THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 10:36

Nhân rộng mô hình truyền thông tư vấn pháp luật đất đai cho phụ nữ dân tộc thiểu số

04/06/2022 | 09:43
Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế-Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) vừa tổ chức hội thảo chia sẻ mô hình truyền thông, tư vấn pháp luật đất đai cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), với sự tham gia của gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan chức năng cấp trung ương và địa phương trong lĩnh vực quản lý đất đai, tuyên truyền phổ biến pháp luật, bảo vệ phụ nữ.
Nhiều phụ nữ DTTS của huyện Mai Châu tham gia hoạt động của dự án triển khai tại địa phương.

Nhiều phụ nữ DTTS của huyện Mai Châu tham gia hoạt động của dự án triển khai tại địa phương.

Chuyện của phụ nữ dân tộc thiểu số Mai Châu

Tại Hòa Bình, từ năm 2020, CISDOMA phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và Phòng Tư pháp huyện Mai Châu trong việc tìm hiểu nhu cầu nâng cao nhận thức cho phụ nữ DTTS trên địa bàn sáu xã: Xăm Khoè, Nà Phòn, Bao La, Đồng Tân, Mai Hịch, Chiềng Châu của huyện Mai Châu về quyền sử dụng đất (QSDĐ). Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường quyền đất đai của phụ nữ DTTS ở Việt Nam thông qua việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ pháp lý” được tổ chức INKOTA tài trợ và CISDOMA quản lý trong thời gian từ năm 2020 đến nay.

Nhiều phụ nữ của huyện Mai Châu sau khi được tiếp cận với các hoạt động của dự án đã nhận thức được đầy đủ về: quyền được bình đẳng trong việc tiếp cận và tiếp nhận của mình đối với đất đai; quyền được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) đối với tài sản chung của hai vợ chồng. Chị Vì Thị Oanh - một phụ nữ dân tộc Thái 50 tuổi ở xã Chiềng Châu (Mai Châu) tâm sự, sau gần 30 năm lập gia đình, giờ mới có tên trong sổ đỏ. Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Oanh sống cùng bố mẹ chồng trên thửa đất ở của bố mẹ chồng. Thửa đất được cấp GCN QSDĐ năm 1998, diện tích 320m2 và mang tên bố chồng. Vợ chồng chị cùng canh tác trên diện tích đất nông nghiệp được cấp sổ đỏ năm 1997, tổng diện tích 4.252,7m2 GCN QSDĐ nông nghiệp cũng mang tên bố chồng. Bố mẹ chồng chị Oanh có năm người con đều đã lập gia đình và ở riêng. Mẹ chồng đã mất, bố chồng đã hơn 80 tuổi, tuy nhiên, ông chưa chuyển tên trên GCN QSDĐ sang cho vợ chồng chị và cũng chưa có ý định viết di chúc để lại quyền sử dụng các thửa đất đó. Theo phong tục của dân tộc Thái, người con nào ở và chăm sóc ông bà, cha mẹ sẽ được thừa kế QSDĐ của ông bà, cha mẹ để lại mà không cần có di chúc.

Trong thực tế, đã xuất hiện nhiều tình huống trước đây, khi đất chưa có giá trị, anh em trong gia đình rất hòa thuận trong việc phân chia thừa kế đất theo phong tục. Những năm gần đây, khi giá trị đất tăng do phát triển du lịch đã làm gia tăng các vụ việc tranh chấp về đất giữa anh chị em trong gia đình, khi bố mẹ chết không để lại di chúc và không thực hiện theo phong tục. Với hiện thực của gia đình mình, chị Oanh trăn trở làm sao để tránh được tình trạng tranh chấp đất giữa anh chị em nhà chồng với gia đình mình trong tương lai.

Những trăn trở của chị Oanh đã được giải quyết sau khi chị tham gia hoạt động của dự án triển khai tại địa phương. Với những kiến thức được trang bị trong các khóa tập huấn, sự kiện truyền thông, chị đã bàn với anh em trong gia đình chồng cùng phối hợp thuyết phục bố chồng đồng ý làm hợp đồng tặng cho QSDĐ ở và đất nông nghiệp cho vợ chồng chị. Khi có hợp đồng tặng cho đất của bố chồng và biên bản phân chia di sản thừa kế QSDĐ từ phần của mẹ chồng được hưởng, vợ chồng chị đã gửi hồ sơ đến chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của huyện và đã được cấp GCN QSDĐ cho các thửa đất với tên hai vợ chồng chị.

Cán bộ địa phương tư vấn pháp luật để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai cho phụ nữ DTTS.

Cán bộ địa phương tư vấn pháp luật để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai cho phụ nữ DTTS.

Mô hình cần nhân rộng

Mô hình truyền thông, tư vấn pháp luật để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai cho phụ nữ DTTS đã được triển khai trên địa bàn 19 xã của hai huyện: huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) từ tháng 5/2020. Viện CISDOMA chủ trì và phối hợp với các đơn vị đối tác gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An, UBND huyện Mai Châu và UBND huyện Quế Phong trong việc triển khai mô hình.

Cán bộ địa phương có chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật, hoặc tham mưu cho công tác quản lý đất đai đã được nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ trong quyền sử dụng đất và kỹ năng truyền thông, kỹ năng tư vấn pháp luật. Cán bộ chức năng sau khi được tập huấn đã phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn cho người dân, phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương mình. Đến nay, 3.579 người dân (trong đó 81,5% là phụ nữ DTTS) sau khi tham gia sự kiện truyền thông tại thôn bản đã hiểu rõ những quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất. 469 người dân (trong đó 51,4% là phụ nữ DTTS) có vướng mắc liên quan đến đất đai của gia đình, của cộng đồng đã được tư vấn cách thức giải quyết. Các vướng mắc của người chủ yếu là các nội dung: cấp mới, cấp đổi sổ đỏ; sang tên sổ đỏ khi được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tranh chấp đất đai. Bà Bùi Thị Uồn, một phụ nữ dân tộc Mường, ở xóm Panh, xã Bao La, huyện Mai Châu sau khi tham dự sự kiện truyền thông đã bày tỏ: “Trước đây cứ nghĩ chỉ con trai mới được chia đất đai, sổ đỏ chỉ được đứng tên chồng, nhưng bây giờ thì đã hiểu về quyền lợi của con trai cũng như con gái, sổ đỏ có thể mang cả tên chồng và tên vợ”.

Ông Vũ Thế Thường - Quản lý dự án của CISDOMA trình bày tại hội thảo.

Ông Vũ Thế Thường - Quản lý dự án của CISDOMA trình bày tại hội thảo.

Ngay sau sự kiện truyền thông, những người dân đang có vướng mắc về pháp luật đất đai đã tư vấn trực tiếp tại gia đình để tìm hướng giải quyết và trợ giúp tiếp theo. Không chỉ dừng lại ở những sự kiện truyền thông, tư vấn lưu động theo chiến dịch mà các cán bộ chức năng địa phương đã đào tạo kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn tại chỗ và kết nối với các luật sư, trợ giúp viên pháp lý với những trường hợp hòa giải không thành để trợ giúp trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án. Anh Hà Công Nhuận, Công chức tư pháp xã Bao La, Mai Châu, Hòa Bình cho biết: “Riêng bản thân tôi thấy đã có thêm kiến thức pháp luật liên quan đến đất đai, tự tin và có kỹ năng tuyên truyền trước đông đảo bà con hoặc tư vấn tại chỗ. Trước kia hướng dẫn cho người dân thì cũng chỉ hồ sơ, khái quát qua, chưa nắm rõ được như bây giờ”.

Nhằm mục tiêu nhân rộng mô hình này tới nhiều địa phương khác, Viện CISDOMA đang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng, ban hành “Tài liệu hướng dẫn thực hiện truyền thông, tư vấn pháp luật về đất đai cho phụ nữ”. Hy vọng với tài liệu hướng dẫn này, hoạt động truyền thông, tư vấn sẽ được thực hiệu quả hơn giúp cho nhiều phụ nữ được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai mà pháp luật đã quy định. 

Hoàng Nam
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Trẻ đánh nhau vì tranh giành đồ chơi, cha mẹ cần làm gì để giải quyết mâu thuẫn mà vẫn giáo dục được trẻ?

Trẻ đánh nhau vì tranh giành đồ chơi, cha mẹ cần làm gì để giải quyết mâu thuẫn mà vẫn giáo dục được trẻ?

1 năm trước

Mọi người vẫn nói rằng 2 tuổi trở ra là thời kỳ “nổi loạn” của trẻ, và điều đó hoàn toàn đúng!
Vấn nạn nghiện game ở trẻ và giải pháp

Vấn nạn nghiện game ở trẻ và giải pháp

1 năm trước

Vừa qua, đã diễn ra hội thảo online “Vấn nạn nghiện game ở trẻ và giải pháp” do MetaMinds tổ chức với sự đồng hành của Thương hiệu sách Y học MedInsight và Công ty Công nghệ eDoctor.
Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ bằng truyện cổ tích

Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ bằng truyện cổ tích

1 năm trước

Khi các bé còn nhỏ tuổi, cha mẹ không thể dạy trực tiếp các nội dung về đạo đức, cuộc sống,.. nhưng thông qua các câu truyện cổ tích các bé lại học được rằng trong cuộc sống phải...
Khánh Thi và Phan Hiển “rục rịch” làm đám cưới

Khánh Thi và Phan Hiển “rục rịch” làm đám cưới

1 năm trước

Tại SEA Games 31, cặp nhảy Phan Hiển – Thu Hương đã đoạt 3 Huy chương Vàng ở bộ môn Khiêu vũ Thể thao (Dancesport). Khánh Thi với vai trò huấn luyện viên đã đóng góp rất lớn cho thành công...