THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 01:13

Nguy hiểm khi trẻ bị ngộ độc paracetamol

01/11/2021 | 07:38
Paracetamol là thuốc hạ sốt được dùng phổ biến trong cộng đồng, dễ sử dụng nhưng vẫn còn nhiều trường hợp sử dụng thuốc không đúng, sử dụng quá liều cho trẻ dẫn tới ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng.
 

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ phải đúng khuyến cáo của bác sĩ

Mới sinh con đầu lòng nên chị Hương còn nhiều bỡ ngỡ khi chăm sóc con. Khi bé Hiếu (8 tháng tuổi) bị sốt, chị nhanh chóng đưa con đi khám. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận bé bị sốt do mọc răng và dặn dò rất kỹ: Khi bé sốt trên 38,5 độ C thì mới cần cho uống thuốc hạ sốt; Khi cho trẻ uống hạ sốt phải tính đúng liều lượng và giữa các lần uống phải đảm bảo thời gian như hướng dẫn; Nếu là thuốc hạ sốt là dạng lỏng thì phải đo chính xác bằng dụng cụ, không được áng chừng... vì nếu trẻ em bị ngộ độc paracetamol rất nguy hiểm. Nghe bác sĩ dặn dò, chị Hương chột dạ, bởi bấy lâu nay chị luôn nghĩ, khi bị sốt cao, cứ tăng liều thuốc hạ sốt lên thì trẻ sẽ nhanh hạ. Cùng suy nghĩ như chị Hương mà không ít bậc cha mẹ đã cho trẻ uống quá liều thuốc hạ sốt, dẫn tới tình trạng trẻ bị ngộ độc paracetamol, ảnh hưởng sức khỏe cũng như tính mạng.

Paracetamol có nhiều tên biệt dược như acemol, dafalgan, efferalgan, fevramol, oralgan... Thuốc thường được dùng để hạ sốt trong cảm cúm, do nhiễm khuẩn hay virus, hoặc sau tiêm chủng... Ngoài ra, paracetamol còn được dùng để giảm đau trong các trường hợp như đau đầu, đau răng, đau khớp, đau do ngã, chấn thương... Thuốc bắt đầu có tác dụng sau 15-30 phút, đạt tác dụng tối đa sau 3 giờ (hạ 1,5-2,25 độ C và giữ được tác dụng trong 3-4 giờ. Vì vậy, phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 giờ. Thuốc được chuyển hóa ở gan thành một chất hòa tan trong nước và thải trừ ra ngoài qua nước tiểu.

Paracetamol có nhiều loại như: viên nén, thuốc bột, thuốc nước, viên đạn, thuốc cốm, thuốc tiêm... 

Liều lượng dùng từ 10-20mg/kg/1 lần, cứ 4-6 giờ sau có thể nhắc lại 1 lần nếu còn sốt trên 38,5 độ C; liều tối đa không quá 100mg/kg/24 giờ. Vì vậy, khi dùng phải lưu ý liều lượng thuốc để tránh ngộ độc.

Cách dùng: Viên nén, viên bao, viên nhộng thì có thể nuốt nguyên viên hoặc hòa tan với nước sôi để nguội. Với dạng viên sủi bọt thì thả viên thuốc vào cốc nước sôi để nguội. Với dạng viên đạn thì trước hết tháo bỏ bao bì, làm ướt viên thuốc với nước rồi đặt vào hậu môn của trẻ và dùng ngón tay đẩy cho thuốc vào hẳn trong hậu môn.

Nếu dùng thuốc 2 ngày mà không thấy trẻ đỡ sốt thì phải cho trẻ đi khám bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt quá 5 ngày.

Trước khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và làm theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Ảnh Đức Anh

Trước khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và làm theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Ảnh Đức Anh

Biểu hiện khi dùng paracetamol quá liều

Ngộ độc paracetamol là loại ngộ độc thường gặp nhưng âm thầm, dễ bỏ sót và là nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp nhất ở các nước phát triển. Nếu dùng thuốc quá liều (trên 100mg/kg/24 giờ), trẻ có thể có biểu hiện: khó chịu, kích thích, vã mồ hôi, đau bụng, nôn, tiêu chảy, co giật, hôn mê. Đôi khi, trẻ không xuất hiện triệu chứng, có thể vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, và khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê và tử vong. Vì thế, các bậc cha mẹ nên hết sức thận trọng khi cho trẻ dùng paracetamol.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng dùng quá liều paracetamol ở trẻ em như:

- Trẻ uống nhầm thuốc.

- Cha mẹ cho trẻ uống tăng liều để mong nhanh hết sốt.

- Dùng 2 liều sát nhau quá (cách nhau dưới 4 giờ).

- Vừa dùng thuốc viên, vừa dùng thuốc đặt hậu môn với tên gọi khác nhau, nhưng đều là biệt dược của paracetamol.

Phòng ngừa quá liều paracetamol

Paracetamol sử dụng để hạ sốt với liều điều trị thường có tính an toàn cao, nhưng nếu dùng quá liều có thể dẫn tới hoại tử gan cấp và gây tử vong. Khi thấy trẻ bị sốt, đó là một phản ứng miễn dịch của cơ thể với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Trong trường hợp trẻ sốt < 38,5 độ C, cha mẹ cho trẻ mặc quần áo mỏng, rộng, ở nơi thoáng mát, uống nước nhiều, chườm khăn nước ấm trán, nách bẹn và lau người... Chỉ dùng hạ sốt khi trẻ sốt ≥38, 5 độ C hoặc ≥38, 0 độ C ở trẻ có tiền sử co giật do sốt để tránh những biến chứng nguy hiểm như co giật, mê sảng...

Phòng ngừa quá liều paracetamol ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý:

- Chỉ dùng khi cần, không nên dùng phòng ngừa hạ sốt.

- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cho tất cả các loại thuốc.

- Nên tính trước liều của con để khi cần thì có sẵn, không lúng túng tính nhầm.

- Không uống hai thuốc có thành phần hạ sốt cùng lúc vì có nguy cơ quá liều, một số thuốc cảm ho có sẵn thành phần hạ sốt trong đó, nếu uống thêm thuốc sốt sẽ thành uống gấp đôi.

- Tuyệt đối không uống quá liều được khuyến cáo.

- Nếu là thuốc nước, nên đo chính xác bằng dụng cụ đo lường, không nên áng chừng.

- Nên ghi lại liều lượng, số lần thuốc trẻ đã uống.

- Thuốc nên để ngoài tầm với của trẻ, luôn đóng chặt nắp.

- Không cần uống ibuprofen và acetaminophen cùng lúc để hạ sốt.

Anh Khánh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Yên Bái: Các cấp, các ngành chung tay bảo vệ trẻ em

Yên Bái: Các cấp, các ngành chung tay bảo vệ trẻ em

2 năm trước

Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi gia đình cùng chung tay phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; kịp thời xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại gây ra cho trẻ em...
Nới lỏng giãn cách, đừng để trẻ em chịu thiệt thòi

Nới lỏng giãn cách, đừng để trẻ em chịu thiệt thòi

2 năm trước

Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, cuộc sống đang dần dần trở lại bình thường. Trong hoàn cảnh này, các cơ quan chức năng vẫn đề cao cảnh giác, vẫn duy trì...
Một số tỉnh, thành trong nước tiêm và lên kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em

Một số tỉnh, thành trong nước tiêm và lên kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em

2 năm trước

Từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức và triển khai trên địa bàn toàn quốc. Nhằm bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước các biến thể của...