cần kích thích để trẻ nôn. Sau khi sơ cứu, nên đưa trẻ đến bệnh viện. Cung cấp cho bác sĩ biết tên loại cây cũng như thứ gì trên cây mà bé ăn phải để việc điều trị sớm hiệu quả. Tốt nhất, nên mang theo loại lá cây mà trẻ đã nhai phải để bác sĩ có thể nhanh chóng xác định độc tố gì và có biện pháp giải độc nhanh nhất.

Chỉ nên mua cây cảnh khi biết nó thực sự an toàn với trẻ. Ngay cả khi biết đó là loại cây cảnh an toàn, cũng nên đặt ở bệ cao, ngoài tầm tay trẻ. Bất kỳ loại cây cảnh nào bạn định trồng cũng nên biết tên, tìm hiểu về tính độc hại của cây này. Không để hạt giống, cây giống, chậu cảnh dự định sẽ trồng cây trong nhà, vì các thứ này có thể cám dỗ trí tò mò, khiến trẻ muốn “nếm” chúng. Tuyệt đối không để trẻ em nghịch, cầm hay cho bất cứ loại lá cây nào vào miệng.

Anh Khánh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...